(QBĐT) - Bước vào mùa mưa bão trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lực lượng phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) các cấp TP. Đồng Hới đã sẵn sàng các phương án ứng phó với “thách thức kép”, nỗ lực hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xã Lộc Ninh (TP. Đồng Hới) là địa bàn có nhiều hồ đập nên nguy cơ cao mất an toàn khi mưa bão. Chính vì vậy, thời gian qua, bằng việc lồng ghép từ các nguồn vốn, một số công trình hồ, đập trên địa bàn xã đã được nâng cấp, tu bổ và sửa chữa phần chống thấm thân đê, gia cố mặt đê, rò rỉ…
Ông Nguyễn Trí Thủy, Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh cho biết, địa phương đã kiểm tra, rà soát 5 hồ đập về quy trình tích nước, vận hành để chủ động bảo đảm an toàn khi mưa lũ. Xã cũng xây dựng phương án phòng, chống thiên tai phù hợp với tình hình thực tế địa phương và chuẩn bị các điều kiện cần thiết về vật tư để xử lý các tình huống xảy ra…
Theo ông Đoàn Hồng Quân, Trưởng phòng Kinh tế, UBND TP. Đồng Hới, trước mùa mưa bão, TP. Đồng Hới đã thực hiện kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi, đê điều với mục đích phát hiện những điểm xung yếu để tổ chức bảo vệ và những điểm còn chưa hợp lý trong quản lý, vận hành nhằm chủ động khắc phục, giảm nguy cơ xảy ra sự cố.
Hiện nay, cơ bản các hồ đập trên địa bàn đều bảo đảm phòng, chống lũ tốt. Đối với các tuyến đê từ cửa sông chạy dọc theo hai bờ các sông trên địa bàn (chủ yếu sông Nhật Lệ), các địa phương cũng thực hiện rà soát phương án hộ đê, bảo vệ đê điều xung yếu, nhất là các vị trí có sạt lở; đồng thời, xây dựng phương án trọng điểm PCTT và chuẩn bị các vật tư, phương tiện, nhân lực phục vụ công tác PCTT-TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”.
Thành phố cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, biện pháp về PCTT-TKCN; thực hiện cảnh báo cho nhân dân các khu vực dễ xảy ra mất an toàn, dễ bị ngập úng, như: Hạ du hồ Phú Vinh (các xã, phường: Thuận Đức, Đức Ninh, Bắc Nghĩa, Đức Ninh Đông...), vùng có khả năng bị ngập lụt cục bộ, như các phường: Bắc Lý, Nam Lý, Đồng Phú, Phú Hải, Đồng Hải….
Từ đó, nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, trách nhiệm cộng đồng và chủ động phòng tránh thiên tai của toàn dân.
Lãnh đạo TP. Đồng Hới kiểm tra hiện trạng các công trình thủy lợi, đê điều trước mùa mưa bão.
"Ngoài ra, TP. Đồng Hới hiện có trên 18.600 cây xanh trải dài trên các tuyến đường. Để hạn chế những thiệt hại do cành, cây gãy đổ, Trung tâm Công viên cây xanh TP. Đồng Hới đã tiến hành loại bỏ cành chết, cắt tỉa cành, nhánh, chặt hạ độ cao một số cây xanh có đường kính lớn, có nguy cơ đổ ngã… trước mùa mưa bão”, ông Lê Công Kim, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh TP. Đồng Hới cho hay.
Đặc biệt, TP. Đồng Hới đã ban hành phương án ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 năm 2021 trên địa bàn. Theo đó, thành phố xây dựng sẵn sàng các phương án ứng phó với một số tình huống thiên tai theo cấp độ, như: Bão, áp thấp nhiệt đới; lũ, ngập lụt; lốc, sét, mưa đá; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy…
Đáng chú ý, TP. Đồng Hới đã lên phương án chi tiết di dời dân gắn với bảo đảm an toàn PCTT và phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, đối với bão cấp độ 3 trở lên, thành phố dự kiến sẽ huy động lực lượng xung kích xã, phường và lực lượng hỗ trợ thành phố gần 1.200 người để tham gia di dời, sơ tán dân tại chỗ; gần 1.700 hộ dân với khoảng 6.000 nhân khẩu ở khu vực xung yếu, có nguy cơ cao ảnh hưởng của thiên tai tại 15 xã, phường sẽ di dời đến các địa điểm tập trung, như: Nhà văn hóa thôn/tổ dân phố, trung tâm văn hóa xã/phường, các trường học…, bảo đảm phòng, chống dịch theo quy định…
Theo ông Nguyễn Đức Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới, trên cơ sở phương án ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 năm 2021 của thành phố, các cơ quan, đơn vị, xã, phường sẽ xây dựng phương án, kịch bản ứng phótheo cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp với đặc điểm của đơn vị mình để triển khai thực hiện khi có tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ; đồng thời, các cấp chính quyền phổ biến phương án đến tận người dân nắm bắt và hướng dẫn, kỹ năng an toàn trước thiên tai, dịch bệnh. Điều quan trọng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các địa phương khuyến cáo người dân cần thường xuyên theo dõi tình hình thiên tai và dịch bệnh nói chung, của thành phố nói riêng. Song song, người dân cần quan tâm và lưu các số điện thoại quan trọng, như: Ban Chỉ huy PCTT-TKCN xã, phường, y tế, cứu hộ địa phương để liên lạc trong trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp…
TP. Đồng Hới hiện có 11 hồ đập lớn, nhỏ, trong đó, nhiều hồ đập dung tích khá lớn, như: Phú Vinh (22,36 triệu m3), Đồng Sơn (2,57 triệu m3), Ba Đa (1,28 triệu m3), Bàu Tró… Đây là những hồ đập có tác dụng phục vụ nước cho sinh hoạt, thủy lợi, tưới tiêu, ngăn lũ. Riêng hồ Phú Vinh và Bàu Tró do thành phố và doanh nghiệp quản lý, còn lại do các xã, phường quản lý. Cùng với đó, ngoài sông chính Nhật Lệ đổ ra biển, thành phố có các con sông nhỏ, gồm: Rào Lụy, Mỹ Cương, Cầu Rào chảy qua các vùng trọng điểm dễ gây ngập úng các khu vực thấp trũng...
(QBĐT) - Chiều 20-9, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường cao đẳng Kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình tổ chức bàn giao 40 máy sát khuẩn tay tự động nhằm phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh.
(QBĐT)- Đã 3 ngày trôi qua kể từ thời điểm cô giáo Lê Thị L., giáo viên Trường TH và THCS số 1 Trường Thủy (Lê Thủy) tiêm 2 mũi vắc xin phòng dịch Covid-19 cùng lúc. Bản thân cô giáo L. và các cơ quan chức năng đã xác định rõ trách nhiệm các bên liên quan. Tuy nhiên, hiện tại sức khỏe, tinh thần cô giáo L. bị ảnh hưởng nặng nề vì dư luận, đặc biệt từ cộng đồng mạng xã hội.
(QBĐT) - Nhân dịp Tết Trung thu năm 2021, các đơn vị, địa phương đã đến thăm, tặng quà cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn và các em đang cách ly y tế tại các khu cách ly tập trung.