(QBĐT) - Một ngày cuối tháng 5, trung tá Thái Nam Long, Chính trị viên Đồn Biên phòng (BP) Cồn Roàng nhắn tin cho tôi hẹn lên đồn chơi và xem cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) đơn vị làm giếng nước cho bà con người Ma Coong. Vậy là chúng tôi có nguyên cớ chính đáng để vượt quãng đường rừng hơn 100km lên với vùng biên giới phía Tây này.
Giếng nước bộ đội Biên phòng
Không phải ngẫu nhiên, những bản làng đồng bào dân tộc thiểu số nơi biên cương phía Tây của Tổ quốc này lại chọn những vùng đất ven khe, suối để dựng nhà, lập bản. Bởi với họ, nguồn nước khe suối nơi đây từ lâu cũng chính là nguồn sống. Thế nhưng, mùa nắng nóng năm nay mới bắt đầu, mà gần như tất tật khe suối nơi đây đều đã khô cạn. Con suối Cà Roòng chảy qua bản Nịu, xã Thượng Trạch (Bố Trạch) có nhiều đoạn đã khô cạn trơ đáy, lổn nhổn những đá hộc, đá cuội. Nhà chị Y Nâu (bản Nịu) ở ngay bên cạnh con suối Cà Roòng.
Lúc bình thường, chỉ cần đi vài bước chân ra khỏi nhà là chị có thể lấy nước mang về. Nhưng giờ đây, chị phải đi ngược lên phía thượng nguồn cách nhà hơn 200m mới lấy được nước. Vì đường xa, chị Y Nâu chỉ đủ sức mang theo can nhỏ loại 10 lít, vì vậy, mỗi ngày chị phải xuống suối lấy nước 3-4 lần.Chị Y Nâu cho biết: “Cả con suối chỉ có đoạn này là còn nước. Mùa này, cả nhà cần dùng nước nhiều hơn. Mấy năm trước, nước ở con suối Cà Roòng này nhiều, dân bản chả bao giờ lo thiếu nước. Nhưng những năm gần đây, cứ đến mùa nắng, con suối lại bị khô cạn”.
Cách nhà chị Y Nâu không xa cũng có một giếng khoan nước và bồn chứa nước. Tôi hỏi, sao không lấy nước giếng khoan? Chị bảo: “Giếng đó của bộ đội Biên phòng (BĐBP) làm cho dân bản, nhưng phải có điện mới lấy được nước. Giờ điện sử dụng năng lượng mặt trời đã hỏng, cái giếng không thể bơm nước. Hồi trước, BĐBP cũng đã đào một cái giếng “có miệng” (giếng đào thủ công), nhưng giờ phải đợi BĐBP sục rửa rồi mới dùng được”. Nói đến đây, chúng tôi sực nhớ đến chuyện, từ lâu CB, CS Đồn BP Cồn Roàng đã “nổi tiếng” với “kỳ công” đục đá đào giếng nước cho người Ma Coong ở xã biên giới Thượng Trạch này.
![]() |
Ngày khởi công đào giếng, thấy BĐBP làm, người dân cũng xúm vào giúp. Mọi việc tiến hành thuận lợi, cho đến khi giếng được đào xuống đến độ sâu hơn 3m, thì gặp phải đá. Không chỉ đá bình thường mà toàn là đá giàn, đá gan xanh cứng như thép. Nhiều phương án được đưa ra, như: Đào mở rộng đáy giếng để tránh đá, hay là đành bỏ tìm vị trí khác? Nhưng kinh nghiệm, dưới đá sẽ có mạch nước ngầm, những người lính mang “quân hàm xanh” vẫn miệt mài đục đá.
Có những ngày, độ sâu chỉ nhích được vài centimet. Gần 1 tháng trần mình đục đá, cuối cùng mạch nước đã xuất hiện ở độ sâu hơn 6m. Khỏi phải kể xiết niềm vui mừng của những người lính BĐBP và dân bản Cồn Roàng lúc nhìn thấy nước dâng cao dần lên trong giếng. Cứ như vậy, CB, CS Đồn BP Cồn Roàng đã đục đá hộc, đá tảng đào thêm được 3 giếng nước như thế ở bản Coóc, Cà Roòng và bản Nịu.
Việc làm của BĐBP nơi đây đã động lòng một số tổ chức, cá nhân. Năm 2017, sau khi xã Thượng Trạch có điện năng lượng mặt trời, nhiều nhà hảo tâm đã ủng hộ kinh phí cùng BĐBP khoan giếng cho người dân. Thay vì phải đục đá, đào giếng, bấy giờ họ đã thuê máy khoan để khoan. Đây chính là thế hệ giếng nước thứ hai ở các bản làng người Ma Coong này.
Trung tá Phan Quang Thành cho hay: “Ở bản Nịu này, chúng tôi cũng vừa mới khoan thêm một giếng nước thế hệ thứ ba nữa. May mắn là vị trí giếng được khoan đúng khu vực sau này địa phương xây dựng khu tái định cư tập trung, cách trung tâm bản khoảng hơn 200m. Sau 7 ngày dò tìm nguồn nước và tiến hành khoan, giếng đã cho nước ở độ sâu 57m. Rút kinh nghiệm lần này, chúng tôi sẽ sử dụng máy bơm xăng để bơm nước lên bể chứa 3.000m3. Bể chứa lớn, bà con sẽ có nhiều nước để sử dụng lâu dài hơn. Còn giếng khoan sử dụng điện, chúng tôi sẽ chuyển sang dùng bơm tay để tiện lợi cho bà con lấy nước”.
Chia nước cùng dân
Gần trưa, chúng tôi mới đặt chân lên bản Coóc. Bản ở ngay bên cạnh Đồn BP Cồn Roàng, với 32 hộ người Ma Coong (hơn 180 khẩu). Đứng ở đồn nhìn sang, thấy thấp thoáng những mái nhà sàn quần tụ trên một triền đất khá bằng phẳng và nhỏ hẹp. Lúc đi qua khe Chun chảy ngang đầu bản, chúng tôi thấy một nhóm người, kẻ tắm người giặt áo quần, có cả người lớn và trẻ nhỏ đang vùng vẫy thỏa thích giữa lòng khe nước cạn. Gần đó, có một con đập đá được dựng lên giữa lòng suối để chặn nước. Khe Chun giờ đây chỉ còn là một vũng nước, ngập chừng bắp chân người, đục ngầu, sủi bọt xà phòng trắng xóa.
Đinh Nhạc (SN 1994), Bí thư Chi bộ bản Coóc, đứng trên bờ nhìn thấy chúng tôi và nói như giải thích: “Không còn cách nào khác, tắm giặt thì phải xuống suối thôi. Bà con ở đây quen rồi. Ngày trước như thế, giờ đây cũng thế. Chỉ có điều khác là lúc trước khe, suối đầy ăm ắp nước. Chứ giờ đây, phần nhiều khe suối đã cạn. Bà con phải đắp đập chặn dòng nước, nhưng cũng chỉ giữ được một vũng nước nhỏ như thế thôi.
![]() |
Tôi hỏi: “Thế còn nước dùng cho sinh hoạt, bà con lấy ở đâu?”. Đinh Nhạc trả lời: “Nếu muốn lấy nước uống thì phải đi vào lúc sáng sớm, hoặc để cho lóng bớt bùn đất mới lấy được. Trời mưa thì đã có “nước trời”. Vì vậy, với bà con, nước còn quý hơn vàng. Ở đây, có tiền chưa chắc đã mua được nước đâu. Nhưng, ngày mai, dân bản đã có nước của BĐBP. Bộ đội và bà con dân bản đang làm đường ống nối”.
Hôm chúng tôi đến, đúng lúc CB, CS Đồn BP Cồn Roàng cùng hàng chục người dân bản Coóc kéo ống dẫn nước từ bể chứa nước của đồn sang. Đường ống rải đến đâu, dân bản lại túm tụm, người già, người trẻ có đủ trai lẫn gái đều mang cuốc xẻng ra kéo ống, lấp đất đến đó.
Trung tá Thái Nam Long, Chính trị viên Đồn BP Cồn Roàng chi sẻ: “Thấy bà con cứ phải dùng nước suối vừa để tắm giặt, ăn uống sinh hoạt, mất vệ sinh và ảnh hưởng đến sức khỏe, chúng tôi không thể đặng đừng. Bản Coóc ở ngay bên cạnh đồn, nên để giải quyết kịp thời cơn khát nước trong mùa nắng hạn này, chúng tôi làm đường ống nối với bể chứa nước của đơn vị cho dân bản sử dụng. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ khoan một cái giếng nước nữa tại bản Coóc. Đây là giếng nước thứ 5 chúng tôi sẽ triển khai trong năm 2023. Trước đó, năm 2022, chúng tôi cũng đã khoan được 4 cái. Đến nay, hầu hết các cụm bản trên địa bàn xã Thượng Trạch cơ bản đủ giếng khoan để có nước hợp vệ sinh cho bà con sinh hoạt”.
Giữa trưa, trời nắng nóng như đổ lửa. Đi khắp lượt các bản làng người Ma Coong ở xã Thượng Trạch, được chứng kiến cảnh người lớn, trẻ nhỏ xúm xít, vui cười bên những giếng nước BP, chúng tôi nghĩ, những dòng nước mát lành chính là một biểu tượng ý nghĩa và chân thực nhất cho nghĩa tình quân dân nơi vùng biên giới này.
Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch Đinh Cu phấn khởi nói: “Trước đây, người dân ở đây chủ yếu dùng nước khe suối. Nhưng những năm gần đây, khe suối cũng cạn khô nước. Chính quyền địa phương cũng đã tìm cách giải quyết nhưng chưa biết vận dụng nguồn lực như thế nào để giải cơn “khát nước” cho người dân. Từ khi Đồn BP Cồn Roàng làm giếng nước, bà con vừa có nước hợp vệ sinh để sử dụng, chính quyền địa phương cũng bớt đi nỗi lo thiếu nước vào mùa khô”. |
Dương Công Hợp