(QBĐT) - Chồng mất hơn 11 năm nay, bà Đinh Thị Thuyên (SN 1953) ở thôn Phú Hữu, xã Liên Trạch (Bố Trạch) một tay nuôi nấng con gái Đinh Thị Thúy Mùi (SN 1992) sức khỏe không được bình thường. Cách đây 5 năm, Mùi lấy chồng, có một con trai… cũng là lúc bệnh động kinh trở nặng, chồng ôm con bỏ đi. Từ đó, dưới nếp nhà nghèo khó, bà Thuyên cùng con gái nương tựa vào nhau qua ngày…
“Của cho không bằng cách cho”
Mẹ con bà Đinh Thị Thuyên cũng giống như hàng nghìn hộ gia đình có người khuyết tật khác trong tỉnh, điều kiện kinh tế rất khó khăn, nguồn lực lao động phải chia đôi, một phía lo kế sinh nhai, phía còn lại phải chăm sóc con cháu tật nguyền. “Cho dù muốn phát triển kinh tế, trồng trọt, chăn nuôi để thoát nghèo nhưng lực bất tòng tâm vì xuất phát điểm của gia đình quá thấp, thiếu vốn sản xuất. Thế nên nhiều năm trôi qua, gia cảnh hai mẹ con nghèo vẫn hoàn nghèo", bà Thuyên chia sẻ.
Ở thôn 6, xã Lâm Trạch (Bố Trạch), bà Trương Thị Tỉnh, 65 tuổi, hoàn cảnh cũng tương tự như bà Đinh Thị Thuyên. Chồng mất tròn 10 năm, một mình bà nuôi 3 con gồm 2 trai, 1 gái khôn lớn. Ngoài đứa con trai đầu đi làm thuê xa ít khi về thăm mẹ, 2 người con còn lại tâm tính “ương ương, dở dở”, trong đó con gái Nguyễn Thị Doàn (SN 1996) tật nguyền bẩm sinh. “Nhà được 3 sào đất trồng lạc, 4 sào lúa, một thân cố bám vào đó nuôi con, nhưng khó mà thoát nghèo vì không có vốn đầu tư mua giống mới, phân bón, thâm canh tăng năng suất.”, bà Trương Thị Tỉnh trần tình.
Ông Mai Xuân Thu, Chủ tịch Hội Bảo trợ NTT và TMC tỉnh trao 2 triệu đồng hỗ trợ sinh kế cho ông Nguyễn Trung, người khuyết tật ở thôn 1, xã Lâm Trạch.
Tại xã Lâm Trạch, còn nhiều hộ gia đình có người khuyết tật giống bà Tỉnh như ông Nguyễn Trung (SN 1977) bị thiểu năng trí tuệ; vợ chồng Nguyễn Văn Tiến (SN 1985), Trần Thị Bình (SN 1989) đều bị bệnh thần kinh… Nói thêm về trường hợp vợ chồng Tiến-Bình, dù bệnh tật nhưng lại “sòn sòn” đẻ liền 3 con trai, tất cả đều bình thường. Sinh con ra nhưng không thể chu toàn cho con, bà Nguyễn Thị Xuyến là mẹ Tiến, bắt con trai phải triệt sản ngay lập tức. Hôm chúng tôi đến thăm, bà Xuyến ao ước: “Nhà có vườn rộng, trồng được cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, chỉ thiếu vốn. Hai vợ chồng Tiến-Bình nếu “bắt tay chỉ việc” sẽ dần tự thân bảo đảm cuộc sống hàng ngày”.
Luôn đi sâu, đi sát đến tận các hộ gia đình người khuyết tật, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi (NTT và TNC) tỉnh Quảng Bình những năm qua đã trở thành chỗ dựa tin cậy cho nhiều cảnh đời bất hạnh. Nhờ sự trợ giúp kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần từ các cấp hội mà người khuyết tật đã vượt qua mặc cảm, tự ti, vươn lên trong cuộc sống. Năm 2020, tổng số tiền và hiện vật được Hội Bảo trợ NTT và TMC tỉnh huy động trên 12.646 triệu đồng, hỗ trợ trực tiếp cho 20.000 đối tượng.
Ông Mai Xuân Thu, Chủ tịch Hội Bảo trợ NTT và TMC tỉnh chia sẻ: “Của cho không bằng cách cho”. Tiền bạc số lượng lớn trao một lần đến gia đình người khuyết tật như “gió vào nhà trống” vì gia cảnh họ đều nghèo khó. Chi bằng chia nhỏ ra để vừa giúp, vừa vận động, hướng dẫn người khuyết tật lựa chọn các mô hình sinh kế ban đầu phù hợp với hoàn cảnh của mình. Quá trình kiểm tra, giám sát từ các cấp hội, nếu thấy mô hình sinh kế nào hiệu quả sẽ tiếp tục đầu tư. Sao cho kết quả cuối cùng là người khuyết tật thực sự thoát nghèo”.
Trao gửi yêu thương
Trong chuyến hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật đầu tháng 3-2021, Hội Bảo trợ NTT và TMC tỉnh đã tiến hành khảo sát và giúp đỡ 10 hộ gia đình tại 2 xã Liên Trạch và Lâm Trạch với mức ban đầu 2 triệu đồng/hộ.
Thăm gia đình bà Đinh Thị Thuyên, xúc động trước hoàn cảnh của hai mẹ con, ông Mai Xuân Thu bảo: “Số tiền 2 triệu đồng này không lớn, nhưng là tình yêu thương mà tôi và các thành viên trong đoàn trao gửi cho chị, hy vọng chị sử dụng hiệu quả. Hai mẹ con mua thêm con gà, con lợn chăn thả, mong từ đó mà nên nổi… chứ không thể nghèo mãi như thế này được. Chị cứ làm, hội sẽ dõi theo, khi cần thêm vốn, chúng tôi sẵn sàng giúp thêm”.
Với gói hỗ trợ sinh kế từ Hội Bảo trợ NTT và TMC tỉnh, bà Trương Thị Tỉnh có thêm đồng vốn để phát triển sản xuất, chăm sóc tốt hơn hai người con bị tật nguyền.
Với vợ chồng anh Đinh Xuân Hiền, Nguyễn Thị Cúc ở thôn 7, xã Lâm Trạch, gói hỗ trợ sinh kế 2 triệu đồng từ Hội Bảo trợ NTT và TMC tỉnh sẽ giúp vợ chồng thêm điều kiện mở rộng quán bán cháo sáng của mình để tăng thu nhập. Anh Đinh Xuân Hiền bị cụt một chân và liệt một tay do tai nạn lao động. Dù là đối tượng khuyết tật nặng, Hiền vẫn cố gắng vươn lên, chu toàn tất cả mọi việc giúp đỡ vợ. “Mong muốn của bản thân là ổn định cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cái ăn học nên người.”, Đinh Xuân Hiền xúc động.
“Hỗ trợ sinh kế… trao gửi yêu thương” như là một thông điệp nhỏ mà xưa nay Hội Bảo trợ NTT và TMC tỉnh vẫn thực hiện hướng về người khuyết tật nghèo. Do tính chất đặc thù của hội, nguồn quỹ huy động ít, đối tượng cần trợ giúp đông nên tùy từng thời điểm, địa phương, gia cảnh người khuyết tật cụ thể mà hội có cách thức hỗ trợ riêng, “liệu cơm gắp mắm”, trong đó tập trung vào hỗ trợ sinh kế.
Trong hỗ trợ sinh kế, các cấp hội cũng không trao liền một lần mà chia ra từng gói nhỏ, giúp nhiều lần. Nếu các mô hình làm ăn kinh tế của người khuyết tật xây dựng thành công, phát huy hiệu quả, hội sẵn sàng giúp đỡ thêm.”, anh Lê Quang Toán, cán bộ Hội Bảo trợ NTT và TMC tỉnh khẳng định với tôi như thế khi hành trình trao gửi yêu thương cho người khuyết tật tại huyện Bố Trạch kết thúc tốt đẹp.
(QBĐT) - Cho đến lúc này, Thiếu tá Đinh Thị Thu Hà (sinh năm 1981), Trưởng Công an xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa vẫn chưa quên cảm giác lo lắng khi nhận được quyết định điều động về làm trưởng công an xã. "Nói thật, lúc đó, tôi vừa sợ, vừa lo. Bởi bản thân không chỉ là nữ duy nhất trên địa bàn huyện Tuyên Hóa được điều động về làm công an xã, mà còn là nữ duy nhất làm trưởng công an xã", chị Hà chia sẻ.
(QBĐT) - Năm 2020 với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bằng nỗ lực gấp nhiều lần, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Quảng Bình đã vượt qua, hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu, góp phần giữ vững an sinh xã hội trên địa bàn.