Thắp lên "ngọn lửa" yêu thương

  • 06:06, 28/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hội thi "Gia đình (GĐ) hạnh phúc-Quốc gia thịnh vượng" do Sở Văn hóa-Thể thao phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày GĐ Việt Nam (28/6) đã khép lại. Nhưng những câu chuyện được các GĐ chia sẻ, các tiết mục văn nghệ đặc sắc… vẫn còn đọng mãi trong lòng người tham gia và khán giả đến xem, động viên, cổ vũ.
 
Tham gia hội thi có 6 đội thi đến từ các GĐ ông, bà: Nguyễn Văn Đoán, Hồ Thị Ngọc (xã Đại Trạch, Bố Trạch); Trần Giang Nam, Trần Thị Hải Sâm (thị trấn Đồng Lê, Tuyên Hóa); Nguyễn Văn Lung, Nguyễn Thị Nữ (xã Vĩnh Ninh, Quảng Ninh); Trương Anh Thạo, Dương Thị Diếu (xã Mỹ Thủy, Lệ Thủy); Nguyễn Song Giản, Thái Thị Bê (xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới) và Nguyễn Quốc Tiệp, Phan Thị Thanh Xuân (xã Quảng Thạch, Quảng Trạch). Đây là những GĐ văn hóa tiêu biểu trong nhiều năm liền, có thành tích nổi bật trong công tác GĐ và các phong trào quần chúng ở địa phương.
 
Tại hội thi, các GĐ đã trải qua 4 phần thi gồm: GĐ mình thông thái, GĐ mình hiểu nhau, GĐ mình đoàn kết, GĐ mình tài năng. Ngày từ phần thi thứ nhất, các GĐ đã tạo ấn tượng với người xem bởi sự hiểu biết, nắm vững những kiến thức về Luật Phòng, chống bạo lực GĐ, Luật Hôn nhân và GĐ cùng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Ở phần thi thứ hai, bằng việc trả lời các câu hỏi tình huống từ Ban Tổ chức, các GĐ thể hiện sự yêu thương, thấu hiểu lẫn nhau thông qua việc chia sẻ những câu chuyện đời thường trong cuộc sống. Phần thi thứ ba là một trò chơi vượt chướng ngại vật đòi hỏi mỗi người chơi phải năng động, khéo léo, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, thử thách. Hấp dẫn nhất là phần thi cuối cùng với sự thể hiện tài năng cùng sự phối hợp ăn ý của các thành viên trong mỗi GĐ qua các hình thức hát, múa, diễn xuất.
 
Với chủ đề ca ngợi, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của GĐ Việt Nam, ca ngợi quê hương, đất nước, mỗi GĐ đều tạo ra một sắc màu riêng trong cách thể hiện. Nếu như GĐ ông Nguyễn Quốc Tiệp (xã Quảng Thạch, Quảng Trạch) mang đến hội thi phần trình diễn hết sức duyên dáng qua ca khúc “Cho con” (sáng tác: Phạm Trọng Cầu) thì GĐ ông Trần Giang Nam (thị trấn Đồng Lê, Tuyên Hóa) thu hút người xem bởi sự nhập vai khi thể hiện tiểu phẩm “Kịp thời thức tỉnh” có nội dung về phòng, chống bạo lực GĐ.
Không gian bữa cơm gia đình qua phần thể hiện của gia đình ông Trương Anh Thạo.
Không gian bữa cơm gia đình qua phần thể hiện của gia đình ông Trương Anh Thạo.
Câu chuyện kể về một GĐ không hạnh phúc chỉ vì sinh con một bề (là gái). Vì không có con trai để “nối dõi”, nên người cha chán nản, rượu chè bê tha, khiến cho cha mẹ, vợ con buồn tủi. Không chịu được những trận đòn roi, những lần say xỉn của chồng, người vợ đã chọn cái chết để giải thoát nhưng may mắn đã được cứu sống. Sự hối hận, thức tỉnh của người chồng đã khép lại câu chuyện buồn của GĐ từ nhiều năm qua, mở ra trang mới đầy niềm vui khi đã tìm được tiếng nói chung để cùng nhau xây dựng GĐ hạnh phúc.
 
Lắng đọng mãi trong lòng người xem là phần trình bày ca khúc “Bữa cơm GĐ” (sáng tác: Minh Khang) của GĐ ông Trương Anh Thạo (xã Mỹ Thủy, Lệ Thủy). Những câu hát mở đầu như: “Anh ơi công việc xong chưa/Hãy quay về nhà ăn cơm/Em và con sẽ có món quà tặng anh” qua giọng hát ngọt ngào, truyền cảm của chị Diếu và “Ba ơi mau về nhà ba/Canh chua cá lóc kho tộ/Cả nhà ta cùng ăn bữa cơm gia đình” do con gái của anh chị thể hiện và sự tiếp lời bằng chất giọng trầm ấm “Ba đang mau về đây thôi/Ba nhớ tiếng cười của con/Và nhớ ánh mắt của mẹ con” của anh Thạo đã nhận được những tràng pháo tay cổ vũ của khán giả. Những thanh âm trong trẻo, vui tươi, chứa chan tình cảm GĐ: “Con yêu ba, con yêu mẹ/Em yêu anh và anh yêu em…” cứ lắng đọng mãi trong lòng người xem.
 
Chị Trần Thị Hiền (TP. Đồng Hới) một khán giả xem và cổ cũ cho các GĐ chia sẻ: Trong cuộc sống hiện đại, GĐ chị và không ít GĐ khác vô tình quên đi những điều dù hết sức bình dị nhưng mang lại mang một ý nghĩa rất lớn đó là bữa cơm GĐ. Thay vì cùng nhau quây quần bên mâm cơm ấm cúng, nhiều GĐ chọn cách ra quán hoặc mỗi thành viên tự túc việc ăn để dành thời gian cho công việc… Cũng vì bận rộn và sự tiện lợi của các dịch vụ nên có khi cả tuần GĐ chị không “đỏ lửa”. “Tôi rất xúc động khi nghe ca khúc này. Bữa cơm không chỉ đơn thuần mang lại nguồn dinh dưỡng mà còn là “sợi dây” gắn kết tình cảm, sự yêu thương giữa các thành viên trong GĐ. Tôi sẽ thu xếp thời gian hợp lý để chăm lo cho GĐ nhiều hơn”, chị Hiền trải lòng.
 
Hấp dẫn, cuốn hút người xem từ đầu đến cuối là phần thể hiện tài năng của các thành viên trong GĐ ông Nguyễn Văn Đoán (xã Đại Trạch, Bố Trạch) với tiết mục hát, múa “Ước mơ của mẹ” (sáng tác: Hứa Kim Tuyền) và “Cha già rồi đúng không?" (sáng tác: Phạm Hồng Phước). Đặc biệt là phần minh họa của ông Đoán với chiếc xe đạp cũ và bà Ngọc cùng gánh hàng trên sân khấu đã tạo điểm nhấn cho phần trình diễn. Với sự kết hợp ăn ý trong đàn, hát, diễn xuất, minh họa, ông Đoán, bà Ngọc cùng các con, cháu của mình đã để lại trong mỗi người xem sự xúc động, nhiều người rưng nước mắt, nhất là những câu hát cuối bài: “Cha già rồi đúng không? Mắt kém, tay chân thì run/Cha già rồi đúng không?/Sao cứ nói lung tung chuyện cũ/Cả cuộc đời của cha chỉ sống hy sinh cho mọi niềm vui của các con… Con xin lỗi cha, con thật vô tâm”.
 
Chia sẻ với chúng tôi về niềm vui khi GĐ đoạt giải nhất hội thi, ông Nguyễn Văn Đoán (74 tuổi) xúc động bày tỏ: Dẫu tuổi đã cao song ông vẫn đồng hành cùng con, cháu trong luyện tập, tham gia hội thi với tinh thần muốn lan tỏa những giá trị tốt đẹp của GĐ Việt Nam. Trong cuộc sống đời thường, ông luôn động viên con, cháu phải nỗ lực thi đua học tập, rèn luyện, hăng say lao động, sản xuất và phải gìn giữ “nếp nhà”, biết yêu thương chia sẻ, kính trên nhường dưới. Nhờ vậy, các con của ông đều học hành thành đạt, hiếu thuận với cha mẹ. GĐ ông nhiều năm liền đạt danh hiệu GĐ văn hóa. Cần nhiều hơn nữa những hoạt động bổ ích như thế này. Bởi qua đây, các giá trị văn hóa truyền thống được tôn vinh, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của người Việt Nam.
 
Với những phần thi hấp dẫn, sôi động, lôi cuốn, hội thi đã chuyển tải đến người xem những thông điệp ý nghĩa về xây dựng GĐ no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Qua đó, khơi gợi trong lòng người xem những suy ngẫm sâu sắc để từ đó có hành động thiết thực trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, chung tay xây dựng GĐ văn hóa, làng, xã văn hóa, lan tỏa những giá trị đạo đức tốt đẹp trong cộng đồng dân cư.
 
Nhiều năm qua, Quảng Bình luôn quan tâm đến công tác GĐ, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong các tầng lớp nhân dân về xây dựng GĐ ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Toàn tỉnh hiện có khoảng 90% GĐ được công nhận là GĐ văn hóa. Nhiều GĐ là hạt nhân tiêu biểu trong thực hiện các phong trào, hoạt động, góp phần thúc đẩy, nâng cao hiệu quả việc thực hiện các phong trào thi đua phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương.
 
    Nh.V

tin liên quan

Hội Người mù tỉnh: Hơn 200 lượt chị em được vay vốn phát triển kinh tế
Hội Người mù tỉnh: Hơn 200 lượt chị em được vay vốn phát triển kinh tế

(QBĐT) - Ngày 28/6, Hội Người mù tỉnh tổ chức tổng kết 20 năm công tác phụ nữ và trẻ em (2003-2023).

Chung tay xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa năm 2023
Chung tay xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa năm 2023

(QBĐT) - Ngày 28/6, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1283/UBND-NCVX về việc chung tay xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa năm 2023.

Hội LHPN huyện Quảng Ninh: Trao tiền hỗ trợ cho trẻ mồ côi
Hội LHPN huyện Quảng Ninh: Trao tiền hỗ trợ cho trẻ mồ côi

(QBĐT) - Ngày 28/6, nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Hội LHPN huyện Quảng Ninh đã đến thăm, tặng quà và trao tiền hỗ trợ cho các trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.