(QBĐT) - Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” năm 2020 thu hút nhiều dự án, ý tưởng trên địa bàn tỉnh tham gia vừa khép lại, nhưng giá trị hiện thực góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân sẽ được duy trì và phát triển. Đây được xem là một sân chơi bổ ích, góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng vươn lên để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực của các tầng lớp lao động trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Chí Thắng, Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ, cho biết: Sau khi có văn bản của tỉnh về xây dựng các chương trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại các địa phương, Ban tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” ban hành thể lệ, phát động và triển khai các hoạt động tuyên truyền về cuộc thi. Sau hơn 3 tháng phát động, Ban tổ chức cuộc thi nhận được 19 dự án, ý tưởng tham gia dự thi và có 6 dự án, ý tưởng lọt vào chung kết.
![]() |
Tuy Ban tổ chức cuộc thi chỉ chọn trao được 2 giải nhì, 3 giải ba và 1 giải khuyến khích, không có giải nhất, nhưng cuộc thi lần đầu tiên tổ chức đã mang đến những thành công nhất định; thu hút và khuyến khích sự mạnh dạn của thế hệ trẻ tham gia khởi nghiệp. Các dự án khởi nghiệp sáng tạo này đã tập trung đi vào giải quyết các vấn đề trong thực tế sản xuất, kinh doanh tại địa phương.
Trong đó, một số dự án, ý tưởng đạt giải tiêu biểu như: Dự án “Chế biến sâm Bố Chính thành sản phẩm sâm sấy dẻo có giá trị dinh dưỡng cao” của Công ty TNHH Công nghệ cao Tuệ Lâm đã góp phần giải quyết việc bảo quản sâm Bố Chính, bởi sản phẩm này thường xuyên bị mốc, chất lượng suy giảm rất nhanh.
Trong khi người dùng thường mang tính ổn định thì việc sản xuất cây sâm mang tính thời vụ, có thời điểm thu hoạch rất nhiều tiêu thụ không hết, nhưng cũng có thời điểm không có sâm để bán. Chính vì vậy, công việc chế biến sâm Bố Chính tươi thành sản phẩm sâm sấy dẻo đã nâng cao giá trị sản phẩm và giải quyết vấn đề bảo quản sâm trong thời gian dài.
![]() |
Trao đổi với chúng tôi, anh Phan Trung Thông, Giám đốc HTX Sinh thái Sông Son, cho biết: Trước vấn nạn thực phẩm bẩn, thực phẩm trộn hóa chất, không bảo đảm tiêu chuẩn…, với tiềm năng, lợi thế của vùng quê sản xuất được những nông sản sạch, chúng tôi đã phối hợp nghiên cứu, tìm tòi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ và máy móc trang thiết bị để cho ra sản phẩm tốt nhất.
Sản phẩm là kết quả của sự liên kết từ đầu vào đến đầu ra, tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người nông dân-doanh nghiệp và thị trường. Việc sản xuất lúa gạo và sâm Bố Chính theo tiêu chuẩn an toàn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dưới sự kiểm tra chặt chẽ của HTX để sản xuất ra “sản phẩm miến gạo sâm Bố Chính-Gavina” là phù hợp với nhu cầu thiết yếu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Một số dự án, ý tưởng cũng được Ban tổ chức đánh giá có tính khả thi cao, như: “Chế biến cá lóc khô tẩm gia vị tại cơ sở biến thủy sản Ngư Nam”, dự án “Cơm nếp chà bông mẹ Thỏ” hay ý tưởng “Xây dựng hệ thống dịch vụ lái xe hộ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình” của Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và khởi nghiệp, Trường đại học Quảng Bình với mục tiêu tạo ra dịch vụ cung cấp tài xế theo hợp đồng nhân sự điện tử hợp pháp nhằm bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông và bảo đảm toàn vẹn tài sản cho chủ phương tiện...
Theo đánh giá của Ban tổ chức cuộc thi, mặc dù được tổ chức lần đầu, nhưng cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Quảng Bình thu hút sự tham gia của các dự án, ý tưởng từ nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với nhiều đối tượng tham gia từ sinh viên, giáo viên, bộ phận quản lý và người lao động. Cuộc thi cũng đã nhận được sự tham gia nhiệt tình từ các cơ sở giáo dục như Trường cao đẳng Kỹ thuật công-nông nghiệp Quảng Bình, Trường đại học Quảng Bình.
Đặc biệt cuộc thi đã khuyến khích được các tầng lớp người dân tham gia, nhất là thế hệ trẻ. So với hệ sinh thái khởi nghiệp chung của cả nước thì hệ sinh thái khởi nghiệp ở Quảng Bình còn khá non trẻ, nhưng thành công bước đầu là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng vươn lên để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực cho các tầng lớp lao động trên địa bàn tỉnh.
“Thời gian tới, các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về hoạt động khởi nghiệp, đặc biệt là Đoàn Thanh niên các cấp và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các trường học cần lồng ghép nội dung “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” trong chương trình đào tạo của học sinh, sinh viên.
Từ đó, góp phần hình thành văn hóa khởi nghiệp trong cộng đồng, để cuộc thi lần tiếp theo thu hút được nhiều dự án, ý tưởng tham gia, góp phần trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.”, ông Nguyễn Chí Thắng trao đổi thêm.
Hương Trà