Thực hiện công tác giảm nghèo năm 2020: Nhiều mô hình giảm nghèo được nhân rộng

  • 03:02, 27/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2020, trong điều kiện của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai lũ lụt liên tiếp kéo dài nhưng tỉnh ta đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ và phát huy truyền thống “tương thân, tương ái”, tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 giảm đáng kể. Đặc biệt, nhiều mô hình giảm nghèo bền vững đã được xây dựng và nhân rộng ở các địa phương.
 
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy về Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Bình năm 2020, ngay từ đầu năm, Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo.
 
Với sự nỗ lực, sáng tạo, quyết liệt của các cấp, ngành và địa phương, kết quả tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 đã giảm đáng kể. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH tỉnh, trong năm 2020, toàn tỉnh giảm 1,08% tỷ lệ hộ nghèo (tương đương giảm 2.506 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 1,78% (tương đương giảm 4.208 hộ).
Nguồn lực tín dụng từ Ngân hàng CSXH góp phần giúp người nghèo vươn lên
Nguồn lực tín dụng từ Ngân hàng CSXH góp phần giúp người nghèo vươn lên
Đáng chú ý, trong điều kiện của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai lũ lụt liên tiếp kéo dài, nhất là đợt mưa lũ lịch sử từ ngày 16 đến 20-10-2020 đã tác động xấu đến tình hình kinh tế-xã hội và gây thiệt hại nặng nề cho người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
 
Tuy nhiên, một số địa phương đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và tỷ lệ giảm hộ nghèo đạt cao, vượt chỉ tiêu kế hoạch (KH) của UBND tỉnh giao. Cụ thể, TX. Ba Đồn tỷ lệ giảm hộ nghèo 1,23% (KH: 0,5%), đạt 246% KH; huyện Bố Trạch tỷ lệ giảm hộ nghèo 0,92% (KH: 0,7%), đạt 131,4% KH; TP. Đồng Hới tỷ lệ giảm hộ nghèo 0,1% (KH: 0,08%), đạt 125% KH; huyện Tuyên Hóa tỷ lệ giảm hộ nghèo 2,79% (KH: 2,7%), đạt 103,3% KH.
 
Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự đồng tình hưởng ứng tích cực của các cấp, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh. Các địa phương cũng đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ và chương trình đầu tư cho hộ nghèo.
 
Ông Nguyễn Văn Tình, Phó Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn cho biết, xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ kinh tế-xã hội trọng tâm của địa phương, Thị ủy, HĐND và UBND TX. Ba Đồn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn. Nhờ đó, tổng kinh phí thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 gần 36.890 triệu đồng.
 
Từ nguồn kinh phí này đã phát huy tác dụng, hỗ trợ hiệu quả cho hộ nghèo, người nghèo thông qua các chương trình, chính sách về giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình, dự án đã thúc đẩy phát triển sản xuất trên địa bàn, tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho hộ nghèo, như: mô hình tỏi đen ở xã Quảng Minh; mô hình đan thủ công mỹ nghệ từ bèo lục bình ở xã Quảng Sơn; sản xuất đũa gỗ ở xã Quảng Thủy…
 
Từ đó, giải quyết việt làm bình quân hàng năm cho 3.500-4.000 người, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 2,87% (đầu năm 2020) xuống còn 1,64% (đầu năm 2021). Bên cạnh đó, các hộ nghèo cũng được tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, tiếp cận thông tin… nên đời sống của người dân cũng được cải thiện hơn.
 
Có thể thấy, giảm nghèo đã trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng trong quá trình chỉ đạo điều hành của các cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị. Do đó, các cấp chính quyền địa phương đã huy động nhiều nguồn lực và ban hành nhiều giải pháp cho chương trình giảm nghèo, như: huy động vốn, phương tiện sản xuất giúp hộ nghèo; phân công từng cán bộ, đảng viên, hội viên nhận giúp đỡ hộ nghèo kết hợp với phát huy các mô hình phát triển sản xuất; đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo...
 
Một tín hiệu vui là nhận thức, phương pháp làm ăn của hộ nghèo từng bước được thay đổi. Cùng với đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành những chính sách đặc thù, ưu tiên về nguồn lực để giúp người nghèo, người dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, nhất là các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế, nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh, mô hình sinh kế... Đặc biệt, ý thức vươn lên thoát nghèo, thoát cận nghèo của chính bản thân hộ nghèo, người nghèo, hộ cận nghèo, người cận nghèo có sự chuyển biến tích cực.
 
Tiêu biểu tại huyện Minh Hóa, 25 hộ dân đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo từ năm 2020, trong đó, phần lớn các hộ dân thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Theo ông Bùi Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa, việc bà con viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo là một tín hiệu tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại huyện miền núi Minh Hóa nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung.
 
Đây thực sự là những tấm gương đẹp, góp phần làm thay đổi nhận thức, xóa dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cũng là động lực để các hộ nghèo khác trong huyện nỗ lực tự vươn lên trong cuộc sống.
 
Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho rằng, nhìn nhận từ thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo trong năm 2020 vẫn còn tồn tại khó khăn và hạn chế. Đó là, chất lượng giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ phát sinh và tái nghèo cao do những rủi ro bất khả kháng, như: thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả, tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường… Đơn cử, số hộ nghèo phát sinh năm 2020 là 642 hộ, chiếm tỷ lệ 6,49% số hộ nghèo và số hộ tái nghèo năm 2020 là 316 hộ, chiếm tỷ lệ 3,20% số hộ nghèo.
 
Mặt khác, tỷ lệ giảm nghèo ở một số địa phương còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, các huyện: Lệ Thủy tỷ lệ giảm hộ nghèo 0,52% (KH 0,9%), Quảng Ninh tỷ lệ giảm hộ nghèo 0,4% (KH 0,7%), Minh Hóa tỷ lệ giảm hộ nghèo 3,68% (KH 5,5%). Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 3/8 địa phương tỷ lệ giảm hộ cận nghèo chưa đạt chỉ tiêu theo kế hoạch UBND tỉnh giao, gồm các huyện: Minh Hóa 8,67% (KH12%), Quảng Ninh 0,87 (KH 0,9) và Bố Trạch: 0,73% (KH 0,8%)…
 
Thùy Lâm

tin liên quan

Điểm tựa cho người lao động
Điểm tựa cho người lao động

(QBĐT) - Là tổ chức đại diện cho tiếng nói của người lao động (NLĐ), thời gian qua, Công đoàn (CĐ) ngành Công thương Quảng Bình đã nỗ lực cùng ngành vượt qua khó khăn, làm tốt vai trò điểm tựa vững chắc cho NLĐ, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Sau Tết, đường sắt giảm giá vé tới 50%
Sau Tết, đường sắt giảm giá vé tới 50%

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam ngày 25-2 cho biết, căn cứ nhu cầu đi lại của hành khách, ngành đường sắt điều chỉnh lịch chạy tàu, kèm theo đó là một số chương trình khuyến mại giảm giá vé lên tới 50%.

Ra quân Tháng thanh niên và hưởng ứng "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ"
Ra quân Tháng thanh niên và hưởng ứng "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ"

(QBĐT) - Sáng nay, 26-2, tại Làng thanh niên lập nghiệp Quảng Châu (xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch), Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - Hội LHTN Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lễ ra quân Tháng thanh niên và hưởng ứng "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" năm 2021.