(QBĐT) - Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực đang được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh dành sự quan tâm đặc biệt. Những quyết sách, chương trình hành động không còn chỉ là văn bản mà đã thực sự được đưa vào thực tiễn bằng nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN) và các cơ sở đào tạo nghề. Kế hoạch số 463/KH-UBND, ngày 30/3/2021 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 04-CTr/TU, ngày 9/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng công tác cán bộ đã thực sự tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong học nghề và làm nghề trên địa bàn tỉnh. Vậy nhưng, phía trước vẫn là muôn vàn khó khăn.
Những chuyển biến bước đầu
Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 463/KH-UBND, các đơn vị, địa phương, ban, ngành đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện chương trình phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn. Các chỉ tiêu về lao động (LĐ) qua đào tạo được đưa vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Vượt qua những khó khăn, gián đoạn do dịch Covid-19, các đơn vị và cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã có nhiều cách làm mới, bảo đảm chất lượng và hiệu quả, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Nhờ đó, nguồn nhân lực của tỉnh ngày càng phát triển về số lượng, tuyển sinh học nghề năm sau cao hơn năm trước, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của DN.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phát triển nguồn nhân lực tỉnh, năm 2022, các cơ sở GDNN trên địa bàn tuyển sinh, đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng cho gần 22.200 người (đạt 133,6% so với kế hoạch). Tỷ lệ học sinh, sinh viên (HSSV) có việc làm đạt 83%. Tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 67,7% (đạt 100,3% so với kế hoạch), trong đó: LĐ qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 28,2%.
Toàn tỉnh đã đưa trên 4.000 LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó LĐ qua đào tạo nghề chiếm trên 60%. Những con số này là “quả ngọt” cho một hành trình dài đầy nỗ lực của các cấp ngành, địa phương, sự phấn đấu của các cơ sở GDNN, nhất là trong việc truyền thông, tuyên truyền về phát triển nguồn nhân lực. Điều này đã giúp nhận thức về phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và GDNN của các cơ quan, ban, ngành, nhất là người dân và toàn xã hội được nâng cao, ngày càng thu hút sự quan tâm của HS, người LĐ, DN.
Đứng trước những thách thức sống còn buộc phải thay đổi, các cơ sở GDNN đã thường xuyên đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng phương thức liên kết với DN trong tổ chức đào tạo. Một số mô hình hỗ trợ đào tạo nghề gắn với DN, làng nghề, hợp tác xã theo hình thức liên kết giữa đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đào tạo nghề với cung cấp nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm đã mang lại hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Bài toán đào tạo nghề gắn với nhu cầu LĐ cũng đang dần được giải đáp.
Đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện các mục tiêu phát triển nguồn nhân lực. Năm 2022, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí cho hoạt động đổi mới chương trình, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN. Đến nay, các trường đã hoàn thành các thủ tục đầu tư mua sắm, xây dựng phần mềm quản lý đào tạo trong nhà trường.
Ông Dương Vũ Nhật Đồng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình cho biết, đơn vị hiện đang xây dựng phần mềm quản lý hoạt động đào tạo nhằm quản lý tốt hơn việc tuyển sinh, hỗ trợ công tác đào tạo, kết quả học tập của HSSV cũng như việc khảo sát và đánh giá chất lượng đào tạo. Đây được coi là bước tiến mới nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc đưa chuyển đổi số vào nhà trường, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Muôn vàn rào cản
Nỗ lực cố gắng, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thu hút học nghề nhưng các cơ sở GDNN đang đứng trước nhiều áp lực khi công tác tuyển sinh vẫn luôn gặp khó. Nguyên nhân ban đầu là bởi tỷ lệ phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS chưa đạt mục tiêu đề ra. Việc phát triển quy mô lớp học cũng hạn chế do số lượng HS phân bổ cho các lớp 10 ở các trường THPT trên địa bàn chiếm hết số HS lớp 9 vừa ra trường.
![]() |
Phụ huynh và HS không mặn mà với việc học nghề và coi đó chỉ là lựa chọn cuối cùng, điểm đến của những HS tốp dưới. Bản thân HS tốt nghiệp THPT cũng mang nặng tư duy phải học đại học, cao đẳng thay vì chọn học nghề. Điều đó khiến cho nhiều chương trình tư vấn hướng nghiệp tổ chức tại các trường THCS, THPT trên địa bàn chưa nhận được sự quan tâm, háo hức từ chính các em HS.
Thời gian qua, ngành Du lịch luôn chú trọng đến công tác đào tạo nhân lực bằng việc tổ chức nhiều khóa tập huấn ngắn hạn hoặc đặt hàng đào tạo cho các cơ sở GDNN. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, nhiều DN du lịch không tuyển được LĐ có tay nghề, nhất là LĐ chất lượng cao. Đến mùa du lịch cao điểm, DN lại tiếp tục đau đầu bởi bài toán tuyển dụng nhân sự, “chảy máu” nhân lực. Không riêng gì du lịch, đây cũng là mẫu số chung của nhiều ngành, nghề tại địa phương.
Theo bà Nguyễn Thị Bảo Yến, đại diện Công ty Thaco Auto Quảng Bình, hàng năm, đơn vị vẫn tuyển dụng một số lượng lớn nhân viên kinh doanh và kỹ thuật có tay nghề. Tuy nhiên, số lượng nhân sự đáp ứng các tiêu chí đề ra lại rất ít và thiếu kỹ năng sống, kỹ năng mềm. “Điều này khiến đơn vị phải mất rất nhiều thời gian để sàng lọc, phỏng vấn và đào tạo lại”, bà Yến cho biết thêm.
Tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng, ông Đào Hoài Linh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình thẳng thắn chia sẻ những khó khăn của đơn vị khi nguồn ngân sách chi thường xuyên và đầu tư cho nhà trường hàng năm cắt giảm mạnh theo lộ trình tự chủ tài chính. Trong khi đó, công tác tuyển sinh ngày càng là một thách thức lớn. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và tổ chức hoạt động của nhà trường.
Chính sách thu hút, tuyển dụng những giáo viên giỏi giảng dạy ở một số ngành, nghề trọng điểm còn gặp nhiều khó khăn do việc trả lương, thu nhập chưa bảo đảm. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh. Nếu không sớm có phương án tháo gỡ thì sẽ là rào cản lớn đối với công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực ngay tại địa phương.
Cơ hội việc làm tăng, hệ thống đào tạo, GDNN từng bước được chuẩn hóa, gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu thị trường LĐ. Tuy nhiên, tại một hội nghị mới đây về đào tạo nguồn nhân lực do UBND tỉnh tổ chức, nhiều đại biểu không ngần ngại chỉ ra rằng hoạt động dự báo nhu cầu nhân lực, gắn kết đào tạo với thị trường LĐ còn hạn chế, thiếu nguồn lực. Mặc dù các cấp, các ngành, địa phương, cơ sở GDNN đã có nhiều nỗ lực trong công tác này nhưng chất lượng dữ liệu cung cấp về thị trường, nguồn cung-cầu LĐ tại các địa phương chưa được như kỳ vọng, thiếu chính xác, phản ánh chưa đầy đủ bức tranh thị trường LĐ Quảng Bình.
“Gỡ” khó từ nhiều phía
Cũng tại hội nghị này, đại diện các đơn vị, địa phương, cơ sở GDNN đã cùng hiến kế, “gỡ” khó cho công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực. Nhiều đại biểu đã khẳng định, muốn nâng cao hiệu quả đào tạo, trước hết phải tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người LĐ, HS về học nghề, đẩy mạnh công tác định hướng phân luồng HS tốt nghiệp THCS. Các địa phương cần xác định mục tiêu ưu tiên trong phát triển kinh tế-xã hội để quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề cho người LĐ theo mô hình đào tạo nghề gắn với DN, làng nghề, hợp tác xã. Từ đó, bảo đảm tỷ lệ LĐ sau khi được hỗ trợ đào tạo nghề có việc làm tối thiểu trên 85%.
Các địa phương không tổ chức các lớp đào tạo nghề mà nhu cầu sử dụng LĐ sau đào tạo ở địa phương không cao, không giải quyết được việc làm, hiệu quả mang lại chưa cụ thể. Đồng thời, cơ sở GDNN cần tập trung nhân rộng mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, trong đó chú trọng đào tạo nghề gắn với các ngành nghề phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, ưu tiên đào tạo những nghề gắn với việc làm, bao tiêu sản phẩm tại DN, làng nghề, hợp tác xã.
Phát biểu tại hội nghị này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong khẳng định, nhiệm vụ ưu tiên là nâng cao chất lượng, trình độ đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường tuyển dụng LĐ, đồng thời cần đa dạng các hình thức hướng nghiệp để phân luồng đào tạo, phù hợp với năng lực, sở trường của HS. Các cơ sở GDNN, đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cần được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tuy nhiên tránh tình trạng đầu tư lãng phí.
Diệu Hương