Tìm "ánh sáng" từ trong bóng tối

  • 07:01, 11/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bị mù bẩm sinh từ lúc lọt lòng, tưởng chừng cuộc đời đã khép lại với chị Trần Thị Chung (SN 1983), ở thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh (Quảng Ninh). Nhưng với ý chí và nghị lực vươn lên, chị không những vượt qua nghịch cảnh mà còn trở thành điển hình người khiếm thị làm kinh tế giỏi của huyện.
 
Lúc chúng tôi đến, chị Trần Thị Chung đang cho đàn dê ăn. Nếu không tìm hiểu hoàn cảnh của chị từ trước thì chắc sẽ không nhận ra đây là người phụ nữ bị mù bẩm sinh từ nhỏ. Bởi, trông chị rất nhanh nhẹn và thạo việc, một tay chị chăm lo đàn vật nuôi của gia đình.
 
Trong câu chuyện về nghị lực sống và vượt qua nghịch cảnh của người khiếm thị, chị Chung chia sẻ: “Sinh ra trong một gia đình có 6 người con nhưng có 2 người bị tàn tật do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin. Khi biết tôi bị mù bẩm sinh, gia đình đã chạy chữa khắp nơi nhưng không có kết quả. Từ nhỏ, mọi sinh hoạt của tôi đều phải nhờ đến bố mẹ và anh chị em trong nhà. Tôi rất thích đi học nhưng vì điều kiện nên không thể đến trường. Vì mù nên tôi rất tự ti, nhiều năm sống khép mình không giao tiếp với ai. Năm 1991, tôi may mắn được một tổ chức nước ngoài hỗ trợ 50% chi phí phẫu thuật mắt, nhờ đó tôi đã nhìn thấy được ánh sáng đơn sắc”.
 
Năm 2003, cơ duyên đã đưa chị Chung gặp gỡ và biết đến chị Lê Thị Hà, Chủ tịch Hội Người mù huyện Quảng Ninh. Với sự động viên, khích lệ từ chị Hà, chị Chung đã tham gia sinh hoạt tại Chi hội Người mù xã Vạn Ninh. Tại đây, chị đã được gặp gỡ và giao lưu với những người cùng cảnh ngộ, được biết đến những chính sách, quy định dành cho người khuyết tật… Nhiều tấm gương trong hội đã làm thay đổi nhận thức, giúp chị vui vẻ, hòa đồng hơn. 
 Mô hình chăn nuôi tổng hợp đem lại thu nhập ổn định cho gia đình chị Trần Thị Chung.
Mô hình chăn nuôi tổng hợp đem lại thu nhập ổn định cho gia đình chị Trần Thị Chung.
Vượt qua mọi rào cản, năm 2010, chị xây dựng gia đình với anh Đỗ Thanh Hải, quê ở thị trấn Nông trường Lệ Ninh (Lệ Thuỷ). Có gia đình, chị luôn trăn trở phải làm gì để phát triển kinh tế, không thể mãi phụ thuộc vào chồng.
 
Nhận thấy địa phương có nhiều đất đồi bỏ hoang, chị bàn bạc với chồng thuê đất xây dựng gia trại tổng hợp. Ban đầu, khi nghe ý tưởng của chị mọi người trong gia đình đều phản đối bởi trồng trọt, chăn nuôi đối với người bình thường đã gặp muôn vàn khó khăn huống gì người khiếm thị như chị. Nhưng thấy được quyết tâm của chị Chung, thay vì ngăn cản, mọi người đã cùng nhau hỗ trợ.
 
Ra ở riêng lúc còn khó khăn, chị Chung cùng chồng mua một mảnh đất nhỏ tại thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh để làm nhà và xây dựng mô hình chăn nuôi. Theo chị Chung, trước đây, mảnh đất này toàn là bụi rậm, hố bom, rất ít người lên đây để sinh sống. Khi bắt tay vào làm, gia đình chị đã gặp phải muôn vàn khó khăn. Với đồng vốn ít ỏi không đủ để thuê nhân công nên ngày này qua tháng khác, hai vợ chồng chị cần mẫn cuốc đất khai hoang để làm chuồng trại chăn nuôi.
 
“Xác định chăn nuôi sẽ mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình, vì vậy tôi dồn hết công sức và tâm huyết vào đó. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn không chán nản, bỏ cuộc”, chị Chung chia sẻ.
 
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ban đầu chị Chung trồng một ít hoa màu, nuôi bò, ngan, vịt, ngỗng... để ổn định cuộc sống nhưng do thiếu kiến thức về chăn nuôi nên sản xuất không mang lại hiệu quả. Không nản chí, sau khi tích luỹ kinh nghiệm, chị tiếp tục nuôi 7 con bò và 500 con gà, vịt, ngan, ngỗng. Mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả, sau khi trừ chi phí cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm.
 
Nhận thấy nguồn lợi từ chăn nuôi phù hợp với điều kiện gia đình, chị Chung mạnh dạn vay vốn thông qua Hội Người mù huyện Quảng Ninh, Quỹ tín dụng nhân dân xã Vạn Ninh và Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mở rộng quy mô chuồng trại và thuê thêm đất trồng rừng. Trời không phụ công người, cây xanh từ vùng đất khô cằn được vợ chồng chị chăm chút từng ngày cứ thế vươn lên xanh ngắt. Từng đàn lợn, dê, gà, vịt… cũng ngày càng sinh sôi, phát triển. Hiện nay, gia trại của gia đình chị duy trì 20 con lợn rừng, 3 con lợn nái, 15 con dê, hơn 100 con gà, vịt các loại và 5ha rừng trồng, cho thu nhập ổn định từ 200-300 triệu đồng/năm.
 
Chi hội trưởng Chi hội Người mù xã Vạn Ninh Trần Đông cho hay: “Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Chung còn rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội của địa phương, được bà con xóm làng yêu mến. Nhờ sự nỗ lực không ngừng, vượt qua mặc cảm của người khuyết tật, chị Trần Thị Chung đang ngày càng chứng tỏ bản thân “tàn nhưng không phế”, xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người noi theo”.
 
L.Chi
 

tin liên quan

Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh thăm, chúc Tết Làng trẻ em SOS Đồng Hới và các gia đình chính sách
Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh thăm, chúc Tết Làng trẻ em SOS Đồng Hới và các gia đình chính sách
(QBĐT) - Chiều 11/1, đồng chí Phạm Thị Hân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh đã đến thăm, chúc Tết Làng trẻ em SOS Đồng Hới, mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Trữ và các gia đình chính sách trên địa bàn TP. Đồng Hới, huyện Quảng Ninh, Bố Trạch. 
 
Tặng quà Tết cho đồng bào biên giới Thượng Trạch
Tặng quà Tết cho đồng bào biên giới Thượng Trạch

(QBĐT) - Quỹ Phát triển đất tỉnh Quảng Bình phối hợp với Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại Quảng Bình và Đồn Biên phòng Cà Roòng vừa tổ chức thăm, tặng quà Tết cho bà con đồng bào Ma Coong ở xã biên giới Thượng Trạch (Bố Trạch).

Đoàn ĐBQH tỉnh: Trao 430 suất quà Tết cho người dân hai huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa
Đoàn ĐBQH tỉnh: Trao 430 suất quà Tết cho người dân hai huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa

(QBĐT) - Nhân dịp đón Tết Nguyên đán Quý Mão, ngày 11/1, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh gồm các đại biểu: Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách, Nguyễn Thị Tuyết Nga, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã trao quà tại hai huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa.