(QBĐT) - 7 giờ sáng, nhiều người dân xã Văn Hóa (Tuyên Hóa), với đủ thành phần, lứa tuổi, đã mang theo dụng cụ lao động tập trung tại khu vực hói Hạ để lao động vệ sinh môi trường.
![]() |
Mỗi người một việc, không ai bảo ai đều làm việc hăng say. Tuyến hói Hạ (dài gần 1km) nằm giữa 2 thôn Phúc Tự và thôn Lê Lợi, vốn tù đọng, cây cối rậm rạp, chỉ sau gần 1 giờ lao động đã được khơi thông. Các tuyến đường liên thôn cũng được quét dọn, phong quang sạch sẽ. Ông Lê Hữu Lộc ở thôn Lê Lợi cho biết, ngày bình thường, mỗi người một công việc khác nhau. Đường làng, ngõ xóm, mỗi khi có thông báo tổng vệ sinh, mọi người đều cùng nhau làm. Nhưng, hôm nay, thấy mọi người ra vệ sinh, ông cũng mang cào, cuốc ra làm. “Tất cả vì môi trường sống của mình cả. Mình làm sạch đường, sạch ngõ của mình, chứ có làm cho ai đâu. Không khí trong lành thì làng quê lại càng trở nên đáng sống hơn thôi”, ông Lộc cho hay.
![]() |
Để ý thấy trong số những người lao động ở đây, có một người dáng vẻ “thị thành”, cũng xăng xái, chạy lui chạy tới, hết việc này đến việc nọ. Chủ tịch UBND xã Văn Hóa Trần Đức Hiến mách nhỏ, người đó là chị Lương Thị Bích Ngọc, một người con của xã Văn Hóa, hiện đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. Chị ở xa quê, nhưng hầu hết các hoạt động, sự kiện của quê hương, bằng cách này hay cách khác, chị đều góp sức tham gia. Lần này, nhân dịp đi công tác qua Quảng Bình, chị ghé ở lại nhà, cùng vận động, kêu gọi mọi người lao động, tổng vệ sinh môi trường. “Chị Lương Thị Bích Ngọc là người luôn luôn đau đáu, tâm huyết với quê hương. Lần nào về quê, không nhiều thì ít, chị đều đóng góp cả tinh thần lẫn vật chất để giúp quê hương. Chúng tôi rất trân quý tấm lòng của những người con xa quê như chị Ngọc. Chuyến này về, chị đã trao tặng toàn bộ trang phục cho đội dân vũ ở thôn Lê Lợi (xã Văn Hóa). Năm nào, nhận được tin quê hương bị lũ lụt, chị cũng về động viên, ủng hộ những người dân bị thiệt hại”, Chủ tịch UBND xã Văn Hóa Trần Đức Hiến cho biết thêm.
Chị Lương Thị Bích Ngọc chia sẻ: “Mình rất tự hào là người con của quê hương Văn Hóa, một trong “bát danh hương” nức tiếng của mảnh đất Quảng Bình. Dù sinh sống và làm việc ở xa quê, nhưng lúc nào rảnh việc, nhớ quê mình lại về nhà. Về để thỏa nỗi nhớ mong, khao khát tình quê, người quê, nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Quê hương mỗi người chỉ một mà. Mình làm được việc gì có ích cho quê hương thì làm thôi. Và vì mình cũng đã từng và mãi là người của miền quê này. Với bà con quê hương, sự giúp đỡ về vật chất nhiều khi không quan trọng bằng việc mình khởi xướng và “xắn tay” cùng làm”.
P.V