(QBĐT) - Nghị định số 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01-03-2021 với nhiều điểm thay đổi vượt trội.
Theo đó, thủ tục, hồ sơ bồi thường đã được rút gọn, mức bồi thường được nâng cao, nạn nhân được nhận tạm ứng trước khi hoàn thành hồ sơ…, tất cả nhằm mang lại sự thuận tiện rất lớn cho chủ xe, lái xe và nạn nhân tai nạn giao thông.
Cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử
Theo Nghị định mới, Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới với doanh nghiệp bảo hiểm. Mỗi xe cơ giới được cấp 1 Giấy chứng nhận bảo hiểm.
Nghị định nêu rõ, trường hợp cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành. Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung quy định.
Nghị định cũng mở rộng thời hạn bảo hiểm lên 3 năm đối với xe máy thay vì 1 năm như hiện nay. Ngoài ra, lần đầu tiên xe máy điện cũng bắt buộc phải mua bảo hiểm với mức phí (chưa bao gồm VAT) là 55.000 đồng/năm, bằng với xe mô tô từ 50 cc trở xuống; còn xe mô tô trên 50 cc là 60.000 đồng/năm.
Mức bồi thường bảo hiểm tăng lên 150 triệu đồng
Khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho người được bảo hiểm số tiền mà người được bảo hiểm đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Nghị định đã nâng mức trách nhiệm bảo hiểm lên 150 triệu đồng/người/vụ, tăng mạnh so với mức 100 triệu đồng hiện hành.
Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng. Mức tạm ứng từ 10-70% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định.
Mức bồi thường cụ thể về thiệt hại đối với tài sản/1 vụ tai nạn được xác định theo thiệt hại thực tế và theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm nhưng không vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm.
Tăng mức chi hỗ trợ nhân đạo
Doanh nghiệp trích 1% tổng số phí bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới để đóng góp vào Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới. Quỹ này sẽ chi cho các hoạt động góp phần đảm bảo an toàn giao thông, bao gồm chi hỗ trợ nhân đạo cho nạn nhân tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra.
Theo đó, các trường hợp thiệt hại về sức khỏe, tính mạng được chi hỗ trợ nhân đạo bao gồm: (1) Không xác định được xe gây tai nạn; (2) Xe không tham gia bảo hiểm; (3)Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định tại Nghị định 03-2021.
Đối với trường hợp tử vong, mức chi là 30% mức trách nhiệm bảo hiểm cho 1 người/vụ (tương ứng 45 triệu đồng). Đối với các trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu, mức chi là 10% mức trách nhiệm bảo hiểm cho 1 người/vụ (tương ứng 15 triệu đồng).
Nghị định 03-2021 sẽ thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16-9-2008 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và Nghị định số 214/2013/NĐ-CP ngày 20-12-2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16-9-2008 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Những quy định mới của Nghị định được đánh giá có tác động rất tích cực cả đối với người tham gia giao thông cũng như là đối với tác động về mặt xã hội. Cụ thể, tất cả các bên liên quan đến vụ tai nạn đều sẽ được hỗ trợ kịp thời, trong đó nạn nhân tai nạn giao thông được giúp khắc phục tổn thất về người và tài sản, còn chủ xe và lái xe cũng nhanh chóng ổn định cuộc sống sinh hoạt và hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Sau đây là bản tóm tắt những thay đổi mới nhất của Nghị định 03-2021:
Thuỳ Trang