Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021

  • 04:01, 11/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 11-1, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu trên cả nước tổng kết công tác lao động, người có công và xã hội năm 2020; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021. Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ và Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH chủ trì hội nghị.
 
Đồng chí Nguyễn Trường Sơn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình. 
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021 tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021 tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.

Theo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội năm 2020 và giai đoạn 5 năm (2016-2020), trong 5 năm qua, với phương châm "đoàn kết-kỷ cương-sáng tạo-hiệu quả", ngành LĐ-TB-XH nỗ lực tham mưu cho Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền triển khai đồng bộ, toàn diện các chính sách an sinh xã hội và có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, năm 2020, toàn ngành LĐ-TB-XH đã cùng cả nước vượt qua đầy khó khăn, thử thách, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội của nhân dân.

Cụ thể, đến nay, 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; cơ bản không còn hộ người có công trong hộ nghèo; 3% dân số Việt Nam và 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ tiêu chuẩn được hưởng trợ cấp thường xuyên; người cao tuổi, người khuyết tật được quan tâm, trợ giúp theo quy định.

Các quyền cơ bản của trẻ em được bảo đảm; chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đứng thứ 110/189 quốc gia; chỉ số nguồn nhân lực Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Kết quả giảm nghèo đa chiều nhanh, bình quân 5 năm qua 1,43%/năm (từ  9,88% năm 2015 đến năm 2020 còn 2,75%).  
 
5 năm qua, cả nước tạo việc làm mới cho hơn 8 triệu lao động; hơn 635.000 người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chuyển dịch lao động khu vực nông-lâm-ngư nghiệp giảm từ 45% (năm 2015) xuống còn 32% (năm 2020); tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị ở dưới 4%...
 
Triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Chính phủ và các địa phương đã hỗ trợ với tổng kinh phí trên 31,5 nghìn tỷ đồng cho hơn 14,1 triệu người dân ổn định đời sống… 
 
Hội nghị cũng đã đánh giá những hạn chế, khó khăn để bàn các giải pháp khắc phục trong thời gian tới, như: độ bao phủ an sinh xã hội còn thấp, nhất là bao phủ bảo hiểm xã hội đối với người già, người lao động khu vực nông nghiệp, phi chính thức; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao (chiếm 55%); chênh lệch giàu nghèo, mức hưởng thụ cao làm giảm hiệu quả giảm nghèo và triển vọng tăng trưởng; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn cao; tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em, phụ nữ diễn biến phức tạp, một số tệ nạn xã hội gây bức xúc xã hội…
 
Trên cơ sở đó, năm 2021 sẽ là năm đầu tiên thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch 5 năm 2021-2026 của ngành LĐ-TB-XH, vì vậy, toàn ngành tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm: Bảo đảm ổn định và phát triển thị trường lao động linh hoạt và thích ứng nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ "hậu Covid"; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động...
 
Cùng đó, tập trung xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, nhất là khi mà một số vấn đề mới, như: chính sách tiền lương, kéo dài tuổi nghỉ hưu, vấn đề phát triển các quan hệ lao động, hình thành tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp đã được quy định tại Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1-1-2021… ; tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; cải thiện, nâng cao đời sống người có công nhất là sau khi Pháp lệnh Ưu đãi người có công sửa đổi có hiệu lực thi hành; quan tâm, hỗ trợ người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững; bảo vệ và kiên quyết xử lý các hành vi ngược đãi, xâm hại trẻ em và phụ nữ…
 
 N.L
 

tin liên quan

Người dân được đốt pháo hoa không gây tiếng nổ từ 11-1-2021
Người dân được đốt pháo hoa không gây tiếng nổ từ 11-1-2021

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng pháo. Theo đó, người dân, doanh nghiệp được sử dụng loại pháo hoa không gây tiếng nổ trong một số trường hợp nhất định từ 11-1-2021.

Mật mía làng Khiên
Mật mía làng Khiên
(QBĐT) - Vào độ trung tuần tháng 11 âm lịch hàng năm, khi tiết trời bắt đầu se lạnh, ấy là lúc làng Khiên (thôn Trung Thủy, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa) bắt đầu mùa mật mía. Nổi tiếng với độ thơm ngon và màu sắc đẹp, mật mía làng Khiên được người dân trong vùng và nhiều nơi khác tìm mua vào dịp giáp Tết Nguyên đán.
 
Đừng để hối không kịp!
Đừng để hối không kịp!

(QBĐT) - Đang đứng đợi đổ xăng, chị H. giật mình khi thấy nhân viên quầy xăng phì phèo điếu thuốc.