Các sở, ban, ngành trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri

  • 02:09, 01/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
 
(QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII, các sở, ban, ngành đã trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh. Báo Quảng Bình lược ghi một số nội dung trả lời về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa-xã hội mà cử tri quan tâm.
Sở Y tế đang nỗ lực phấn đấu đến hết quý I năm 2022 có trên 70% dân số Quảng Bình được tiêm vắc xin phòng Covid-19, tạo miễn dịch cộng đồng.
Sở Y tế đang nỗ lực phấn đấu đến hết quý I năm 2022 có trên 70% dân số Quảng Bình được tiêm vắc xin phòng Covid-19, tạo miễn dịch cộng đồng.
Cử tri huyện Lệ Thủy có ý kiến: “Tỉnh kịp thời quan tâm tiêm chủng vắc xin phòng dịch bệnh Covid-19 cho mọi người dân, đồng thời tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh quyết liệt hơn nữa vì hiện nay, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng một số nơi vẫn còn biểu hiện chủ quan”.
 
Sở Y tế trả lời: Hiện nay, việc tiêm vắc xin đang phụ thuộc vào lượng vắc xin phòng Covid-19 do Bộ Y tế phân bổ cho các tỉnh, số lượng còn chưa đáp ứng nhu cầu và phụ thuộc nhiều vào nguồn vắc xin từ nước ngoài, chưa chủ động được từ nguồn sản xuất trong nước.
 
Ngày 23-7-2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1363/KH-UBND triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 tỉnh Quảng Bình năm 2021-2022, với mục tiêu cho trong năm 2021, tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng Covid-19 và đến hết quý I năm 2022 có trên 70% dân số được tiêm phòng.
 
Sở Y tế - cơ quan thường trực trong phòng chống dịch đã và đang tích cực tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh các biện pháp tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, cần có sự quan tâm phối hợp hỗ trợ, chia sẻ và đồng thuận của nhân dân nhằm thực hiện mục tiêu đề ra: tạo miễn dịch cộng đồng.
 
Đặc biệt, trước tình hình diễn biến dịch Covid-19 hết sức phức tạp như hiện nay, Sở Y tế tiếp tục tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn để công tác phòng chống dịch hiệu quả hơn. Tuy nhiên, ngành y tế rất mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo hơn nữa của các cấp chính quyền, sự chung tay của các tổ chức đoàn thể, các nhà hảo tâm tiếp tục đồng hành hỗ trợ và chia sẻ khó khăn với ngành y tế. Mặt khác, người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ và trách nhiệm cộng đồng trong phòng chống dịch. 
 
Cử tri các xã Liên Trạch, Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch) phản ánh: “Hiện nay, nhiều trạm y tế xã trên địa bàn huyện xuống cấp nghiêm trọng, vấn đề này cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết. Đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để phục cho nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân”.
 
Sở Y tế trả lời: Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch, trực thuộc Sở Y tế đang được giao quản lý, sử dụng 28 trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Theo báo cáo, hầu hết các trạm y tế được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2008-2010, là công trình cấp IV, niên hạn sử dụng 20 năm.
 
Tuy nhiên đến nay, 1 số trạm y tế đã hư hỏng, xuống cấp; 1 số trạm y tế chưa đảm bảo yêu cầu về diện tích xây dựng, số phòng làm việc theo Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã.  
Trạm Y tế xã Đức Trạch (Bố Trạch) được xây dựng mới khang trang từ nguồn vốn đầu tư công ngân sách tỉnh giai đoạn 2016-2020, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Đặc biệt, trong những ngày vừa qua khi Đức Trạch là “điểm nóng” dịch Covid-19, Trạm Y tế đã trở thành trung tâm chỉ huy chống dịch của xã, thu dung toàn bộ F0 để chuyển lên tuyến trên.
Trạm Y tế xã Đức Trạch (Bố Trạch) được xây dựng mới khang trang từ nguồn vốn đầu tư công ngân sách tỉnh giai đoạn 2016-2020, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. 
Trước tình hình đó, từ năm 2017 đến nay, Sở Y tế, Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch đã triển khai đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp trạm y tế trên bàn huyện. Cụ thể, từ nguồn kinh phí chi thường xuyên đã duy tu, sửa chữa các trạm: Tây Trạch, Hạ Trạch, Nhân Trạch; nguồn vốn đầu tư công ngân sách tỉnh giai đoạn 2016-2020 đã xây dựng  mới các trạm: Đức Trạch, Trung Trạch, Đồng Trạch; nguồn vốn EU viện trợ đã xây dựng mới trạm: Tân Trạch, Thượng Trạch; nguồn vốn ODA đã cải tạo, nâng cấp trạm: Phúc Trạch, Lâm Trạch và Cự Nẫm.
 
Sở cũng đang đề xuất đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp trạm y tế từ nguồn vốn đầu tư công ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025: Vạn Trạch, Liên Trạch, Bắc Trạch, Xuân Trạch, thị trấn Phong Nha. 
 
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 1129/QĐ-UBND ngày 14-4-2020 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế phối hợp hoạt động và mối quan hệ công tác giữa Sở Y tế và UBND cấp huyện trong quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế rất mong được UBND huyện Bố Trạch và UBND các xã, thị trấn hỗ trợ thêm ngân sách; đề nghị các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các trạm y tế trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.
 
Ý kiến của cử tri xã Dương Thủy (huyện Lệ Thủy): “Đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng kết hợp nhà tránh lũ cho nhân dân thôn Bình Minh, xã Dương Thủy vì đây là vùng thường xuyên bị ngập nặng của huyện Lệ Thủy”.
 
Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) trả lời: Việc xây dựng nhà văn hóa-khu thể thao (NVH-KTT) thôn, bản, tổ dân phố kết hợp nhà tránh lũ là việc làm rất thiết thực, phù hợp với các địa phương ở vùng thấp trũng, vào mùa mưa dễ bị ngập lụt cần được nghiên cứu và sớm triển khai. Tuy nhiên, cần phải tuân thủ các tiêu chí về diện tích, công năng các hạng mục theo quy định của Bộ VH-TT và Du lịch; hướng dẫn của Sở VH-TT đã ban hành.
 
Nguồn kinh phí xây dựng, nâng cấp NVH-KTT thôn, bản, tổ dân phố chủ yếu được huy động từ nguồn xã hội hóa, do nhân dân tại các địa phương đóng góp. Bên cạnh đó, giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2010, nguồn ngân sách các cấp (tỉnh, huyện, xã) có hỗ trợ 1 phần kinh phí để xây dụng NVH-KTT thôn, bản, tổ dân phố theo Đề án “Xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá đồng bộ và phát triển đời sống văn hoá cơ sở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2006-2010” ban hành theo Quyết định số 23/2005/QĐ-UB của UBND tỉnh; mặt khác, từ năm 2015 trở về trước, nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa cũng có hỗ trợ 1 phần kinh phí để xây dựng và mua sắm trang thiết bị hoạt động văn hóa cho một số NVH-KTT thôn, bản. 
 
Đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 38 thôn, bản, tổ dân phố chưa xây dựng NVH-KTT. Bên cạnh đó, một số NVH-KTT thôn, bản, tổ dân phố tuy đã được xây dựng, nhưng đã xuống cấp hoặc quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức các hoạt động VH-TT phục vụ nhân dân địa phương.  
Việc xây dựng Nhà văn hóa-Khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố kết hợp nhà tránh lũ là việc làm rất thiết thực, phù hợp với các địa phương ở vùng thấp trũng, mùa mưa dễ bị ngập lụt đang được Quảng Bình nghiên cứu và triển khai (trong ảnh: Nhà sinh hoạt cộng đồng Tân Ninh (Quảng Ninh) được đầu tư từ nguồn xã hội hóa).
Việc xây dựng nhà văn hóa-khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố kết hợp nhà tránh lũ là việc làm rất thiết thực, phù hợp với các địa phương ở vùng thấp trũng, mùa mưa dễ bị ngập lụt đang được Quảng Bình nghiên cứu và triển khai (trong ảnh: Nhà sinh hoạt cộng đồng Tân Ninh (Quảng Ninh) được đầu tư từ nguồn xã hội hóa).
Nguyên nhân, do điều kiện kinh tế của tỉnh và đời sống nhân dân hiện nay còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư còn hạn chế Sở VH-TT đang triển khai khảo sát thực trạng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở (trong đó có hệ thống NVH-KTT thôn, bản, tổ dân phố) để tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về quy định chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống thiết chế VH-TT trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025.
 
Để xây dựng NVH-KTT thôn kết hợp nhà tránh lũ như ý kiến cử tri xã Dương Thủy nêu, trước mắt đề nghị chính quyền địa phương tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện, nhằm phục vụ tốt hơn đời sống văn hóa của nhân dân địa phương.
 
Cử tri xã Sơn Hóa (huyện Tuyên Hóa) đề nghị: “Tỉnh quan tâm, đề xuất cơ quan BHXH xem xét gia hạn thẻ BHYT và các chế độ chính sách khác đối với các xã đặc biệt khó khăn đến hết năm 2021”. 
 
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh trả lời: Tại Khoản 13 Điều 4 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17-10-2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT quy định: người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn (khu vực III) theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ 100% mức đóng BHYT, thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày được xác định tại quyết định phê duyệt danh sách của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
 
Hàng tháng, căn cứ danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho người đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn do UBND cấp xã lập, cơ quan BHXH gia hạn, cấp thẻ BHYT kịp thời cho đối tượng theo đúng quy định.
 
Tuy nhiên, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 thì trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chỉ được công nhận 11 xã thuộc khu vực III, giảm 29 xã so với giai đoạn 2016-2020 (trong đó có xã Sơn Hóa) và theo quy định thì trong giai đoạn 2021-2026 người dân sinh sống trong 29 xã này sẽ không tiếp tục được NSNN đóng 100% kinh phí tham gia BHYT theo diện người đang sinh sống tại vùng có điều KT-XH đặc biệt khó khăn như giai đoạn 2016-2020.
 
Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho người dân tại 29 xã không tiếp tục được công nhận thuộc khu vực III, tại cuộc họp do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức vào ngày 7-7-2021, với thành phần tham gia gồm có BHXH tỉnh, Sở Tài chính, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và các sở, ban, ngành liên quan đã thống nhất đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét bố trí NSNN để tiếp tục hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho người dân sinh sống tại 29 xã này đến hết năm 2021.
 
Về phía BHXH Việt Nam đã có Công văn số 2236/BHXH-CST ngày 27-7-2021 về việc mua thẻ BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số gửi Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có chính sách để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các xã không được tiếp tục công nhận là khu vực III, khu vực II trong giai đoạn 2021-2026.
 
Sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, BHXH tỉnh sẽ thực hiện công tác cấp, gia hạn thẻ BHYT theo đúng quy định. 
 
Nội Hà (lược ghi)

tin liên quan

Đồng hành với người nghèo vùng thiên tai
Đồng hành với người nghèo vùng thiên tai

(QBĐT) - Từ sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã có hàng trăm người dân nghèo ở vùng thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Những ngôi nhà mới không chỉ mang lại niềm vui an cư, mà còn tạo thêm động lực giúp họ vượt qua khó khăn, tích cực lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống.

Chống dịch bằng… mạng xã hội
Chống dịch bằng… mạng xã hội

 (QBĐT) - Thời gian qua, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hệ thống phát thanh của các xã phường đã phát huy hiệu quả tích cực. Tại phường Hải Thành, ngoài hệ thống loa truyền thanh, tài khoản Facebook (FB) mang tên "Loa phường Hải Thành" đã cập nhật kịp thời thông tin đến bà con, đặc biệt là các nội dung về dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

Trao 250 suất quà cho bà con Ngư Thủy Bắc
Trao 250 suất quà cho bà con Ngư Thủy Bắc

(QBĐT) - Chiều 30-8, nhóm thiện nguyện Lệ Thủy phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Lệ Thủy đã trao 250 suất quà cho bà con trong vùng phong tỏa do dịch bệnh Covid-19 ở xã Ngư Thủy Bắc.