"Ân nhân" của động vật hoang dã

  • 06:06, 20/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hơn 20 năm qua, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) đã cứu hộ thành công hàng nghìn cá thể động vật hoang dã (ĐVHD). Nhờ đó, nhiều cá thể ĐVHD đã được thả về môi tự nhiên, sinh sôi phát triển, góp phần làm đa dang sinh học cho Di sản thiên nhiên thế giới…
 
Năm 2001, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật được thành lập. Sau khi được thành lập, trung tâm đã tập trung tham vấn ý kiến các chuyên gia để nâng cao hiệu quả cứu chữa bệnh cho động vật, thực vật; sử dụng biện pháp phẫu thuật ngoại khoa để điều trị chấn thương vật lý, ký sinh trùng; chủ động liên hệ với các tổ chức trong nước và quốc tế để tham mưu công tác đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ cứu hộ, trực tiếp làm công tác cứu hộ, thả ĐVHD về môi trường tự nhiên…
Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật đang cứu hộ một cá thể khỉ. (Nguồn: Tư liệu Phong Nha-Kẻ Bàng).
Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật đang cứu hộ một cá thể khỉ. (Nguồn: Tư liệu Phong Nha-Kẻ Bàng).
Giám đốc trung tâm Lê Thúc Định nhớ lại: “Ngày mới thành lập, trung tâm chủ yếu là cứu hộ thực vật. Sau một thời gian, được sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức quốc tế, đơn vị đã xây dựng một trạm cứu hộ động vật có diện tích 500m2. Đến năm 2007, Vườn thú Cologne, Hội động vật Frankfurt của Cộng hòa Liên bang Đức đã hỗ trợ trung tâm xây dựng một khu nuôi bán hoang dã rộng 20ha và cử người sang hỗ trợ khoa học kỹ thuật. Năm 2018, tỉnh Quảng Bình tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một khu cứu hộ 8ha, nhờ đó công tác cứu hộ ĐVHD ngày càng hiệu quả”.
 
Ngay sau khi khu nuôi bán hoang dã xây dựng xong, trung tâm đã tiếp nhận 8 cá thể Voọc Hà Tĩnh từ VQG Cúc Phương về chăm sóc. Đàn Voọc này nhanh chóng phục hồi được tập tính và 4 cá thể được thả về môi trường tự nhiên, góp phần phát triển đàn Voọc tại VQG PN-KB. Riêng 4 cá thể còn lại trong khu nuôi bán hoang dã để phục vụ cho nghiên cứu khoa học cũng đã phát triển lên 20 con.
 
Đến nay, trung tâm đã tiếp nhận, cứu hộ 1.448 cá thể ĐVHD, thả về môi trường tự nhiên 1.335 cá thể. Hiện, đơn vị đang nuôi cứu hộ 73 cá thể ĐVHD các loại, trong đó có 7 cá thể hổ Đông Dương, tỷ lệ cứu hộ thành công bình quân đạt 85%. Trong số ĐVHD được cứu hộ có nhiều loài quý hiếm, nguy cấp, như: Gấu, các loài linh trưởng, rắn hổ mang, gà lôi lam, cu li, cày, hổ, beo, tê tê…
 
Phó Giám đốc trung tâm, bác sĩ thú y Trần Ngọc Anh-người có 20 năm gắn bó với công tác cứu hộ ĐVHD tại đây chia sẻ: “Phần lớn cá thể ĐVHD khi tiếp nhận thường trong tình trạng sức khỏe yếu do bị nuôi nhốt lâu ngày, lạm dụng cơ thể, không được vệ sinh, chăm sóc hoặc bị thương do dính bẫy, súng bắn… Vì vậy, người chăm sóc phải hiểu được tập tính của mỗi loài, đầu tư nhiều công sức và phải thực sự tâm huyết mới cứu hộ, chăm sóc được”.
Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật phối hợp với các chuyên gia nước ngoài cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã. (Nguồn: Tư liệu Phong Nha-Kẻ Bàng).
Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật phối hợp với các chuyên gia nước ngoài cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã. (Nguồn: Tư liệu Phong Nha-Kẻ Bàng).
Năm 2008, anh Trần Ngọc Anh cùng cộng sự đã tiếp nhận từ Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB một con beo lửa nặng 15kg trong tình trạng bị thương nặng. Thời điểm đó, chân trước của con beo bị nhiễm trùng do dính bẫy và đang trong quá trình hoại tử. Nếu không được chữa trị kịp thời, con beo lửa này có thể bị chết hoặc phải cắt chân. Với tinh thần, trách nhiệm của mình, anh Trần Ngọc Anh cùng đồng nghiệp đã dùng các biện pháp nghiệp vụ, chăm sóc cẩn thận. Sau hai tháng, vết thương của con beo đã lành lặn. Ba tháng sau, các anh đã hoàn thành phục hồi tập tính và thả con beo lửa về với môi trường tự nhiên.
 
Theo bác sĩ thú y Trần Ngọc Anh, ĐVHD được trung tâm cứu sống nhiều nhất là các loài linh trưởng. Hầu hết loài này đều do con người bẫy bắt về nuôi trong nhà, cho ăn thức ăn mặn, nhiều chất béo không phù hợp với tập tính tự nhiên khiến chúng thường mắc bệnh về đường tiêu hóa, hư men răng nên nguy cơ tử vong rất cao. Để cứu hộ các loài này, cán bộ, nhân viên của trung tâm phải chuyển đổi lại thức ăn sang lá cây, hoa quả phù hợp, chăm sóc trong môi trường bán hoang dã để chúng lấy lại tập tính, theo dõi và chữa trị bệnh rồi mới thả về môi trường tự nhiên.
Cá thể beo lửa được thả về môi trường tự nhiên năm 2008 sau khi được cứu hộ. (Nguồn: Tư liệu Phong Nha-Kẻ Bàng).
Cá thể beo lửa được thả về môi trường tự nhiên năm 2008 sau khi được cứu hộ. (Nguồn: Tư liệu Phong Nha-Kẻ Bàng).
Công việc cứu hộ ĐVHD tưởng chừng đơn giản, nhưng cán bộ, nhân viên của trung tâm luôn phải đối mặt với nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn nghề nghiệp. Bác sĩ thú y Trần Ngọc Anh cho hay: Thời gian đầu được tiếp nhận về trung tâm, nhiều cá thể ĐVHD sẵn sàng tấn công tất cả các đối tượng mà chúng cho là gây ra mối nguy hiểm, kể cả với người chăm sóc. Đặc biệt, loài ĐVHD bị con người vây bắt và làm tổn thương cơ thể thường rất hung dữ. Khi thấy người, chúng luôn cảnh giác và sẵn sàng lao vào tấn công. Ngoài ra, ĐVHD rất dễ lây bệnh chéo giữa các loài với nhau và lây bệnh cho người khi tiếp xúc (bệnh dại, xoắn khuẩn, cúm) hoặc qua nọc độc (các loài rắn hổ và côn trùng).
 
Tuy nhiên, khi được cứu chữa, chăm sóc, một số cá thể cũng có tình cảm như con người. Bởi nhiều cá thể khi trung tâm tiếp nhận còn nhỏ, chưa thể sống tự lập trong môi trường tự nhiên nhưng đã bị bẫy bắt. Khi tiếp nhận những cá thể này, cán bộ, nhân viên trung tâm có thể tiếp cận, chăm sóc bình thường như các loài thú cưng trong nhà nên chúng dần mến người. “Có nhiều cá thể sau khi được cứu hộ, chăm sóc rồi thả về môi trường tự nhiên chúng không muốn đi nữa mà cứ chạy về phía chúng tôi. Thấy vậy, chúng tôi rất vui, nhớ chúng lắm nhưng cũng phải chấp nhận để chúng trở về với “ngôi nhà” thiên nhiên rộng lớn của mình”, Giám đốc trung tâm Lê Thúc Định tâm sự…
 
Ngoài công tác cứu hộ ĐVHD, hơn 20 năm qua, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật đã sản xuất được trên 91.000 cây giống lâm nghiệp thuộc 124 loài; trồng bổ sung trên 11.175 cây rừng để bảo tồn nguồn gen và tạo cảnh quan tại VQG PN-KB. Hiện, trung tâm đã khai thác điểm du lịch sinh thái và diễn giải môi trường tại vườn thực vật, tổ chức đón và phục vụ an toàn cho 156.522 lượt khách. Năm 2018, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật được Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tặng bằng khen vì đã có nhiều đóng góp cho phát triển du lịch.
Xuân Vương
 
 
 

tin liên quan

Điều chỉnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B, xem xét công bố hết dịch
Điều chỉnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B, xem xét công bố hết dịch

Ban Chỉ đạo Quốc gia yêu cầu Bộ Y tế tiến hành điều chỉnh bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B theo thẩm quyền; chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp xem xét, công bố hết dịch theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch nước ký quyết định tặng quà cho người có công với cách mạng
Chủ tịch nước ký quyết định tặng quà cho người có công với cách mạng

Mức quà 600.000 đồng cũng dành tặng thân nhân liệt sỹ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng; thân nhân của hai liệt sỹ trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

Dự án 8 và niềm vui cho đồng bào
Dự án 8 và niềm vui cho đồng bào

(QBĐT) - Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: 2021-2025 đang được triển khai tích cực, bước đầu mang lại những kỳ vọng và niềm vui mới cho đồng bào.