(QBĐT) - Sau đợt lũ lụt tháng 10-2020, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương trong và ngoài tỉnh đã huy động nguồn lực toàn xã hội hỗ trợ người dân vùng lũ bằng những hình thức thiết thực, ý nghĩa. Qua đó, giúp người dân ổn định sinh kế, tái thiết cuộc sống sau thiên tai, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Qua trao đổi, ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết, đợt mưa lũ tháng 10 vừa qua đã tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động kinh tế-xã hội, thiết chế hạ tầng ở tất cả các tuyến từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi trên địa bàn tỉnh ta.
Sau trận “lũ kép”, hàng chục nghìn hộ dân tỉnh ta đang rơi vào cảnh khốn khó, đặc biệt, người già, người neo đơn, không có sức lao động, đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ nghèo, hộ cận nghèo… là những đối tượng bị tác động và tổn thương nhiều nhất.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh và đồng bào trên cả nước đã hỗ trợ người dân các địa phương bị thiệt hại do lũ lụt bằng những hành động cụ thể, thiết thực.
![]() |
Điển hình, những hoạt động của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh thời điểm trong và sau đợt lũ lụt đã và đang góp phần tích cực vào thực hiện chính sách an sinh xã hội của tỉnh. Theo ông Phan Văn Cầu, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, công tác cứu trợ xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai được Hội CTĐ tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động nhân đạo, từ thiện.
Đến nay, Hội CTĐ tỉnh đã kịp thời tiếp nhận, phân phối hàng hóa và tiền hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, các đoàn thiện nguyện cho hầu hết người dân ở các địa phương bị thiệt hại với tổng trị giá trên 85 tỷ đồng. Trong đó, những đối tượng được quan tâm và nhận hỗ trợ chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và hộ khó khăn bị ngập trong lũ lụt, hộ có trẻ em, phụ nữ mang thai, người khuyết tật và người cao tuổi…
Với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, thời gian qua, thông qua sự giúp đỡ, hỗ trợ của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Hội LHPN các tỉnh và các đơn vị, nhà hảo tâm, tổ chức phi chính phủ, Hội LHPN tỉnh đã triển khai các hoạt động chung tay góp sức cùng người dân vùng lũ vượt qua khó khăn. Cụ thể, hỗ trợ sinh kế, tái thiết chăn nuôi, sản xuất bằng hình thức trao cây, con giống cho các gia đình hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ khôi phục các mô hình sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ, như: mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết, hợp tác xã, mô hình phụ nữ khởi sự, khởi nghiệp; trao tặng học bổng cho các học sinh nghèo vượt khó học giỏi; hỗ trợ xây dựng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, đơn thân…
Chị Nguyễn Thị Như Mận, Chủ nhiệm HTX sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản Như Mận, ở thôn Hiển Trung, xã Hải Ninh (Quảng Ninh) chia sẻ, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã hỗ trợ vốn không hoàn lại gần 200 triệu để HTX khôi phục tái sản xuất, chị và các thành viên rất phấn khởi và cảm động.
Từ nguồn vốn này, HTX sẽ tập trung khôi phục chế biến khoai deo các loại, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm, thu nhập cho các thành viên để ổn định cuộc sống sau lũ...
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Minh Tâm cho biết, sau trận lũ lịch sử tháng 10 đến nay, thông qua việc kêu gọi, kết nối các nguồn ủng hộ, Hội LHPN tỉnh phối hợp với các đoàn thể khác trao khoảng 20 tỷ đồng, gồm tiền mặt và hàng hóa, các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân và hội viên phụ nữ bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục đồng hành, kết nối và nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ, giúp sức của các nhà hảo tâm để san sẻ khó khăn với người dân.
Đáng chú ý, các mô hình sinh kế mang tính lâu dài và bền vững sẽ được chú trọng triển khai để nhân dân, nhất là hội viên phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn phục hồi sản xuất, chăm lo gia đình…
Để phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau” tiếp tục phát huy hiệu quả, các ngành, địa phương tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân và các tầng lớp nhân dân trong, ngoài tỉnh hỗ trợ, giúp đỡ địa phương, cơ sở, cộng đồng, các hộ gia đình giảm nghèo và thoát nghèo.
Mặt khác, các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo, tạo thành phong trào sâu rộng; đồng thời, thu hút và động viên sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và cùng nhau vươn lên thoát nghèo bền vững…
Thùy Lâm