Lệ Thủy: Sẵn sàng "4 tại chỗ" phòng, chống thiên tai

  • 09:09, 23/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để hạn chế thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân trong mùa mưa bão, huyện Lệ Thủy đã chủ động lên phương án và triển khai các biện pháp phòng chống. Trong đó, địa phương tập trung gia cố các công trình thủy lợi, chỉ đạo bà con thu hoạch mùa màng, bảo quản tài sản, tích trữ lương thực, thực phẩm...
 
Trận lũ lịch sử tháng 10-2020 khiến huyện Lệ Thủy thiệt hại rất nặng nề. Toàn huyện có 2 người chết, 31 người bị thương, trên 25.000 nhà dân bị ngập nước, hư hỏng…. Tổng giá trị thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng. Năm 2021, huyện Lệ Thủy đã lên phương án và chủ động triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống thiên tai.
 
Trước mắt, địa phương đã tập trung gia cố, xây dựng lại các công trình thủy lợi. Đến nay, một số công trình trọng điểm được xây dựng từ năm 2020 đã hoàn thành, như: Đập Vũng Mồ, Thanh Sơn (xã Thái Thủy), đập Làng (xã Mỹ Thủy)… Bên cạnh đó, năm 2021, huyện cũng đã vận dụng các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh để tu sửa 25 công trình thủy lợi với kinh phí trên 47 tỷ đồng.
 
Đối với sản xuất nông nghiệp, UBND huyện đã chỉ đạo bà con hoàn thành việc thu hoạch cá, tôm tại các hồ nuôi và lúa tái sinh, hè-thu. Đến nay, người dân Lệ Thủy đã thu hoạch gần xong 2.000ha diện tích nuôi thủy sản; gần 10.000ha lúa tái sinh và hè-thu cơ bản được gặt, phơi, bảo quản cẩn thận.
 
Riêng các hộ nuôi cá lồng bè được chỉ đạo, hướng dẫn cách neo đậu những nơi an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão lụt gây ra. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng chỉ đạo các địa phương chuẩn bị cây, con giống để hỗ trợ người dân sản xuất sau lũ.
 
Đối với những nơi xung yếu có thể bị ảnh hưởng nặng do bão lụt, huyện cũng đã tính đến phương án sơ tán dân. Nếu bão xảy ra cấp cao nhất, huyện sẽ di dời 17.240 hộ, 57.718 khẩu; lũ vượt đỉnh lịch sử năm 2020 sẽ cho di dời trên 12.000 hộ với 41.800 khẩu. Huyện cũng đã lên các phương án di dời dân vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sự cố hồ đập vỡ.
 
Trường hợp bão lụt và dịch bệnh Covid-19 xảy ra cùng một lúc, huyện Lệ Thủy cũng đã có phương án di chuyển bệnh nhân đến nơi điều trị, dời các khu cách ly đến nơi an toàn; đồng thời, tuyên truyền cho người dân chằng chống nhà cửa, cất giữ tài sản cẩn thận và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh…
 
Trận lũ lịch sử năm 2020 gây cho xã An Thủy thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng. Trong đó, hàng chục nhà dân bị sập và hư hỏng, khoảng 300 tấn thóc bị lũ nhấn chìm, 20.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Bà con khó khăn huyện Lệ Thủy đang rất cần sự hỗ trợ để làm những ngôi nhà vượt lũ.
Bà con khó khăn huyện Lệ Thủy đang rất cần sự hỗ trợ để làm những ngôi nhà vượt lũ.
Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã An Thủy cho biết: “Trong mùa mưa bão này, xã sẽ tập trung truyên truyền để cán bộ và nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác với diễn biến bất thường của thời tiết; chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó khi mưa lũ xảy ra. Trong đó, xã tập trung sơ tán người dân những vùng trũng, thấp, không có nhà kiên cố đến nơi an toàn trước khi lũ lên”.
 
Ông Phạm Viết Cảnh, đội 3, thôn Lộc Thượng, xã An Thủy chia sẻ: “Rút kinh nghiệm từ trận lũ năm trước, năm nay, tôi sẽ không tích trữ lúa, gạo nhiều nữa. Trong nhà sẽ làm thêm các gác xép và sắm một con thuyền để đi lại trong lũ. Khi trời mưa to, tôi sẽ chủ động di chuyển xe máy và các đồ dùng đến những nơi cao ráo, chỉ để lại lương thực, thực phẩm đủ dùng trong khoảng 1 tuần”.
 
Với phương châm “4 tại chỗ”, huyện sẽ huy động lực lượng Công an, Quân sự sử dụng xuồng máy sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu dân, vận chuyển hàng cứu trợ, phục vụ chở cán bộ thực hiện công tác chỉ đạo trong mưa lũ.
 
Đến nay, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân trong huyện đã chuẩn bị sẵn sàng ca nô, thuyền máy, đò ngang để đi lại, cứu người và tài sản. Trường hợp khẩn cấp, huyện sẽ huy động thêm thuyền đi biển của người dân các xã Ngư Thủy Bắc và Ngư Thủy.
 
Hiện đa số bà con trong huyện đã kê cao đồ dùng trong nhà, cất giữ những tài sản quan trọng tại những vị trí cao ráo; chuẩn bị đèn pin, áo phao, máy phát điện, thuốc men, lương thực, thực phẩm khi bão lụt xảy ra.
 
Ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: "Để đối phó với bão lụt và các loại hình thiên tai, huyện sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện để đưa dân đến những nơi an toàn; giữ thông tin, liên lạc, chia sẻ thông tin phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân, cán bộ hiểu rõ các văn bản pháp luật về công tác phòng, chống thiên tai. Khi thiên tai đi qua, huyện Lệ Thủy tập trung làm tốt công tác khắc phục hậu quả, tiếp nhận cứu trợ, giúp đỡ nhân dân sớm ổn định cuộc sống; tổ chức khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác ứng phó với mưa lũ; nghiêm túc phê bình các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân chủ quan, thiếu trách nhiệm làm thiệt hại đến tính mạng và tài sản của nhân dân”...
 
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Nguyễn Hữu Hán, về lâu dài, những hộ dân khó khăn trên địa bàn cần được hỗ trợ xây dựng nhà vượt lũ, nhà phao. Bởi qua thực tế, hệ thống nhà vượt lũ được xây dựng trước đó đã phát huy rất tốt hiệu quả. Mặt khác, huyện mong muốn các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm quan tâm xây dựng thêm các nhà vượt lũ cộng đồng tại những nơi thấp trũng; đồng thời, hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, người dân thêm nghiệp vụ lái thuyền và ca nô cứu hộ, cứu nạn trong điều kiện lũ lụt…
Xuân Vương
 
 

tin liên quan

Khách hàng mắc Covid-19 có được mua bảo hiểm không?
Khách hàng mắc Covid-19 có được mua bảo hiểm không?
Đứng trước những rủi ro khó lường của đại dịch Covid-19, nhiều người tỏ ra băn khoăn liệu quyền lợi bảo hiểm của mình có được đảm bảo, hay có được mua bảo hiểm khi đã dương tính với virus Corona? 
Hỗ trợ 1.000 túi thuốc cho bệnh nhân Covid-19
Hỗ trợ 1.000 túi thuốc cho bệnh nhân Covid-19

(QBĐT) - Chiều 23-9, Hội Đông y tỉnh đã trao tặng 1.000 túi thuốc Ngân kiều tán cho cơ sở điều trị Covid-19 Trường cao đẳng Luật miền Trung.

 
Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão
Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động ứng phó, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu.