(QBĐT) - Sáng nay, 3-6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
![]() |
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT và lãnh đạo các chi cục trực thuộc sở.
Những tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, lan rộng, bùng phát tăng nhanh trên thế giới. Ở trong nước, dịch Covid-19 đã lây lan trong cộng đồng với diễn biến nhanh chóng, đã và đang tác động nhiều mặt đến đời sống kinh tế-xã hội. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề, nhất là đối tượng doanh nghiệp dịch vụ, doanh nghiệp vừa và nhỏ và quy mô kinh tế hộ. Đối với lĩnh vực xuất khẩu nông sản, một số doanh nghiệp đã chịu ảnh hưởng đến đơn hàng, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng về dịch vụ hậu cần thương mại…
Các nước trên thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp phòng dịch như phong tỏa các thành phố/đóng cửa biên giới và hạn chế thương mại đã gây ra tình trạng gián đoạn, tác động lớn đến chuỗi cung ứng sản xuất nông-lâm-thuỷ sản.
Đối với thị trường xuất khẩu, nông sản vướng các rào cản kỹ thuật ở ngay tại các thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu lớn như: Hoa Kỳ đang khởi xướng điều tra bán phá giá mật ong nhập khẩu từ Việt Nam; Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát hàng đông lạnh nhập khẩu do lo ngại rủi ro lây truyền dịch bệnh Covid-19 khiến cho các mặt hàng thủy sản, sữa xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn.
Tại hội nghị, đại diện các ngành, địa phương đã dành nhiều thời gian thảo luận nhằm đưa ra các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp và bà con nông dân.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các ngành, địa phương quan tâm hoạt động xúc tiến thương mại nông-lâm-thủy sản, phát triển thị trường nội địa, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ, kinh doanh thực phẩm hàng nông sản; chuẩn bị đa dạng các biện pháp phân phối hàng hóa, kích cầu tiêu dùng trong nước; thuận lợi hóa quá trình kiểm dịch động, thực vật, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm cho doanh nghiệp thương mại nông sản; hỗ trợ chính sách thuế, tín dụng cho khu vực sản xuất, chế biến, bảo quản và xuất khẩu nông sản; tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi thủ tục thông quan hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc.
Các ngành, địa phương cần tập trung xử lý vướng mắc kỹ thuật như: quy trình kiểm dịch động, thực vật, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc... đối với nông sản của thị trường xuất khẩu; giải quyết khó khăn cho việc tiêu thụ nông sản của doanh nghiệp khi các địa phương áp dụng các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch Covid-19...
Lan Chi