Bài 2: Giải pháp nào "giữ chân" nguồn nhân lực?

  • 07:06, 22/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Gần 150 cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) xin nghỉ việc theo nguyện vọng chỉ trong vòng gần 1 năm là hồi chuông cảnh báo không nhỏ đối với hệ thống chính quyền, cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, bởi bất luận vì lý do gì thì việc “khuyết” cán bộ cũng sẽ gây nên ít nhiều trở ngại cho quá trình vận hành của các cơ quan, đơn vị, nhất là khi các cán bộ đó có năng lực, trình độ cao. Đã đến lúc cần nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc, khách quan về thực trạng này để từ đó đưa ra những giải pháp căn cơ, hợp lý. 
 
 
Áp lực từ việc “khuyết” nhân lực
 
Giữa năm học 2022-2023, giáo viên (GV) Tiếng Anh duy nhất của Trường tiểu học (TH) Hóa Tiến (Minh Hóa) là cô Đinh Thị Thùy D. xin nghỉ việc theo nguyện vọng. Sự việc này đặt nhà trường vào tình thế “khóc dở, mếu dở” khi phải mướt mồ hôi tìm GV Tiếng Anh. Không tuyển được GV, nhà trường phải hợp đồng với một GV trình độ cao đẳng nhưng cũng chỉ có thể dạy cho học sinh (HS) khối 3, còn HS khối 4 và khối 5 thì đành trống môn Tiếng Anh.
 
“Trước đây, một mình cô Thùy D. đảm nhận dạy bộ môn Tiếng Anh cho cả ba khối 3, 4, 5, nhưng từ khi cô nghỉ việc, mọi thứ đều bị xáo trộn. Thiếu GV, điều chúng tôi lo lắng nhất là việc học của HS bị ảnh hưởng rất nhiều, quá thiệt thòi cho các em, nhưng cũng đành “lực bất tòng tâm” vì việc tuyển GV, nhất là GV Tiếng Anh hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Năm học tới, nếu không tìm được GV dạy hợp đồng thì nhà trường sẽ phải liên hệ với một số GV tại các trường học hoặc các trung tâm ngoại ngữ ở TP. Đồng Hới tổ chức học trực tuyến cho HS. Biết là sẽ có nhiều hạn chế khi học trực tuyến, nhưng ngoài cách đó ra, chúng tôi chưa có giải pháp nào hữu hiệu hơn”, Hiệu trưởng Trường TH Hóa Tiến Nguyễn Thái Sơn chia sẻ.
 
Khó khăn, áp lực trong vận hành công việc vì thiếu hụt nhân sự cũng là tình trạng mà Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thông (VH-TT-TT) huyện Tuyên Hóa đang gặp phải khi đơn vị này có 3 viên chức nghỉ việc. Từ năm 2022 đến nay, trung tâm có 3 viên chức thuộc các bộ phận văn hóa, nội dung và thể thao nộp đơn xin nghỉ việc. Với việc 3 viên chức này thôi việc, hiện trung tâm chỉ còn 24 cán bộ, nhân viên, trong đó có 3 viên chức biệt phái. Và như ông Nguyễn Minh Thụ, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuyên Hóa trao đổi, việc “khuyết” 3 viên chức đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của trung tâm thời gian qua cũng như sắp tới. Khối lượng công việc nhiều trong khi nhân lực thiếu nên áp lực dồn cho các cán bộ, viên chức trung tâm không hề nhỏ.
 
Đơn cử như bộ phận thể thao, trước đây, mọi công việc do hai người gồm Phó Giám đốc trung tâm và một cán bộ chuyên môn đảm nhiệm, nhưng từ khi viên chức thuộc bộ phận này xin nghỉ thì mọi công việc đều dồn cho người còn lại là Phó Giám đốc (không có chuyên môn thể thao mà chỉ bằng kinh nghiệm công tác). “Sắp tới, trên địa bàn huyện sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, khối lượng công việc rất nhiều nên với nguồn nhân lực eo hẹp như bây giờ, trung tâm sẽ gặp không ít trở ngại để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hiện tại, chúng tôi đang đề xuất tuyển thêm 3 viên chức bù vào chỗ “khuyết” của những người nghỉ việc, nhưng xem chừng chưa biết khi nào được thực hiện”, ông Thụ trăn trở.
Cải thiện chế độ tiền lương và môi trường làm việc là vấn đề cốt yếu để “giữ chân” viên chức ngành GD-ĐT nói riêng và CBCCVC nói chung. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa).
Cải thiện chế độ tiền lương và môi trường làm việc là vấn đề cốt yếu để “giữ chân” viên chức ngành GD-ĐT nói riêng và CBCCVC nói chung. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Sự dịch chuyển của CBCCVC từ khu vực công sang khu vực tư chắc chắn sẽ để lại một “khoảng trống nhân sự” không nhỏ, dẫn đến các cơ quan nhà nước gặp nhiều khó khăn, lúng túng khi tìm nguồn thay thế hoặc nếu đầu tư đào tạo nguồn nhân lực mới từ đầu thì sẽ gây lãng phí, tốn kém cả về công sức, tiền của và thời gian.

Theo Trưởng phòng CBCCVC, Sở Nội vụ Nguyễn Văn Túc, quy trình tuyển dụng nhân sự hiện nay mất khá nhiều thời gian, ít nhất là 2 tháng và tốn kém không ít chi phí. Do đó, nếu số lượng ít, lẻ tẻ thì sẽ rất khó để tổ chức tuyển dụng nên phải chờ theo đợt. Và trong thời gian chờ đợt tuyển dụng đại trà thì các cơ quan, đơn vị bị “khuyết” cán bộ sẽ phải tự xoay sở, sắp xếp. Chính vì vậy, việc CBCCVC bỏ việc sẽ tạo ra nhiều áp lực cho các cán bộ, nhân viên khác, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tổ chức bộ máy, cũng như sự vận hành và hiệu năng hoạt động của hệ thống chính quyền, cơ quan nhà nước...

Thực hiện đồng bộ các giải pháp
 
Làm gì để khắc phục tình trạng CBCCVC xin nghỉ việc không chỉ là băn khoăn mà còn trở thành áp lực không nhỏ đối với ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) khi số lượng viên chức xin nghỉ việc của ngành đứng tốp đầu toàn tỉnh. Theo ông Nguyễn Đại Trường, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT, để “giữ chân” cán bộ, GV nhất là ở các khu vực có điều kiện khó khăn, vùng sâu, vùng xa không phải là chuyện dễ.
 
Hiện tại, ngành GD-ĐT thiếu rất nhiều biên chế, riêng bậc THPT thiếu 58 biên chế, nhưng không thể tuyển thêm, nguyên nhân là do theo lộ trình tinh giản biên chế của tỉnh, từ năm 2022-2026, toàn ngành phải giảm 212 biên chế. Bởi vậy, để khắc phục tình trạng thiếu GV hiện nay, sắp tới, ngành sẽ lên kế hoạch để tuyển 743 GV, nhân viên hợp đồng (không quá 12 tháng) cho tất cả các cấp học theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
 
“Để “giữ chân” cán bộ, GV, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên; chỉ đạo các cơ sở giáo dục phân công nhiệm vụ hợp lý, tránh tạo áp lực cho cán bộ, GV; huy động các nguồn lực xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục thì vấn đề cốt yếu là phải cải thiện chế độ tiền lương và môi trường làm việc cho họ, bởi đây chính là “gốc rễ” của vấn đề. Cán bộ, GV phải bảo đảm được đời sống tối thiểu thì mới có thể yên tâm gắn bó với nghề”, anh Trường bày tỏ.
 
Những trăn trở của ngành GD-ĐT cũng là trăn trở chung của các ngành, cơ quan, đơn vị xảy ra tình trạng CBCCVC xin nghỉ việc. Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1789/UBND-NCVX, ngày 29/9/2022, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai một số giải pháp, như: Quan tâm xây dựng đội ngũ CBCCVC, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh; xây dựng phương án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện ngay sau khi Chính phủ, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn về xã hội hóa, định mức kinh tế-kỹ thuật, định mức chi phí làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp có năng lực, uy tín để tổ chức lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc tạo niềm tin, khuyến khích CBCCVC làm việc ổn định, lâu dài.
 
Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần đổi mới công tác bố trí, sử dụng CBCCVC để tạo cơ hội, điều kiện phát triển, nhất là cán bộ trẻ, khuyến khích, tạo điều kiện để CBCCVC được tham gia học tập nâng cao trình độ, năng lực làm việc, quy hoạch, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, có cơ chế, chính sách thỏa đáng làm cơ sở định hướng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ CBCCVC; chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ CBCCVC, tạo tư tưởng yên tâm làm việc trong khu vực nhà nước; tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ, phục vụ quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công…
 
Hy vọng, những giải pháp này sẽ sớm được hiện thực hóa để không còn tình trạng CBCCVC nghỉ việc, qua đó, ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền, cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
 
Theo thống kê, trong số 132 viên chức trên địa bàn tỉnh xin nghỉ việc từ ngày 1/7/2022-30/4/2023, có 109 người nằm trong độ tuổi dưới 40; 101 người có trình độ đại học trở lên. Số liệu này cho thấy, đa số các CBCCVC xin nghỉ việc theo nguyện vọng là những CB trẻ, có trình độ chuyên môn cao.  
Tâm An

tin liên quan

Sở Tài nguyên và môi trường cung cấp Dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực đất đai
Sở Tài nguyên và môi trường cung cấp Dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực đất đai

(QBĐT) - Ngày 22/6, Sở Tài nguyên và môi trường ban hành Công văn số 1732/STNMT-VPĐKĐĐ về việc thông báo cung cấp Dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực đất đai.

Vừa làm báo, vừa lo nhà in
Vừa làm báo, vừa lo nhà in

(QBĐT) - Đã hơn 34 năm kể từ ngày Quảng Bình được chia tách từ tỉnh Bình Trị Thiên, kỷ niệm của những ngày khó khăn vất vả của anh chị em làm Báo Quảng Bình khi trở về TX. Đồng Hới có lẽ không bao giờ quên được.

Bài 1: Nỗi niềm của những người trong cuộc
Bài 1: Nỗi niềm của những người trong cuộc

(QBĐT) - Thời gian gần đây, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh xin nghỉ việc, chuyển dịch lao động từ khu vực công lập sang tư nhân đang có dấu hiệu gia tăng.