(QBĐT) - Được chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là niềm vinh dự lớn trong sự nghiệp làm báo của tôi. Đó là dịp Đại tướng về thăm quê hương (từ ngày 18 đến 28-8-1999). Đã hơn 20 năm trôi qua, nhưng ký ức về lần được phân nhiệm vụ chụp ảnh Đại tướng khi đang là phóng viên Phòng Văn hóa-Xã hội, Báo Quảng Bình vẫn còn nguyên vẹn trong tôi.
Thời gian đó, phóng viên chúng tôi đang tác nghiệp bằng máy ảnh cơ dùng phim. Vì thế, nhận nhiệm vụ đặc biệt này, tôi vừa mừng vừa lo. Lo là làm sao để chuẩn bị tốt nhất cho việc tác nghiệp. Ngay trước chuyến công tác, tôi đã từng gặp sự cố về máy ảnh bị tuột phim mà tôi không phát hiện ra. Từ sự cố này, tôi cẩn thận nhờ chuyên gia về kỹ thuật nhiếp ảnh trực tiếp lắp phim và mua thêm mấy cuộn phim tốt nhất để dự phòng chuyến công tác đặc biệt ấy.
Tôi còn nhớ, các phóng viên tác nghiệp chuyến về thăm quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bố trí lịch trình rất cụ thể. Trong ngày đó, Đại tướng đi thăm các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch và Trường THPT Đào Duy Từ. Đã nhiều lần chụp ảnh nhưng chưa lần nào chúng tôi hồi hộp như thế. Ai cũng cố gắng chụp được thật nhiều bức ảnh về Đại tướng.
![]() |
Ngay điểm cầu Gianh còn cách vị trí chân cầu khá xa, chúng tôi đã thấy xe dẫn đường của Cảnh sát giao thông dừng lại. Chưa kịp hỏi xem đang có việc gì xảy ra thì đã thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trong xe bước ra. Đại tướng muốn bách bộ qua cầu Gianh. Một khung cảnh thật nhiều ý nghĩa. Cán bộ và nhân dân ai cũng muốn đến gần hơn và được chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng trên cầu Gianh.
Hình ảnh của Đại tướng thật đẹp đẽ, rất đỗi bình dị khi ông cúi xuống ôm hôn một cháu bé cầm bó hoa kính tặng. Chúng tôi bấm máy lia lịa. Chỉ riêng khung cảnh lịch sử này những người chụp ảnh chúng tôi đã chụp tới hai cuộn phim. Và cũng tại đây, một anh bạn đồng nghiệp hớt hãi nhờ tôi chụp ảnh giúp vì anh đã hết phim dự phòng. Tôi vui vẻ nhận lời. Vậy là tôi may mắn đảm nhiệm cả hai công việc vừa viết bài vừa chụp ảnh cho chuyến về thăm quê của Đại tướng.
Sau khi thăm hỏi tình hình Đảng bộ và nhân dân các huyện Quảng Trạch (nay là TX. Ba Đồn và huyện Quảng Trạch), Bố Trạch, thời gian dừng nghỉ lâu nhất của Đại tướng là bãi biển Đá Nhảy, huyện Bố Trạch. Tại đây, tôi rất vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp hướng dẫn cách chụp ảnh. Đó là thời khắc hạnh phúc của tôi. Đại tướng gọi tôi tới cạnh chiếc võng và cầm máy ảnh của tôi.
Đại tướng ân cần dạy bảo: "Ngày trước, mình cũng từng làm báo. Mình cũng từng chụp ảnh rồi đấy nhé. Các cậu làm báo địa phương phải cố gắng học hỏi nâng cao trình độ nghiệp vụ chụp ảnh, viết bài để phục vụ cách mạng và phục vụ nhân dân. Cái giỏi của người chụp ảnh là phải chọn được góc nhìn. Phải chụp ảnh bằng trí tuệ và trái tim chứ đừng chụp bằng tay nhé".
Nói rồi, Đại tướng gật đầu cười: "Giao máy ảnh “xịn” cho cậu đây. Cậu chụp ảnh mình đang ngồi võng ru cháu nhé". Tôi đang loay hoay chọn vị trí để chụp thì Đại tướng gọi lại: “Không được chụp ảnh người mà phía sau có cột, cây phi lao thế này. Cậu phải chọn góc này. Nếu như cậu đứng như cũ để chụp thế nào cũng có cột ở phía sau, tạo cho hình ảnh rườm rà không đáng có”.
Tiếp theo việc chụp ảnh bên chiếc võng, Đại tướng đã có cuộc dạo bên biển Đá Nhảy. Đó là thời khắc tôi được thực hành lời chỉ bảo cách chụp ảnh của Đại tướng vừa truyền dạy. Cảnh tượng thật đẹp. Đại tướng trong bộ áo quần sơ mi giản dị, thắt cà vạt, mái tóc bạc trắng bay trước gió. Cảnh biển, núi rừng và hình ảnh vị Đại tướng huyền thoại hiện lên trong ống kính đẹp như một bức tranh. Nhớ lời của Đại tướng vừa dạy tôi đã bấm máy. Bức ảnh thật sinh động. Đó là bức ảnh tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp tôi còn gìn giữ đến bây giờ.
Mỗi lần về thăm quê, Đại tướng đều quan tâm tới sự phát triển của Báo Quảng Bình. Cũng trong chuyến thăm này, Đại tướng đã hỏi thăm tình hình hoạt động của tờ báo. Làm việc với lãnh đạo Báo Quảng Bình (thời gian này cố nhà báo Tạ Đình Nam là Tổng Biên tập), Đại tướng cho biết, mặc dù ở xa quê nhà, nhưng hàng ngày, Đại tướng vẫn quan tâm đọc Báo Quảng Bình.
Đại tướng khen Báo Quảng Bình in ấn đẹp và có một số tin, bài hay. Đại tướng đã đọc bài “Lệ Sơn huyền thoại” đăng trên Báo Quảng Bình. Bài viết được nhưng đáng tiếc là tác giả viết về Lệ Sơn (Tuyên Hóa) lại không nhắc đến chi tiết đây là nơi sinh ra tướng Hoàng Sâm, một vị tướng tài ba.
Góp ý tiếp theo của Đại tướng là Báo Quảng Bình còn có một số bài dài khiến cho nhân dân ngại đọc. Báo cần có kế hoạch đổi mới hơn nữa trong cách trình bày; bài viết nên ngắn gọn, súc tích; đồng thời cần có nhiều bài nêu gương người tốt, việc tốt, điển hình làm kinh tế giỏi. Đại tướng còn kể cho chúng tôi nghe chuyện Bác Hồ làm báo…
Hơn 20 năm đã trôi qua, giờ đây tôi đã về hưu, nhưng mỗi khi hồi ức về chuyến công tác được chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi vẫn không khỏi bồi hồi. Bởi đó là niềm vinh dự lớn trong cuộc đời làm báo của tôi.
Phan Hòa