Môtô nước hoạt động không phép: Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
07:06, 30/06/2023
(QBĐT) - Thời gian qua, trên các bãi tắm biển ở TP. Đồng Hới xuất hiện loại hình dịch vụ môtô nước thu hút người dân, du khách sử dụng. Tuy nhiên, hoạt động của các môtô nước này không tuân thủ đúng quy định khi đón, trả và chở khách ở khu vực có đông người dân, du khách đang tắm biển, gây ảnh hưởng và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho mọi người.
Mặc dù, dịch vụ này tồn tại đã nhiều năm nhưng chưa được các cơ quan chức năng cấp phép hoạt động.
Môtô nước dừng đỗ trong bãi tắm đông người để tìm khách.
Bãi tắm đông người, vẫn "vô tư" hoạt động
Vào tầm từ 16-18 giờ hàng ngày, bãi biển Bảo Ninh có rất đông người dân, du khách đến tắm. Trên bãi tắm đông nghịt người, xuất hiện 3 môtô nước chạy len lỏi vào sát bờ biển để tìm khách. Theo quan sát của phóng viên, dịch vụ môtô nước này thu hút khá đông người dân, du khách sử dụng. Khách đang tắm ở đâu, nếu có nhu cầu thì môtô nước sẽ đến đón và chạy về trả khách đúng vị trí ban đầu. Do có đông người đang tắm nên mỗi khi có môtô nước xuất hiện, nhiều người phải vội vã bơi sang chỗ khác để nhường lối cho các môtô nước đi vào.
Không chỉ ở bãi tắm biển Bảo Ninh, dịch vụ môtô nước cũng xuất hiện ở các bãi tắm: Quang Phú, Nhật Lệ. Trong đó, bãi tắm biển Nhật Lệ, phường Hải Thành là nơi có số lượng môtô nước hoạt động nhiều nhất. Vào các buổi chiều, có khoảng 5 môtô nước đậu tại bãi tắm này để chờ phục vụ khách. Mặc dù bãi tắm biển có rất đông người dân, du khách và nhất là trẻ nhỏ, nhưng các môtô nước vẫn hoạt động, lạng lách, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Một người dân ở TP. Đồng Hới cho biết: "Mùa hè nắng nóng nên tôi thường dẫn các cháu đến bãi tắm Nhật Lệ để tắm biển. Tuy nhiên, môtô nước chạy quá sát vị trí các cháu đang tắm nên tôi phải thường xuyên canh chừng. Thấy môtô nước chạy vào là gọi các cháu chú ý để tránh xa".
Môtô nước dừng đỗ trong bãi tắm đông người để tìm khách.
Việc môtô nước hoạt động khiến không ít người thích thú vì được trải nghiệm dịch vụ. Tuy nhiên, nhiều du khách cũng cảm thấy bất an, khó chịu vì môtô nước hoạt động trong phạm vi, khu vực dành cho người tắm biển. Một khách du lịch đến từ Hà Nội bày tỏ: "Bãi biển TP. Đồng Hới rất đẹp, đây là lần thứ hai tôi đến đây du lịch và trải nghiệm tắm biển. Nhưng tắm biển ở đây tôi rất sợ bị môtô nước đâm vào. Không ít lần đang tắm nhưng môtô nước chở khách bất ngờ lao từ ngoài vào sát bờ khiến tôi không khỏi luống cuống tìm hướng để tránh".
Cần kịp thời chấn chỉnh
TP. Đồng Hới đang bước vào mùa du lịch cao điểm. Rất đông người dân và du khách tìm đến các bãi biển trên địa bàn để tắm và thư giãn. Việc hoạt động không đúng vị trí quy định của các môtô nước đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến người dân, du khách và du lịch tỉnh.
Theo Nghị định số 48/2019/NĐ-CP, ngày 5/6/2019 của Chính phủ quy định về quản lý của hoạt động phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước, tại Chương I, Điều 3, khoản 2: Vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước là vùng nước mà phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước được phép hoạt động trong phạm vi ranh giới an toàn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc công bố; tại Chương II, Điều 4, khoản 1: Hoạt động vui chơi, giải trí phải bảo đảm trật tự, an toàn, an ninh, bảo vệ môi trường và hiệu quả; góp phần phát triển du lịch, phát triển kinh tế-xã hội; tại Chương II, Điều 6, khoản 1: Phương tiện phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước phải thực hiện đăng kiểm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành và đăng ký theo quy định tại nghị định này, trừ phương tiện đã được đăng ký theo các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa hoặc pháp luật về hàng hải.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Duy Khánh, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) dịch vụ công ích TP. Đồng Hới cho biết: Hiện, thành phố có 5 cơ sở hoạt động dịch vụ môtô nước. Các cơ sở này chưa đủ điều kiện, thủ tục để đăng ký, đăng kiểm nên BQL chưa ký hợp đồng cho phép hoạt động kinh doanh. BQL đã làm văn bản gửi cho các chủ hộ và phường Hải Thành, xã Quang Phú, xã Bảo Ninh vận động các hộ kinh doanh sống trên địa bàn tạm ngừng các loại hình dịch vụ này tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Vừa qua, lợi dụng tình hình nắng nóng, các đơn vị này đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, môtô hoạt động không tuân theo trình tự quy định và theo tuyến cố định, chở khách và lao tốc độ nhanh vào vùng bãi tắm. Tình trạng này diễn ra rất lộn xộn ở các bãi tắm. BQL cũng đã báo cáo thành phố và trao đổi trực tiếp với các cơ quan, đơn vị liên quan; đồng thời gửi văn bản cho phía Công an đề nghị chấn chỉnh dịch vụ này. BQL rất cần sự vào cuộc, phối hợp xử lý của ban, ngành liên quan để chấn chỉnh, xử lý.
Để xảy ra tình trạng trên có trách nhiệm của các đơn vị xã, phường trong việc vận động các hộ kinh doanh trên địa bàn tạm ngưng hoạt động khi chưa được cấp giấy phép. Trên thực tế, chính quyền các địa phương cũng đã có sự tuyên truyền, vận động; tuy nhiên, nhiều năm qua, tình trạng môtô nước hoạt động không phép ở các địa phương vẫn diễn ra.
Giải thích về vấn đề này, bà Hồ Thị Lý, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Thành cho hay: Hiện có 5 cơ sở đang hoạt động dịch vụ môtô nước trên địa bàn phường, trong đó có 2 cơ sở kèm theo phao chuối chở khách. 5 cơ sở này vẫn còn vướng về giấy xác nhận cam kết bảo vệ môi trường. Nhưng để tạo việc làm cho lao động địa phương và đa dạng dịch vụ du lịch, nên chính quyền đã tạo điều kiện cho các cơ sở hoạt động. Nhưng, qua công tác quản lý, theo dõi, dịch vụ này vẫn còn những tồn tại hạn chế, đó là chưa tuân thủ chạy đúng vị trí khoanh vùng riêng cho môtô nước, làm ảnh hưởng đến người dân, du khách tắm biển. Địa phương đã mời các cơ sở đến để quán triệt, tuyên truyền thường xuyên.
Môtô nước chở khách tốc độ nhanh và lao vào bờ, ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân, nhất là trẻ em đang tắm biển.
Địa phương khẳng định đã tuyên truyền thường xuyên để các mô tô nước hoạt động đúng vị trí, bến bãi. Vậy nhưng, trên thực tế các dịch vụ vẫn hoạt động sai vị trí nhiều năm qua và đe dọa đến an toàn của người đến tắm biển. Điều này đang đặt ra câu hỏi về công tác quản lý của các địa phương và cơ quan chức năng, phải chăng vẫn đang có sự buông lỏng?
Có thể nói, sự xuất hiện của các loại hình dịch vụ du lịch, trong đó có dịch vụ mô tô nước là điều đáng mừng và rất cần thiết nhằm thu hút du khách đến với TP. Đồng Hới, qua đó, thúc đẩy du lịch tỉnh ngày càng phát triển. Tuy nhiên, hoạt động của dịch vụ này cần phải tuân thủ đúng quy định và đặc biệt phải bảo đảm an toàn cho mọi người. Nếu không sẽ rất dễ xảy ra tai nạn, không chỉ ảnh hưởng đến an toàn của người dân, du khách mà còn ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Quảng Bình.
(QBĐT) - Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời phỏng vấn Báo Quảng Bình về những nội dung liên quan đến công tác bảo tồn và khai thác bền vững các giá trị của di sản.
(QBĐT) - Ngày 5/7/2003, tại Hội nghị thường niên lần thứ 27 diễn ra tại Paris (Pháp), Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc đã công nhận Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới.
Ngày 28/6, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ đã có kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2023).