(QBĐT) - Chiều 2/10, Hồ Thị Viện (sinh năm 2004), bản La Trọng, xã Trọng Hoá (Minh Hóa) đón xe từ TP. Hồ Chí Minh về quê để thực hiện các thủ tục tuyển sinh vào Trường đại học Quảng Bình. Em là 1 trong 4 học sinh người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ trên hành trình đến giảng đường đại học trong năm học 2022-2023.
Lan toả niềm vui
Chia sẻ qua điện thoại, Viện không giấu được niềm vui. Sau khi trúng tuyển vào khoa Toán, Trường đại học Sư phạm Huế với số điểm xét tuyển 27,45, em nửa mừng nửa lo. Thế rồi khi chứng kiến cảnh gia đình quá khó khăn, em quyết định không nhập học, thay vào đó đón xe vào TP. Hồ Chí Minh xin việc.
![]() |
Ngày 12/9/2022, Viện trúng tuyển làm công nhân tại một công ty sản xuất giày dép. Ngày 1/10, em nhận được điện thoại của gia đình và các chú Bộ đội Biên phòng (BĐBP) gọi về để làm các thủ tục tuyển sinh vào Trường đại học Quảng Bình. Em mừng lắm, bởi mọi chuyện cứ như một giấc mơ!.
Sau khi thông báo với nhà máy để xin nghỉ việc, em nhanh chóng thu dọn hành lý và đón xe về quê trong niềm vui của gia đình, bạn bè, bà con xóm giềng.
Hồ Thị Viện là nữ sinh người Khùa, dân tộc Bru-Vân Kiều. Em học cùng lớp với Cao Thị Lệ Hằng, Hồ Thị Lích và Hồ Thị Khăm (những học sinh người dân tộc thiểu số trong bài viết “Mùa vui” đăng trên báo Quảng Bình-PV).
Ngày 2/10, khi em đang chuẩn bị hành lý, thì tại quê nhà ở xã Trọng Hoá, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo và Đồn Biên phòng Ra Mai đã gặp gỡ gia đình em và bạn cùng lớp là Hồ Thị Khăm để tặng quà động viên, đồng thời trao đổi cụ thể tình hình với hai gia đình. Tiếp đó, Hồ Thị Khăm được BĐBP đón về Trường đại học Quảng Bình.
|
Trước đó, chiều 1/10, sau khi được BĐBP và Ban Giám hiệu Trường đại học Quảng Bình thuyết phục, tạo điều kiện, hai em Cao Thị Lệ Hằng và Hồ Thị Lích đã quyết định nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường đại học Quảng Bình.
Như vậy, với sự quan tâm giúp đỡ của mọi người, 4 nữ sinh cùng lớp 12B, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đã tiếp tục được hội ngộ tại ngôi trường mới sau rất nhiều vất vả và âu lo.
Có mặt đón tiếp và hướng dẫn các em hoàn thiện thủ tục tuyển sinh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Quảng Bình Dương Thị Ánh Tuyết cho biết, cùng với việc tư vấn ngành học phù hợp với năng lực, điểm số, nhu cầu của cá nhân các em và địa phương, nhà trường bố trí ký túc xá miễn phí cho các em trong suốt 4 năm học. Ngoài ra, trường sẽ quan tâm tìm kiếm học bổng phù hợp, các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân để giúp các em yên tâm học tập.
|
Những câu chuyện cảm động
Ngày 2/10, tại trụ sở UBND xã Trọng Hóa, đại diện lãnh đạo xã cùng hai Đồn Biên phòng Cha Lo và Ra Mai đã trao quà của địa phương và đơn vị cho Hồ Thị Khăm và gia đình cháu Hồ Thị Viện. Dịp này, đồng chí Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng gửi lời chúc mừng và tặng 2 suất quà cho các cháu, mỗi suất 2 triệu đồng.
Sau khi trao quà, thượng tá Ngô Anh Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo và thiếu tá Lưu Văn Dũng, cán bộ Đồn Biên phòng Ra Mai kiêm Phó Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa đã đích thân đưa Hồ Thị Khăm về TP. Đồng Hới.
|
Ngắm nhìn Hồ Thị Khăm bước vào ngôi trường mới với các chú BĐBP “tháp tùng” theo sau mới thấy hết tấm lòng của mọi người dành cho các em. Với em, đây là chuyến đi rất đặc biệt bởi chỉ mới hôm qua, cánh cổng trường đại học dường như đã khép lại vì hoàn cảnh khó khăn, vất vả của gia đình. Thế nhưng, điều kỳ diệu đã xảy ra. Gặp lại hai bạn cùng lớp, em càng vui và tự tin hơn.
Tại khu ký túc xá khang trang, sạch đẹp, 3 em được bố trí ở chung phòng. Ngoài ra, một chỗ trống dành cho Hồ Thị Viện đang trên đường về. Loay hoay xếp dọn tại “tổ ấm” mới, niềm hạnh phúc rạng ngời trên gương mặt các em.
Thượng tá Ngô Anh Tuấn và thiếu tá Lưu Anh Dũng không quên gửi gắm các cháu cho cán bộ, giáo viên nhà trường và tin tưởng các cháu sẽ trưởng thành hơn trong môi trường mới để sau 4 năm sẽ mang kiến thức về xây dựng bản làng.
![]() |
Bữa cơm chia tay của các nữ sinh với các chú BĐBP sau khi hoàn thành các thủ tục tại trường diễn ra trong không khí bịn rịn. Gửi lời cảm ơn các chú BĐBP, thầy cô giáo và những tấm lòng hảo tâm, các em đều hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt, mai sau về làm cô giáo ở bản, xứng đáng với tình yêu thương của mọi người.
Một tương lai mới đang mở ra cho các em, cũng chính là tương lai của bản làng nhờ sự quan tâm, đùm bọc, sẻ chia của cộng đồng trên hành trình nâng bước em đến trường.
Được biết, sau khi nắm thông tin về các trường hợp học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đỗ đại học năm học 2022-2023 nêu trên, Công ty TNHH Tập đoàn Vĩnh Hưng (có trụ sở tại thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch), đã quyết định hỗ trợ các cháu trong 4 năm theo học tại trường. |
Ngọc Mai