(QBĐT) - Thời gian gần đây, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trên địa bàn tỉnh xin nghỉ việc, chuyển dịch lao động từ khu vực công lập sang tư nhân đang có dấu hiệu gia tăng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác nhân sự, tổ chức bộ máy, cũng như sự vận hành và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền, cơ quan nhà nước trên địa bàn.
Trước đây, được trở thành “người nhà nước” là mong muốn của không biết bao người. Thế nhưng, chuyện đó nay “đã xưa” bởi một hiện thực trái ngược đang diễn ra khi nhiều CBCCVC vì nhiều nguyên nhân đã xin nghỉ việc theo nguyện vọng. Ở Quảng Bình, từ chỗ một vài người, con số nay đã tăng lên hàng trăm và đằng sau đó là nỗi niềm của những người trong cuộc.
Gần 2 tháng nay, vị trí Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa) bị khuyết do ông Đinh Ngọc T., người đảm nhiệm chức vụ này đã xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động. Trong thời gian chờ bầu bổ sung chức danh, mọi công việc trước đây ông T. đảm nhiệm được giao lại cho Phó Chủ tịch HĐND thị trấn. Đặc biệt, cũng trong thời gian này, cùng với ông T., thị trấn Quy Đạt có thêm 3 công chức khác xin nghỉ việc theo nguyện vọng, gồm 1 công chức văn hóa-xã hội, 1 công chức văn phòng và Chủ tịch Hội Nông dân.
“Có nhiều lý do được trình bày trong đơn xin nghỉ việc của các công chức, như: Đi làm ăn xa, không cư trú tại địa phương, hoàn cảnh gia đình… Lý do được đưa ra là như thế, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì họ đều nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động. Có lẽ, công việc hiện tại không đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng nên họ muốn tìm một hướng đi khác…”, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Quy Đạt Trần Đình Nghĩa chia sẻ.
Theo số liệu thống kê từ Phòng Nội vụ huyện Minh Hóa, từ đầu năm 2022 đến nay, cùng với 4 công chức ở thị trấn Quy Đạt, trên địa bàn huyện còn có thêm 5 cán bộ, công chức (trong đó có 1 công chức Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện, 1 công chức xã Tân Hóa, 3 cán bộ, công chức xã Hồng Hóa) và 12 viên chức xin nghỉ việc theo nguyện vọng. Điều đáng nói, trong số 12 viên chức này có đến 11 người thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), trong đó, bậc THCS 1 người, tiểu học 5 người và mầm non 5 người.
Nếu như trước đây, được trở thành “giáo viên (GV) biên chế” là mơ ước của nhiều người thì hiện nay điều đó đã không còn sức hấp dẫn với họ nữa bởi vô vàn áp lực bủa vây. Cũng bởi những áp lực đó mà dù đã gắn bó với Trường tiểu học Hóa Tiến hơn 8 năm nhưng chị Đinh Thị Thùy D. (SN 1988), GV tiếng Anh của trường cũng đành “dứt áo”. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ thường xuyên đau ốm nên với đồng lương hạn chế của một GV, chị không trang trải đủ cho cuộc sống với nhiều gánh nặng.
![]() |
“Trước đây, lương tôi được gần 8 triệu đồng/tháng, nhưng sau khi xã Hóa Tiến ra khỏi khu vực đặc biệt khó khăn thì giảm xuống còn hơn 6 triệu đồng/tháng. Với mức lương ấy tôi không thể cáng đáng chi tiêu trong gia đình lại thêm hàng tháng phải lo cho mẹ nằm viện. Bởi vậy, dù rất tiếc nhưng tôi buộc phải “chia tay” với nghề để tìm một công việc khác cho thu nhập cao hơn”, chị D. chia sẻ. Tâm sự của chị D. cũng là “tiếng lòng” của nhiều viên chức ngành GD-ĐT huyện Minh Hóa nói riêng và tỉnh ta nói chung khi đặt bút viết đơn xin nghỉ việc.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Minh Hóa Đinh Tuấn Anh cho biết: “Tình trạng viên chức ngành Giáo dục bỏ việc đã manh nha từ trước đó và đến gần cuối năm 2022 thì có dấu hiệu gia tăng. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu là do thu nhập thấp trong khi đó áp lực công việc cao. Trước đây, các xã thuộc huyện Minh Hóa đều nằm trong khu vực đặc biệt khó khăn nên mức lương của cán bộ, GV ở đây cũng tương đối ổn định, nhưng từ tháng 6/2021, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trừ 4 xã Dân Hóa, Thượng Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn, các xã còn lại đều bị đưa ra khỏi khu vực đặc biệt khó khăn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mức lương của cán bộ, GV ở những xã đó bị sụt giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, hiện tại, GV bộ môn tiếng Anh của huyện đang thiếu trầm trọng. Để giải quyết tình trạng này, chúng tôi buộc phải thực hiện giải pháp dạy liên trường, liên cấp. Do đó, khối lượng công việc của các GV tăng cao, gây cho họ không ít áp lực. Công việc áp lực, địa bàn đi lại khó khăn, mức lương lại thấp nên tình trạng nhiều cán bộ, GV xin nghỉ việc trong thời gian gần đây không phải là điều khó hiểu. Và với tình hình như hiện nay, tôi lo rằng, con số cán bộ, GV bỏ việc sẽ không dừng lại”.
Đây không phải là vấn đề riêng của huyện Minh Hóa mà là tình trạng chung của nhiều địa phương trên toàn tỉnh. Theo số liệu thống kê từ Sở Nội vụ, từ 1/7/2022-30/4/2023, toàn tỉnh có 132 viên chức xin thôi việc theo nguyện vọng, trong đó, nhiều nhất là ngành GD-ĐT với 70 người (đại học 6 người, giáo dục phổ thông 36 người, giáo dục mầm non 28 người), kế đến là ngành Y tế với 29 người và các lĩnh vực sự nghiệp khác 33 người. Một số đơn vị có số viên chức nghỉ việc nhiều, như: Trường đại học Quảng Bình 6 viên chức, Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình 7 viên chức, Bệnh viện Y Dược cổ truyền 5 viên chức, Sở Tài nguyên và Môi trường 11 viên chức…
Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, ông Nguyễn Văn Túc, Trưởng phòng CBCCVC (Sở Nội vụ) cho biết: Có nhiều nguyên nhân khiến CBCCVC bỏ việc, nhưng chủ yếu là do tiền lương và các chính sách đãi ngộ chưa thực sự thỏa đáng, chưa đủ sức hút để tạo động lực cho CBCCVC an tâm làm việc và nỗ lực cống hiến. Trong khi đó, khu vực tư nhân ngày càng có nhiều cơ hội việc làm linh hoạt hơn với các chính sách thu hút nhân lực tốt hơn, nhất là đối với nhân lực có trình độ cao. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương phải giảm biên chế nhưng khối lượng công việc ngày càng tăng do yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, dẫn đến việc bị quá tải, áp lực lớn.
Đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, áp lực làm việc của đội ngũ nhân viên y tế nặng nề, nguy hiểm; đội ngũ nhà giáo phải thay đổi phương thức dạy-học trong khi trang thiết bị và cơ sở vật chất thiếu thốn nên tạo không ít áp lực cho họ. Bên cạnh đó, môi trường, điều kiện làm việc trong khu vực công ở nhiều đơn vị, địa phương chưa thật sự tạo động lực cống hiến và cơ hội để công chức, viên chức phát huy tốt năng lực… Tất cả những điều đó đã và đang tác động mạnh mẽ đến tâm tư, nguyện vọng, ý chí phấn đấu, khiến CBCCVC dù tiếc nuối những năm tháng gắn bó nhưng vẫn phải lựa chọn cách rời đi tìm kiếm công việc khác ở khu vực ngoài nhà nước…
Theo thống kê từ Sở Nội vụ, từ 1/7/2022-30/4/2023, toàn tỉnh có 132 viên chức xin thôi việc theo nguyện vọng và theo số liệu chúng tôi tìm hiểu từ các địa phương, từ 7/2022 đến nay, toàn tỉnh có 14 công chức cấp huyện, cấp xã nghỉ việc, trong đó, nhiều nhất là huyện Minh Hóa với 9 trường hợp. Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian chưa đến 1 năm, số lượng CBCCVC xin nghỉ việc theo nguyện vọng ở Quảng Bình đã vượt lên con số hàng trăm và tại nhiều nơi vẫn đang có dấu hiệu gia tăng. |
Tâm An
Bài 2: Giải pháp nào “giữ chân” nguồn nhân lực?