(QBĐT) - Bước vào mùa mưa lũ năm nay, huyện Quảng Ninh đã chủ động xây dựng các phương án nhằm chủ động ứng phó diễn biến bất thường của thời tiết.
Nhằm chủ động nâng cao khả năng ứng phó của chính quyền và cộng đồng dân cư trong mùa mưa bão năm nay, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) kiêm phòng thủ dân sự (PTDS) huyện đã xây dựng các phương án linh hoạt, chủ động.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm PTDS huyện Quảng Ninh cho biết: Trên tinh thần công tác PCTT và TKCN phải được tiến hành chủ động và thường xuyên, huyện Quảng Ninh đã xây dựng phương án phòng tránh, chuẩn bị kỹ theo phương châm “4 tại chỗ”, thực hiện đồng bộ các giải pháp, phối hợp nhịp nhàng khi có tình huống xấu và phức tạp.
Theo đó, huyện đã rà soát, bổ sung, hoàn thiện các phương án, kế hoạch di dời dân, sơ tán tàu thuyền, phòng chống sạt lở, ngập úng khi có thiên tai xảy ra; xây dựng phương án phòng, chống siêu bão; tổ chức các lực lượng tình nguyện, xung kích trong công tác PCTT và TKCN cộng đồng; kiểm tra nhà cửa, các công trình hồ đập để có kế hoạch duy tu trước mùa mưa bão.
Trên cơ sở bám sát điều kiện thực tiễn, huyện Quảng Ninh đã có kế hoạch bố trí cụ thể các địa điểm và phương án để sơ tán, di dời dân tại các khu vực bị ảnh hưởng do thiên tai, gồm: Phương án di dời dân khi có bão mạnh, siêu bão và hoàn lưu bão; di dời dân khu vực có khả năng xảy ra lũ ống, lũ quét ở các xã Trường Sơn, Trường Xuân và Vạn Ninh; di dời dân khi có sóng thần, triều cường và di dời dân ở khu vực hạ du khi có sự cố hồ đập bị vỡ; neo đậu tàu thuyền tại thôn Chợ Gộ, xã Vĩnh Ninh và thôn Hà Kiên, xã Hàm Ninh.
Huyện cũng chủ động chuẩn bị các phương tiện, vật tư cần thiết, như: Xuồng cao tốc, thuyền cô le, thuyền máy, nhà bạt, áo phao cứu sinh, máy phát điện…; đồng thời, chỉ đạo các lực lượng công an, quân sự, y tế có kế hoạch về lực lượng để cứu hộ, ứng phó kịp thời, thành lập tổ ứng cứu, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi được điều động đột xuất.
Cùng với việc linh hoạt, chủ động các phương án di dời, sơ tán dân trong các trường hợp khẩn cấp, huyện Quảng Ninh chú trọng kiểm tra, nâng cấp định kỳ các công trình trọng điểm về phòng, chống thiên tai, đặc biệt là các công trình thủy lợi, giao thông, thông tin, điện lực; đẩy nhanh tiến độ và chất lượng xây dựng các công trình trọng điểm về phòng, chống thiên tai trên cơ sở bảo đảm tiến độ vượt lũ.
![]() |
Theo ông Trần Ngọc Khánh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Quảng Ninh, hiện trên địa bàn huyện có 12 hồ với tổng dung tích 95,26 triệu m3; trong đó huyện quản lý 10 hồ với tổng dung tích 4,78 triệu m3; Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý 2 hồ còn lại với dung tích lớn 90,47 triệu m3. Thực tế, nhiều hồ đập trên địa bàn huyện Quảng Ninh được xây dựng từ khá lâu nên có dấu hiệu xuống cấp, nước thấm qua thân đập, tràn xả lũ bị xói lở…
Do đó, từ trước mùa mưa lũ, huyện đã triển khai kiểm định an toàn đập đối với các hồ chứa nước thi công trên 10 năm, cắm mốc phạm vi bảo vệ công trình đối với các hồ chứa nước vừa; đồng thời, đẩy nhanh hoàn thiện thi công cống lấy nước hồ Điều Gà, bàn giao đưa vào sử dụng hồ chứa nước Long Đại (hồ Hóc Tré) và nâng cấp, sửa chữa các hồ đã được UBND huyện bố trí kinh phí.
Với phương châm công tác phòng, chống thiên tai phải dựa vào nhân dân, chính quyền cơ sở, trong đó phòng ngừa là chính, huyện Quảng Ninh ưu tiên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống thiên tai; phát huy vai trò và tính chủ động trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở gắn với trách nhiệm của cộng đồng trong việc tự quản khi ứng phó với thiên tai, bão, lũ.
Theo Chủ tịch UBND xã Hải Ninh Phạm Văn Liệu, xã luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Nhật Lệ kiểm tra nắm chắc số lượng tàu thuyền, thuyền viên đang hoạt động trên biển; yêu cầu các chủ phương tiện, thuyền trưởng và ngư dân chủ động theo dõi diễn biến của thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin cho ngư dân biết và theo dõi tọa độ, cường độ, hướng di chuyển, bán kính ảnh hưởng của bão, hướng dẫn ngư dân phòng tránh bão.
“Trong trường hợp có bão, lũ khẩn cấp, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm PTDS huyện, các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn tổ chức trực ban lãnh đạo và cơ quan tham mưu 24/24 giờ để nắm chắc diễn biến tình hình, dự kiến các tình huống có thể xảy ra; phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng ứng phó tại chỗ với lực lượng chi viện của cấp trên để khẩn trương bố trí cán bộ trực tiếp đến các địa bàn xung yếu.
Đặc biệt, công tác thông tin trong phòng chống thiên tai cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời để người dân nắm bắt được diễn biến; các cấp chính quyền, từ đó, có phương án ứng phó nhanh chóng, phù hợp với các tình huống, nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra”, ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết thêm.
Năm 2020, huyện Quảng Ninh chịu tác động trực tiếp của nhiều đợt thiên tai làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, trận lũ lịch sử tháng 10-2020 đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản với 8 người chết, 51 người bị thương, 17.000 nhà dân bị ngập lụt, kèm theo đó là cơ sở vật chất trường học, y tế. Riêng về sản xuất, toàn huyện có hàng trăm ha hoa màu và cây lâu năm bị thiệt hại; 11.300 tấn lương thực bị cuốn trôi, ẩm ướt, hư hỏng… |
Thanh Hải