![]() |
Trong câu chuyện chia sẻ với chúng tôi, ông Đinh Hữu Cường, nguyên cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh trong khoảng 15 năm đầu Quảng Bình trở về địa giới cũ vẫn vẹn nguyên cảm xúc rưng rưng khi nhắc về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Từng là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương…, ông Đinh Hữu Cường có nhiều dịp được gần gũi với Trung tướng.
Ông chia sẻ: Kỷ niệm về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên thì nhiều lắm, song nhớ nhất là khi ông cùng đoàn công tác Trung ương khảo sát thực hiện tuyến đường Hồ Chí Minh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó có đoạn qua Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB).
Thời điểm này, một số ý kiến của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho rằng nên tách tuyến đường Hồ Chí Minh ra khỏi vùng PN-KB để thuận lợi hơn cho việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Đồng hành cùng Trung tướng khảo sát thực địa trên tuyến đường Hồ Chí Minh (cũ), đoạn từ ngã tư Trạ Ang đến các khu vực xung quanh, bác Nguyên thẳng thắn: “Họ góp ý thì ta nên nghe, nếu vi phạm nhiều vào vùng PN-KB thì ta cần phải cân nhắc. Nhưng đây là con đường huyết mạch, tính toán kỹ là chỉ đi bên cạnh, vậy nên ta dứt khoát phải làm...”.
Tháng 4/2000, lễ khởi công đường Hồ Chí Minh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được tổ chức ngay tại bến phà Xuân Sơn (Bố Trạch), trong đó đoạn đi qua PN-KB vừa bảo đảm về mặt kỹ thuật, quân sự vừa tôn trọng môi sinh vùng di sản. Quyết tâm của Trung tướng đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của một vị tướng tài ba bởi khi đường Hồ Chí Minh chính thức hoạt động, kết hợp với Quốc lộ 1 và các tuyến đường ngang đã tạo thành một mạng lưới giao thông liên hoàn, vững chắc, phá vỡ thế “độc đạo” của Quốc lộ 1, phát triển vùng Tây một dải từ Bắc chí Nam, trong đó có Quảng Bình.
“Quá trình làm hồ sơ công nhận di sản Vườn Quốc gia PN-KB, tôi có gặp bác Đồng Sỹ Nguyên vì bác rất giỏi về rừng, núi, địa hình. Bác Nguyên góp ý tỉnh nên bàn lại với Chính phủ, trao đổi với Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn về điều chỉnh diện tích để vừa bảo đảm quy mô, vừa thuận lợi cho tỉnh trong công tác quản lý sau này. Rồi sân bay dã chiến Khe Gát (xã Xuân Trạch, Bố Trạch) với đoạn đường dài gần 2km, được làm khá rộng so với các đoạn đường trước đó cũng chính là “hữu ý” của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên bởi như lời bác Nguyên dặn dò-đây vừa là di tích lịch sử trên tuyến đường Hồ Chí Minh, vừa là để ta phòng khi “hữu sự”, ông Đinh Hữu Cường nói.
Và trong câu chuyện của người cán bộ tỉnh thuộc thế hệ “cựu trào”, ông Đinh Hữu Cường vẫn nhớ rất rõ: Lãnh đạo tỉnh thời kỳ đó rất tâm huyết và trăn trở với việc mở cảng Hòn La, xem đây là bước đột phá để đưa kinh tế-xã hội tỉnh nhà phát triển. Tuy nhiên, việc đề xuất xây dựng cảng gặp rất nhiều khó khăn do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chưa đưa cảng Hòn La vào quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam.
![]() |
Lãnh đạo tỉnh bàn bạc, đề xuất với ông Tạ Quang Ngọc-khi đó là Bộ trưởng Bộ Thủy sản Việt Nam để Quảng Bình được làm khu neo đậu tàu thuyền tránh bão ở Hòn La; đồng thời tranh thủ sự chỉ bảo, định hướng của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và được bác Nguyên đồng tình, ủng hộ. Nhận thấy rõ vị trí của cảng Hòn La trong phát triển kinh tế của tỉnh, bác Nguyên đã trực tiếp hướng dẫn, góp ý kiến, đề xuất và được đồng chí Trần Đức Lương-khi ấy là Chủ tịch nước “bật đèn xanh” đồng ý chủ trương.
Đây cũng là cơ sở để sau này Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình đưa Hòn La vào quy hoạch cảng biển Việt Nam. Năm 2003, Quảng Bình chính thức khởi công xây dựng cảng Hòn La-thời điểm đó có Thủ tướng Phan Văn Khải và bác Đồng Sỹ Nguyên cùng vào dự, mừng lắm!
|
Trong từng giai đoạn phát triển của quê hương, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đều đưa ra những góp ý sáng suốt, chân tình và phù hợp với thực tiễn. Ông rất quan tâm đến những công trình mang tầm vĩ mô, giúp Quảng Bình phát triển vững chắc dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có, như: Cảng biển Hòn La, cửa khẩu Cha Lo... và đã dành nhiều thời gian cùng với lãnh đạo tỉnh thảo luận, tìm giải pháp phát triển kinh tế-xã hội. Hiểu rõ tiềm năng và lợi thế của quê hương, ông đề xuất với tỉnh tập trung phát triển các lĩnh vực mà Quảng Bình có lợi thế: Sản xuất xi măng, đẩy mạnh đánh bắt thủy sản xa bờ; đối với nông nghiệp, ngoài việc duy trì diện tích lúa cần chú trọng đưa giống mới vào canh tác, chú trọng chăn nuôi bò lai và trồng rừng keo xen cây bản địa, chế biến gỗ xuất khẩu...
Với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, gia đình và quê hương nguồn cội là niềm tự hào và là những gì yêu thương da diết nhất tiếp sức mạnh giúp ông vượt qua bao khó khăn, thử thách trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng. Và ngay cả khi trở về với đời thường, người lính già tóc bạc vẫn thích ăn món cá kho tộ, thích rau ngót, cà muối-những món ăn đậm vị quê nhà.