(QBĐT) - Báo Chiến sĩ, Cơ quan Huấn luyện và Tuyên truyền của Giải phóng quân, do Ủy ban Quân chính Khu C (Ủy ban này bao gồm 4 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và Quảng Nam) phát hành, về sau Chiến sĩ trở thành Cơ quan của Vệ Quốc đoàn Khu bốn. Tuần báo Chiến sĩ do nhà báo Ngô Điền làm chủ bút (nhà báo Ngô Điền quê Quảng Nam, sau này ông là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), nhà báo Thân Trọng Ninh làm quản lý, số 1 ra ngày 15/11/1945, ra đến số 39 ngày 2/9/1946 thì dừng để chuẩn bị chuyển ra Nghệ An; tòa soạn báo Chiến sĩ đóng tại số 8 đường Tự Đức, nay là số 12 đường Hùng Vương, TP. Huế. Báo có 8 trang, có số 12 trang, cỡ A4, in tại Nhà in Ngô Tử Hạ, Thuận Hóa.
Tuần báo Chiến sĩ mở nhiều chuyên mục về quân sự, chính trị, gương chiến đấu, văn nghệ, tin tức…, trong đó có chuyên mục “Trên Đài danh dự-Tổ quốc ghi tên các anh”. Chuyên mục này lúc đầu chỉ công bố họ tên, quê quán, nơi Vệ Quốc quân hy sinh tại các chiến trường, về sau thì viết thành tiểu sử từng chiến sĩ và công bố rộng rãi trên báo, nhiều địa phương nhận thông tin trên báo đã tổ chức truy điệu các anh!
Với chủ trương của tuần báo Chiến sĩ: “Các đồng chí chính trị viên các cấp! Một công tác cần thiết của các đồng chí: Ghi công những Vệ Quốc quân tử trận. Hãy điều tra, ghi chép và gửi về tòa soạn báo Chiến sĩ những tài liệu xác thực và đầy đủ để viết tiểu sử những chiến sĩ đã bỏ mình vì nước”.
“Chiến sĩ dự định viết tiểu sử những chiến sĩ thân yêu đã bỏ mình trên các mặt trận. Muốn được đầy đủ và xác thực yêu cầu các cấp chỉ huy quân sự cùng đồng bào gửi cho nhiều tài liệu về đời sống và chiến công của các anh ấy”.
Dưới mỗi chuyên mục “Trên Đài danh dự-Tổ quốc ghi tên các anh”, riêng về tòa báo “Chiến sĩ xin nghiêng mình trước vong linh các anh và xin chia buồn cùng tang gia, Chiến sĩ yêu cầu Ủy ban nhân dân (sau là Ủy ban Hành chánh) và đồng bào địa phương săn sóc đến tang gia để tỏ lòng biết ơn của chúng ta đối với những người tử trận!”.
Từ chủ trương này, ngay từ số 2 ra ngày 23/11/1945, báo đã mở chuyên mục: “Trên Đài danh dự-Tổ quốc ghi tên các anh”. Thông qua chuyên mục này của 39 số báo, chúng tôi thống kê được 8 Vệ Quốc quân người quê hương Quảng Bình đã anh dũng hy sinh bảo vệ nền độc lập còn non trẻ của đất nước.
Về quê quán của các anh cũng như ngôn từ, văn phong, chúng tôi giữ nguyên như báo Chiến sĩ đã công bố.
![]() |
1. Anh Nguyễn Luật, quán làng Lương Yên, tổng Võ Xá, tỉnh Quảng Bình, tử trận tại Đồng Hến (Lào) ngày 1/2/1946.
2. Anh Lê Văn Hường, quán làng Nam Lãnh, tổng Thuận Hòa, tỉnh Quảng Bình, tử trận tại Đồng Hến (Lào) ngày 1/2/1946.
3. Anh Nguyễn Cam, quán làng Thuận Lý, tổng Thuận Lý, tỉnh Quảng Bình, tử trận tại Đồng Hến (Lào) ngày 30/1/1946.
4. Anh Lê Hiệu, quán làng Hiền Vinh, tổng Trung Quan, tỉnh Quảng Bình, tử trận tại Đồng Hến (Lào) ngày 30/1/1946.
5. Anh Nguyễn Em, quán làng Nguyệt An, tổng Hoành Phố, tỉnh Quảng Bình, tử trận tại Đồng Hến (Lào) ngày 30/1/1946.
6. Anh Võ Khắc Ve (Vẻ, Vệ), quán làng Mỹ Lộc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, tử trận tại Đồng Hến (Lào) ngày 30/1/1946.
7. Anh Lê Mày, quán làng Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, tử trận tại Đồng Hến (Lào) ngày 30/1/1946. (Báo Chiến sĩ số 18 ra ngày 27/3/1946).
8. Anh Lê Khiếu, sinh năm 1925 tại làng Phan Hiên (Hiền), huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, con ông Lê Bồi (60 tuổi) và bà Lê Thị Chóp (59 tuổi), hiện làm nghề nông.
Trước kia anh học trường Xuân Dục. Khi đã đậu bằng Sơ học năm 1942, anh về sống cuộc đời khoáng đạt giữa đồng ruộng, thường luyện tập võ nghệ và nuôi trong lòng một hoài bão lớn. Cuộc đảo chính tháng 3/1945 càng làm cho anh nhận rõ bổn phận cứu nước của mình, nên vào khoảng tháng 6/1945, anh gia nhập mặt trận Việt Minh. Ngày 1/9/1945, anh cùng mấy bạn đồng hương rủ nhau nhập Giải phóng quân. Anh được giữ chức Tiểu đội trưởng.
Giữa lúc đang giục các đội viên tiến đến bắn quân thù, anh bị một viên đạn xuyên vào mình. Anh tử trận tại Na Còi (Lào) ngày 31/1/1946, tức là ngày 29 tháng Chạp năm Ất Dậu (Báo Chiến sĩ số 33 ra ngày 17/7/1946).
Với công tác nghiên cứu lịch sử cách mạng và kháng chiến, qua báo Chiến sĩ của Vệ Quốc đoàn Khu bốn, chúng tôi tiếp cận được một số thông tin về các Vệ Quốc quân là người quê hương Quảng Bình đã tử trận trên các chiến trường sau Cách mạng tháng Tám. Hy vọng, các anh đã được công nhận là liệt sỹ! Cũng có thể do thời gian và chiến tranh chia cắt nhiều năm nên có những Vệ Quốc quân hy sinh để bảo vệ nền độc lập của đất nước từ cuối năm 1945 đến giữa năm 1946 mà báo Chiến sĩ công bố ở chuyên mục “Trên Đài danh dự-Tổ quốc ghi tên các anh” đến nay vẫn chưa được công nhận liệt sỹ. Nếu có chiến sĩ nào đã được Nhà nước công nhận là liệt sỹ rồi thì thật may mắn và xin được dâng một nén hương thơm tưởng niệm những Vệ Quốc quân anh hùng!
Chúng tôi gửi đến thân nhân các chiến sĩ tử trận và bạn đọc Báo Quảng Bình với mong muốn, nếu còn Vệ Quốc quân nào bị khuất lấp ở danh sách trên mà chưa được công nhận liệt sỹ, đề nghị ngành Lao động-Thương binh-Xã hội của tỉnh cần nghiên cứu bổ khuyết hồ sơ trình Nhà nước công nhận. Người soạn bài này xin cung cấp tài liệu đúng với thông tin gửi Báo Quảng Bình nhờ công bố để phục vụ bổ sung hồ sơ!
Dương Phước Thu
(Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế)