Gỡ vướng để người dân sớm thụ hưởng chính sách

  • 08:08, 26/08/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau 1 tháng triển khai Nghị quyết số 68 (NQ 68) của Chính phủ và Quyết định số 23 (QĐ 23) của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, các huyện, thị xã, thành phố đã khẩn trương chi trả hỗ trợ cho NLĐ và NSDLĐ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các địa phương đã nhận diện một số khó khăn, vướng mắc cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời để chính sách hỗ trợ đến tay người dân nhanh chóng, thuận lợi nhất.
 
Cơ sở cắt tóc, gội đầu và làm móng ở đường Hoàng Bình Trọng, phường Đồng Hải (TP. Đồng Hới) của chị Nguyễn Thị Diệu Minh phải đóng cửa từ ngày 22-7-2021 khi TP. Đồng Hới thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15. Gần 14 ngày ở nhà trọ tại phường Đồng Hải, không có thu nhập, chị Minh đã làm thủ tục để được nhận hỗ trợ lao động tự do (LĐTD). Cán bộ phường đã hướng dẫn chị làm hồ sơ và được UBND phường Đồng Hải xác nhận cơ sở hoạt động trên địa bàn đủ điều kiện để hưởng chính sách.
Người lao động đến nộp hồ sơ tại UBND các xã, phường nơi đề nghị hưởng trợ cấp.
Người lao động đến nộp hồ sơ tại UBND các xã, phường nơi đề nghị hưởng trợ cấp.
Tuy nhiên, do LĐTD như chị Minh không đăng ký tạm trú ở phường Đồng Hải nên muốn được nhận hỗ trợ phải nộp hồ sơ hưởng hỗ trợ tại nơi thường trú là UBND xã Hồng Thủy (Lệ Thủy). Trong khi đó, hiện huyện Lệ Thủy đang khẩn trương thực hiện cho đối tượng bị ảnh hưởng từ ngày 1-5 đến 31-7-2021 nhằm hoàn thành việc hỗ trợ trước ngày 25-8-2021 nên hồ sơ của chị Minh phải chờ đợt sau mới được thu nhận và giải quyết...
 
“Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn tỉnh đang thực hiện Chỉ thị số 19, tôi lại đang mang thai nên việc đi lại để nộp hồ sơ lần này đến lần khác khá vất vả. Nên chăng, các địa phương tạo điều kiện thuận lợi và linh động cho người dân… ”, chị Minh chia sẻ.
 
Theo phản ánh của một số người bán vé xổ số, có địa phương không tiếp nhận đơn đề nghị hỗ trợ với lý do tại địa bàn sở tại không thực hiện giãn cách xã hội. Ông Hoàng Minh Tuấn, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết (XSKT) Quảng Bình cho rằng, những người bán vé số cũng thuộc diện được nhận hỗ trợ do phải ngừng việc dài ngày để phòng, chống dịch Covid-19.
 
Bởi vì, thực hiện mô hình thị trường chung XSKT khu vực miền Trung (gồm 14 tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và Đắk Nông) thì vé xổ số của các tỉnh, thành phố trong khu vực được người bán lẻ vé số nhận tiêu thụ hàng ngày trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
 
Từ tháng 7-2021, do dịch Covid-19 bùng phát mạnh nên các công ty XSKT khu vực miền Trung phải tạm dừng hoạt động bán vé trên toàn thị trường, bao gồm cả tỉnh Quảng Bình (từ ngày 26-7 đến 8-8-2021). Do vậy, người bán lẻ vé số tại một số địa phương trong tỉnh, tuy không thuộc khu vực bị giãn cách nhưng cũng phải nghỉ việc liên tục tối thiểu là 14 ngày do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19…
 
Thực tế cho thấy, trường hợp của chị Minh hay những người bán vé xổ số là một trong những vướng mắc mà rất nhiều LĐTD gặp phải khi làm đơn xin nhận hỗ trợ khó khăn do đại dịch Covid-19 theo quyết định của UBND tỉnh.
 
Theo ông Nguyễn Ngọc Phương, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện Bố Trạch, trong quá trình triển khai, các nhóm đối tượng khác ít vướng mắc về thủ tục, nhưng nhóm LĐTD thì gặp nhiều khó khăn trong xác định đối tượng, xác nhận cư trú và xác nhận không lĩnh trợ cấp tại nơi thường trú để tránh trường hợp trục lợi chính sách.
 
Ngoài ra, thời gian thực hiện thủ tục, từ lúc NLĐ gửi đơn đề nghị đến khi chi trả các đối tượng được hỗ trợ theo danh sách phê duyệt của UBND huyện trong 7 ngày là quá áp lực với các địa phương. Vì vậy, các địa phương cần thêm thời gian nhằm bảo đảm quy chế dân chủ ở cơ sở cũng như chi trả đúng đối tượng, đủ điều kiện để tiếp nhận hỗ trợ.
 
“Một số nội dung trong NQ 68 và tình hình thực tế tại địa phương khó áp dụng, gây khó cho các phòng, ban và địa phương trong việc triển khai vì phải chờ hướng dẫn. Đơn cử, NQ 68 ban hành có nội dung hỗ trợ: “Hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến ngày 31-12-2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3.000.000 đồng/hộ”, nhưng tỉnh Quảng Bình chỉ thực hiện giãn cách xã hội 14 ngày ở một số huyện, thành phố…, ông Phương bày tỏ.
 
Ông Trương Hồng Song, Trưởng phòng LĐ-TB-XH TP. Đồng Hới cho biết, một số NLĐ và NSDLĐ hiểu về các chính sách chưa thật sâu, thật cặn kẽ, vì vậy, khi gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ tới các cơ quan, địa phương chưa đủ điều kiện để tiếp nhận gói hỗ trợ đã gây khó trở lại cho đội ngũ cán bộ tiếp nhận. Mặt khác, cán bộ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ ở các cấp địa phương chưa linh hoạt trong việc xử lý. Sự việc xảy ra tại phường Hải Thành, cán bộ thu phí các LĐTD không ký kết hợp đồng ở địa bàn ngoài phường đến ký xác nhận có địa điểm kinh doanh trên địa bàn là một trong những trường hợp đó.
 
Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt dẫn đến tiến độ triển khai còn chậm; nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ nên việc làm thủ tục hồ sơ khá khó khăn…
 
Trao đổi về những vấn đề này, bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, xác định chính sách áp dụng trên diện rộng với rất nhiều đối tượng nên quá trình triển khai gặp một số vướng mắc và sẽ vừa làm, vừa điều chỉnh. Sau khi nhận diện các khó khăn, vướng mắc, Sở LĐ-TB-XH đã yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xác định rõ đối nhóm đối tượng mà thông tin tuyên truyền hướng đến.
 
Từ đó, xây dựng hệ thống thông tin tuyên truyền dễ hiểu, giúp người dân và các cơ quan chức năng của địa phương chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về NQ 68 và QĐ 23. Song song, đơn vị tập hợp tất cả những vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế và báo cáo lên UBND tỉnh; đồng thời, đề xuất phương thức giải quyết để NLĐ, NSDLĐ, địa phương chủ động, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn.
 
Đối với các vướng mắc của đối tượng NLĐ không có giao kết hợp đồng (LĐTD), Sở LĐ-TB-XH đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn cụ thể cho NLĐ nghiên cứu nội dung, như: Đối tượng áp dụng, điều kiện, nguyên tắc hỗ trợ được nêu tại điểm 2, 3, 4, Điều 1, Quyết định số 2502/QĐ-UBND. Đối với NLĐ làm công việc bán lẻ vé xổ số lưu động (không bao gồm đại lý), để có cơ sở xác định đối tượng thì phải có xác nhận của Công ty TNHH MTV XSKT Quảng Bình. Hay NLĐ bị nghỉ việc, ngừng việc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày liên tục trở lên, trường hợp có ngày lẻ (chưa đủ 24 giờ), được làm tròn 1 ngày. Ví dụ, nếu 13 ngày 6 giờ được làm tròn thành 14 ngày…
Theo bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, để bảo đảm việc thực thi chính sách công khai, dân chủ, minh bạch, tạo sự đồng thuận, thống nhất và mang lại hiệu quả cao, cần tăng cường ý thức, trách nhiệm của cán bộ địa phương và nêu cao tinh thần tự giác của đối tượng thụ hưởng chính sách, gồm: NSDLĐ và NLĐ. Đồng thời, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, Ủy ban MTTQVN các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội và cộng đồng dân cư tích cực thực hiện công tác giám sát.
 
Thùy Lâm

tin liên quan

Lệ Thủy: Dân "kêu" vì thiếu nước sinh hoạt
Lệ Thủy: Dân "kêu" vì thiếu nước sinh hoạt

(QBĐT) - Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã An Thủy (Lệ Thủy) cho biết: "Từ ngày 10-8-2021, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt trên địa bàn xã yếu hẳn, nhiều thời điểm bị mất hoàn toàn không rõ nguyên nhân. Sau khi tiếp nhận phản ánh từ người dân, UBND xã đã liên hệ với Nhà máy nước Kiến Giang thuộc Công ty cổ phần (CP) cấp nước Quảng Bình đề nghị kiểm tra nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi".

Các địa phương khẩn trương triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19
Các địa phương khẩn trương triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19

(QBĐT) - Ngay sau khi phát hiện các ca mắc Covid-19 trên địa bàn, ngày 26-8, các địa phương Bố Trạch và Lệ Thủy đã nhanh chóng triển khai các phương án phòng, chống dịch. 

"Diễn biến nhanh, phản ứng phải nhanh hơn!"
"Diễn biến nhanh, phản ứng phải nhanh hơn!"

(QBĐT) - Đó là phương châm phòng chống dịch Covid-19 mà tỉnh Quảng Bình đang áp dụng triệt để. Trước những diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trong hai ngày 25 và 26-8-2021, Quảng Bình đã chủ động, khẩn trương, quyết liệt vào cuộc, không để bị động, bất ngờ!