Các địa phương khẩn trương triển khai công tác ứng phó với bão số 5
06:09, 09/09/2021
(QBĐT) - Trong ngày 9-9, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương triển khai công tác ứng phó với mưa bão, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
* Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Minh Hóa đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão, tình hình mưa lũ; thông tin cảnh báo kịp thời đến người dân; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ khi có yêu cầu; đồng thời, triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập và các công trình đang thi công, đặc biệt là ở các khu cách ly tập trung, bệnh viện.
Người dân Minh Hóa chủ động thu hoạch lúa hè thu “chạy lũ, chạy dịch”.
Các xã, thị trấn khẩn trương tuyên truyền, vận động nhân dân chằng chống nhà cửa, khẩn trương thu hoạch các loại cây trồng, đặc biệt là lúa vụ hè-thu với phương châm “non nhà hơn già đồng”.
Vụ hè thu năm nay, toàn huyện Minh Hóa gieo cấy được 625 ha lúa. Những ngày qua, bà con nông dân trên toàn huyện đã đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa hè thu vừa bảo đảm các biện pháp về phòng, chống dịch. UBND huyện đã ban hành văn bản đốc thúc tiến độ thu hoạch lúa hè thu, cũng như một số yêu cầu bắt buộc để bảo đảm phòng, chống dịch, với phương châm gặt đan xen, theo giờ, theo vùng.
Đồng thời, huy động tối đa máy gặt liên hoàn để gặt lúa cho nhân dân không kể ngày đêm. Đến thời điểm này, toàn huyện Minh Hóa đã thu hoạch được hơn 70% tổng diện tích, đặc biệt những vùng thấp trũng, bà con nông dân đã thu hoạch xong diện lúa.
Cùng với đó, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Minh Hóa đã chỉ đạo các địa phương khuyến cáo người dân dự trữ lương thực, thực phẩm bảo đảm cho những ngày mưa bão và lũ lụt có thể kéo dài. Các địa phương thường xuyên bị ngập úng, chia cắt, lũ quét, sạt lở đất như: Tân Hóa, Minh Hóa, Thượng Hóa, Trọng Hóa, Dân Hóa… phải sẵn sàng các phương án di dời dân, đưa đàn gia súc đến nơi an toàn; cấm người dân đánh bắt cá, tôm ở khe suối và qua lại những nơi nguy hiểm.
Các xã phát huy phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm thiểu thiệt hại nếu bão đổ bộ hoặc mưa lớn kéo dài gây lũ lụt; túc trực 24/24 giờ để cập nhật, báo cáo tình hình mưa bão trên địa bàn; phân công trách nhiệm cho các thành viên về địa bàn để chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão, theo dõi tình hình và báo cáo kịp thời về Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện.
Theo ghi nhận của phóng viên, đến chiều 9-9, trên địa bàn huyện Minh Hóa đã bắt đầu có mưa vừa đến mưa to, nước ở các khe suối bắt đầu dâng cao. Người dân Minh Hóa cũng chủ động cắt tỉa các cây cối, chằng chống nhà cửa để phòng chống cơn bão số 5.
Phan Phương
* Nhằm chủ động ứng phó với cơn bão Conson đang tiến vào biển Đông, huyện Quảng Trạch đang tập trung chỉ đạo các ban, ngành, địa phương, cấp bách triển khai các phương án phòng chống lụt bão, vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Bộ đội biên phòng Ròon kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú bão
Tại cửa lạch sông Ròon và âu thuyền Quảng Phú, vào sáng ngày 9-9, hầu như các tàu cá của ngư dân đã vào neo đậu và được gia cố an toàn. Sau khi nhận được thông báo của Đồn Biên phòng Ròon dự báo về hướng đi của cơn bão Conson, anh Nguyễn Ngọc Linh ở thôn Đông Cảng, xã Cảnh Dương, chủ tàu cá đánh bắt xã bờ QB93998 TS-740CV, cùng với các thuyền viên trên tàu đã khẩn trương rời ngư trường đánh bắt để vào bờ neo đậu an toàn.
Ngư dân Nguyễn Ngọc Linh cho biết: "Mỗi khi có thông báo lụt bão của cơ quan chức năng, tôi luôn chủ động chạy tàu lên âu thuyền Quảng Phú neo đậu và gia cố dây thừng để bảo đảm khi có gió bão tàu khỏi bị va đập hư hỏng, gây thiệt hại tài sản của gia đình".
Toàn xã Cảnh Dương có khoảng 600 tàu thuyền chuyên tham gia khai thác thủy hải sản trên biển. Trước diễn biến phức tạp của bão Conson, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân, nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động các phương án đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền, các trang thiết bị, ngư lưới cụ trong mùa mưa bão.
Nhờ sự tuyên truyền, vận động của lực lượng chức năng, số lượng lớn tàu thuyền đã vào tránh trú bão an toàn
“Hiện tại, xã Cảnh Dương đã kêu gọi được khoảng 530 tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn, hiện còn khoảng 70 tàu đang trên đường vào lạch Ròon để tránh trú bão. Đặc biệt, để bảo đảm công tác phòng dịch bệnh Covid-19, trong quá trình thực hiện phòng chống thiên tai, chúng tôi tuyên truyền, nhắc nhở bà con phải đeo khẩu trang, bảo đảm khoảng cách trong phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định", ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch cho biết.
Quảng Trạch là địa phương có số lượng tàu thuyền và ngư dân đánh bắt xa bờ tương đối lớn. Nhiều tàu thuyền sau khi đánh bắt về thường trao đổi mua bán ở các tỉnh, thành như Quảng Ngãi, Đà Nẵng... Điều này tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Chính vì vậy, bên cạnh việc triển khai phòng chống lụt bão, lực lượng chức năng cũng đã triển khai các biện pháp phòng dịch Covid-19.
Trung tá Mai Xuân Trường, Chính trị viên, Đồn Biên phòng Ròon cho biết: "Chúng tôi đã liên lạc và kêu gọi tất cả các ngư dân có tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm vào bờ tránh trú an toàn. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, đối với các tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào bờ, cùng với kiểm soát phương tiện nhập bến, chúng tôi đã hướng dẫn bà con khai báo y tế, đối với các tàu đã từng cập cảng ở các vùng dịch đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, như: âu thuyền Thọ Quang ở Đà Nẵng, cảng cá Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi, chúng tôi sẽ cho bà con đến khai báo y tế và tiến hành cách ly theo quy định".
Đơn vị thi công đang gia cố tuyến kè biển tại xã Cảnh Dương.
Ông Trần Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng
Thông qua hệ thống thông tin liên lạc của Đồn biên phòng Ròon, tính đến sáng ngày 9-9-2021, đã có trên 1.530 tàu thuyền, với khoảng 4.581 thuyền viên, thuộc Đồn biên phòng Ròon quản lý đã được thông báo di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Trong đó, đã có trên 1.393 phương tiện, với khoảng 3.845 thuyền viên đã vào bờ neo đậu an toàn.
Trạch cho biết, dự báo, bão Côn Sơn khi vào Biển Đông sẽ có tốc độ di chuyển rất nhanh và cường độ rất mạnh. Để chủ động phòng chống với cơn bão này, huyện đã triển khai các phương án phòng chống bão theo phương châm "4 tại chỗ".
Đồng thời, chỉ đạo các ban ngành, đơn vị, địa phương thông báo cho các chủ tàu thuyền đang hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, hoặc di chuyển vào nơi tránh trú an toàn; khuyến cáo người dân chằng chống nhà cửa, tuyệt đối không đi lại ở các hồ đập, sông suối, các tuyến đường có nguy cơ sạt lở, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản.
Cùng với đó, Quảng Trạch cũng đang triển khai các phương án, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, các công trình đang xây dựng chưa hoàn thành. Đối với vùng thấp trũng, huyện vận động bà con, khi có diễn biến phức tạp thì bà con phải khẩn trương sơ tán đến các nhà kiên cố, để tránh trú bão an toàn.
Đ.Nguyệt - Thế Lực
* Để chủ động ứng phó với bão số 5 và khả năng ngập lụt do mưa lớn kéo dài, TX. Ba Đồn cũng đã khẩn trương triển khai các phương án nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản do bão, lũ gây ra.
Người dân địa phương khẩn trương thu hoạch tôm để "tránh lũ"
Chiều 9-9, ông Nguyễn Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn cho biết, UBND thị xã đã chỉ đạo các địa phương, phòng ban, đơn vị trên địa bàn triển khai các phương án để chủ động ứng phó với bão số 5 và ảnh hưởng do mưa lớn gây ngập lụt trên địa bàn, nhất là các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp, bảo đảm an toàn về người, tài sản và phương tiện.
Thị xã cũng đã thiết lập, công khai số điện thoại để tiếp nhận thông tin, kịp thời triển khai các phương án ứng phó với mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất; hướng dẫn nhân dân thực hiện các phương án ứng phó, dự trữ lương thực, thực phẩm và các loại vật tư cần thiết khác để thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ"...; đồng thời thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn và có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Một số diện tích rau màu ở phường Quảng Long, TX. Ba Đồn bị ngập úng cục bộ do mưa lớn những ngày qua
Đối với các địa phương có hồ chứa gồm các xã, phường: Quảng Long, Quảng Minh, Quảng Sơn, Quảng Tiên khẩn trương triển khai phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó tình huống khẩn cấp. Các đơn vị, phòng ban chức năng chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để phòng, chống mưa lũ và hỗ trợ các địa phương khi cần thiết để ứng cứu và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Trước đó, phần lớn diện tích lúa vụ hè-thu và các khu vực nuôi trồng thủy sản trên sông với số lượng lớn trên địa bàn TX. Ba Đồn đã được thu hoạch xong để "tránh lũ".
X.Phú
* Chiều 9-9, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 5 (bão Conson), mặc dù toàn huyện đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng huyện Bố Trạch đã chú trọng triển khai công tác phòng, chống mưa bão trên toàn địa bàn huyện.
Các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp địa phương hỗ trợ ngư dân đưa toàn bộ tàu thuyền, thuyền nhỏ, bơ nan vào bờ neo cố định.
Tại các xã biển, như: Đức Trạch, Thanh Trạch, Nhân Trạch, Hải Phú… các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với địa phương hỗ trợ ngư dân đưa toàn bộ tàu thuyền vào neo đậu tại âu thuyền và khu neo đậu tránh trú bão cửa Gianh; đưa các thuyền nhỏ, bơ nan vào bờ neo cố định; sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn cho phương tiện và người trên các tàu thuyền vận tải, tàu đánh cá vãng lai.
Bố Trạch huy động lực lượng giúp bà con thu hoạch diện tích lúa bị ngập nước.
Bố Trạch cũng đã rà soát các địa điểm, khu vực sơ tán dân ở khu vực thấp, trũng, ven biển, cửa sông, nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất; chủ động cắt tỉa cành cây, giằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng, tiêu độc khử trùng các khu vực, địa điểm sơ tán đảm bảo an toàn cho nhân dân khi bão, lũ xảy ra cũng như dịch bệnh Covid-19.
Huyện huy động các lực lượng đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cây trồng, thủy sản nuôi trồng vụ hè-thu, đặc biệt giúp người dân vùng đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg thu hoạch bảo đảm an toàn cho sản xuất cũng như phòng chống dịch Covid-19.
Đối với các địa bàn sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng bị sạt lở đến nơi an toàn, huyện yêu cầu các địa phương cần có phương án khẩn trương, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Trong đó, thị trấn Phong Nha sơ tán 36 hộ dân, xã Hưng Trạch sơ tán các hộ dân ở thôn Thanh Bình 3, Khương Hà 3 và Thanh Hưng 1 có nhà ở sát chân đồi cao, dốc…
Huyện Bố Trạch cũng phân công các thành viên trực 24/24 theo dõi chặt chẽ bản tin, cảnh báo diễn biến của bão Conson để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”. Ban chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện, Đồn Biên phòng Lý Hòa, Hải đội 2 rà soát phương án, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
(QBĐT) - Những ngày qua, tại bãi biển Nhật Lệ thuộc địa phận phường Hải Thành và bãi biển Quang Phú thuộc địa phận xã Quang Phú xuất hiện lượng dầu thải có dạng mảng, nhiều chỗ vón thành cục, có mùi hôi bị sóng đánh dạt vào bãi cát dọc bờ biển.
(QBĐT) - Nhằm kịp thời vận chuyển hàng hóa hỗ trợ các khu cách ly, người dân trong vùng dịch bệnh (vùng đỏ) gặp khó khăn, thiếu thốn về lương thực, thực phẩm, thuốc men vì điều kiện phong tỏa nghiêm ngặt, nhóm tình nguyện viên ở huyện Bố Trạch đã kết nối thành lập "Đội phản ứng nhanh".