(QBĐT) - Thực tế cho thấy phát triển mô hình tòa soạn đúng hướng sẽ nâng cao chất lượng báo chí, theo kịp dòng chảy báo chí thế giới. Do vậy, trong bối cảnh hội tụ truyền thông, mô hình tổ chức và hoạt động tòa soạn đều phải có những thay đổi, thích ứng để vận hành một cách năng động, có hiệu quả. Theo Quyết định số 1497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030, 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới. Đây là một đòi hỏi, một xu hướng tất yếu.
Lợi ích của mô hình tòa soạn hội tụ
Mô hình tòa soạn hội tụ, tích hợp, nhiều trong một, bao gồm tất cả loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình…), được xem là mô hình hiện đại, thông minh, có hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay.
Mô hình này giúp các tòa soạn bảo đảm nhiều tiêu chí hội tụ, như: Hội tụ không gian, hội tụ nhân lực, hội tụ phương thức thu thập, hội tụ nội dung tin tức, hội tụ phương cách truyền tin, hội tụ thông tin quảng bá… Nghĩa là các tòa soạn hội tụ có sự trang bị, hợp nhất về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật hiện đại, cơ cấu tổ chức tinh gọn, phối hợp linh hoạt với các bộ phận trong tòa soạn, đội ngũ nhà báo nhạy bén, thông thạo, làm chủ công nghệ mới, góp phần tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả, chất lượng thông tin, thu hút độc giả cũng như cải thiện hoạt động kinh doanh.
Không gian làm việc không chia tách, riêng rẽ mà co cụm, gom lại trong một văn phòng lớn, nhờ thế, tòa soạn xóa bỏ được mọi khoảng cách từ lãnh đạo đến biên tập viên, phóng viên, nhà nhiếp ảnh, nhà thiết kế đồ họa… Và tất cả cùng hợp tác, thu thập, xử lý, bảo đảm đầu ra và đầu vào, đem đến kỹ năng truyền tải thông tin tối ưu nhất, tương tác với công chúng hiệu quả nhất.
Việc tổ chức lại bộ máy vận hành, sản xuất của tòa soạn không chỉ đáp ứng xu thế báo chí hiện đại, thay đổi cách thức làm việc truyền thống, mà còn thỏa mãn đòi hỏi, thị hiếu của công chúng, tạo ra sự tương tác, thúc đẩy sự gắn kết với công chúng. Công chúng tiếp cận thông tin phong phú, đa dạng hơn, ngoài cách đọc truyền thống còn có thể tiếp cận bằng nhiều phương tiện truyền thông khác, như: Hình ảnh, âm thanh, video… ngay tại bài mà họ đang đọc/xem. Việc bật chế độ chia sẻ (share) thông qua các trang mạng, như: Facebook, zalo... đã giúp tòa soạn tăng thêm sự ảnh hưởng và sức lan tỏa của tờ báo. Nhiều tờ đã xác tín và tận dụng nguồn tin công chúng gửi đến để có được nguồn tin mới mẻ, nhanh chóng…
Như vậy, việc phát triển và xây dựng tòa soạn hội tụ, đồng bộ không chỉ đáp ứng nhu cầu đổi mới của báo chí quốc tế mà còn tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí khẳng định uy tín, hiệu quả, chất lượng báo chí từ hình thức đến nội dung cũng như tăng, mở rộng nguồn thu.
Thực tế xây dựng tòa soạn hội tụ
![]() |
Ở nước ta, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo điện tử VnExpress, Báo Nhân Dân, báo Tuổi Trẻ… được xem là những cơ quan báo chí đã làm chủ, ứng dụng công nghệ mới, chuyển từ báo chí một loại hình sang báo chí đa loại hình, tinh gọn bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Không đứng ngoài dòng chảy, một số báo chí địa phương, như: Báo Nghệ An, Báo Quảng Ninh, Báo Hà Tĩnh, Báo Thanh Hóa… đã và đang xây dựng, vận hành theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện.
Tuy nhiên, nhìn chung, nhiều tòa soạn địa phương chưa thực sự hướng đến mô hình tòa soạn hội tụ, chưa coi trọng báo điện tử, chỉ xem báo điện tử là nơi sao chép, photocopy báo in; chưa có giải pháp hợp lý đổi mới mô hình tổ chức hoạt động trong bối cảnh truyền thông hiện đại. Thách thức đối với nhiều tòa soạn địa phương là nguồn tài chính, cơ sở vật chất và nhân lực còn hạn chế. Nhiều tòa soạn cơ sở vật chất cũ kĩ, không đủ mặt bằng tạo không gian làm việc “phẳng”, không xóa bỏ được mọi rào cản, dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong công việc, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của công chúng.
Nguồn nhân lực chưa tương thích, còn chênh với phương tiện hiện đại. Đội ngũ phóng viên chưa ứng dụng thành thạo kỹ năng viết tác phẩm cho nhiều loại hình. Tòa soạn hội tụ đòi hỏi cao về chất lượng phóng viên, biên tập viên. Tuy nhiên, ở các tòa soạn hiện nay, việc đào tạo, bồi dưỡng phóng viên, biên tập viên không hề dễ dàng, bởi liên quan đến nhiều yếu tố, như: Tuổi tác, trình độ, thời gian… Năng lực quản lý của lãnh đạo cũng còn khá nhiều điểm vênh với truyền thông hiện đại.
Mô hình tòa soạn này quả là “bài học khó” đối với những người làm báo theo tư duy, cách thức cũ, truyền thống. Bởi vì, nó đòi hỏi sự thống nhất, đồng bộ trong việc ứng dụng các phương tiện truyền thông từ người lãnh đạo, quản lý đến phóng viên để đưa ra phương thức chuyển tải tối ưu nhất cho từng loại hình.
Một số giải pháp
Để mô hình tòa soạn hội tụ phát triển, phục vụ đắc lực cho nền báo chí Việt Nam, rất cần sự quan tâm, tư duy đổi mới, nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của xu thế truyền thông đa phương tiện của lãnh đạo quản lý báo chí từ Trung ương đến địa phương; rất cần sự hỗ trợ, đầu tư của chính quyền địa phương về cơ sở vật chất lẫn nhân lực, bảo đảm hoạt động của báo chí.
Nhằm phát huy thế mạnh mô hình này, tòa soạn phải được trang bị các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại, bảo đảm, hiện đại hóa cơ sở vật chất, sắp xếp, xử lý công việc hợp lý, xây dựng tin tức, bài vở trên nhiều loại thiết bị, điều khiển bộ máy nhân sự một cách có hiệu quả, tránh tình trạng lãng phí kinh tế, tạo được hiệu ứng hai chiều đối với các sản phẩm báo chí trong tòa soạn và công chúng.
Trước đây, đầu tư cho một loại hình báo chí thì bây giờ tòa soạn phải đảm nhiệm nhiều loại hình báo chí và ứng dụng trên tất cả các thiết bị, như: Máy quay, máy ảnh, máy ghi âm... để dựng những ấn phẩm báo chí đa phương tiện. Trong môi trường hội tụ, yêu cầu đội ngũ phóng viên ở các tòa soạn ngoài việc phải có kiến thức, kỹ năng chuyên sâu, mỗi người cần tự trau dồi, tích hợp trong mình một biên tập viên năng động, một nhà báo đa năng, biết sử dụng nhiều phương tiện truyền thông hiện đại, biên tập, xử lý âm thanh, hình ảnh, đồ họa, video…
Ngay trong các cơ quan báo chí cũng phải thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nếu không, họ sẽ ỳ một chỗ, lạc hậu. Vì chẳng có một mô hình và tổ chức tòa soạn nào tồn tại mãi theo một cơ chế, bởi trong sự phát triển không ngừng của công nghệ truyền thông, khó có thể chối từ quy luật đào thải. Nên, việc đổi mới tòa soạn, phù hợp với địa phương, nhu cầu của công chúng, xu thế đa phương tiện là một quá trình đòi hỏi, bắt buộc diễn ra liên tục.
Xét tình hình thực tiễn, nhiều tòa soạn địa phương còn gian nan, chưa vận hành thông suốt mô hình hội tụ, phức hợp, nhiều trong một, tuy nhiên, sự có mặt của các ấn phẩm báo điện tử sẽ như một cú hích, giúp tòa soạn tập dượt trên các kênh truyền thông, sử dụng có hiệu quả về tài chính, nhân lực, tránh tình trạng lãng phí không đáng có. Tin rằng, dần dần mọi việc sẽ ổn thỏa khi mỗi nhà báo luôn ý thức học hỏi, nâng cao tính năng động, nhạy bén của bản thân, mỗi tòa soạn đều lấy nguyên tắc và thế mạnh hội tụ để phát triển các loại hình báo chí.
Hoàng Thụy Anh