(QBĐT) - Ngày 13-11, Chủ tịch UBND tỉnh có Công điện số 19/CĐ-UBND, điện Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh; Giám đốc Nhà máy thủy điện Hố Hô.
Nội dung Công điện cụ thể như sau:
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 13 đang di chuyển nhanh về phía vùng biển và đất liền nước ta, hồi 04 giờ ngày 13 tháng 11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Đến 19 giờ ngày 14 tháng 11, vị trí tâm bão ở khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Thực hiện Công điện số 1597/CĐ-TTg ngày 12-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ, phát huy những thành quả, bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống mưa lũ lịch sử vừa qua để chủ động triển khai ứng phó với bão số 13, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người, tài sản, trong điều kiện nhiều cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, giảm công năng phòng chống với gió bão, đất đã mất kết cấu, dễ bị sạt lở, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ triển khai ngay một số nhiệm vụ sau:
1. Tổ chức trực ban 24/24, theo dõi chặt chẽ bản tin, cảnh báo diễn biến của bão số 13 để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không chủ quan, lơ là.
2. Thực hiện nghiêm Công điện số 1597/CĐ-TTg ngày 12-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 37/CĐ-TW ngày 11-11-2020 của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 2060/UBND-KT ngày 11-11-2020 về việc chủ động ứng phó bão số 13.
3. Đối với trên sông, trên biển, rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, hướng dẫn di chuyển thoát ra và không đi vào vùng nguy hiểm (lưu ý cả các tàu du lịch, tàu vận tải, tàu vãng lai); không cho tàu thuyền ra khơi kể từ 10 giờ ngày 13 tháng 11 năm 2020 cho đến khi bão tan, không còn cảnh báo rủi ro thiên tai theo dự báo, cảnh báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia.
Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú đảm bảo an toàn; gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản. Rà soát phương án, kiên quyết sơ tán người trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản và trên tàu thuyền trước khi bão đổ bộ để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
4. Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị, khẩn trương rà soát, tổ chức sơ tán, di dời người dân đến các nhà kiên cố cao tầng đảm bảo an toàn trước khi bão, lũ xảy ra (hoàn thành trước 16 giờ ngày 14-11-2020); sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai phương án cứu hộ, cứu nạn bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực ven biển, cửa sông, khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, trong các nhà không đảm bảo an toàn.
5. Đối với khu vực miền núi, trung du, tiếp tục rà soát các điểm dân cư có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân, cán bộ, chiến sỹ, người lao động đến nơi an toàn; có phương án đảm bảo an toàn cho các hộ dân phải di dời do nguy cơ sạt lở đất đang phải ở nhà tạm, nhà bạt, nhất là khu vực Bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh; nắm chắc thông tin người dân đang còn ở trong rừng, yêu cầu ra khỏi rừng hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn đề phòng lũ quét và sạt lở đất; hoàn thành trước 16 giờ ngày 14-11-2020.
6. Triển khai các biện pháp bảo vệ nhà cửa, trụ sở, trường học, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cột, tháp cao, cây xanh... để hạn chế rủi ro và thiệt hại do bão; khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trong thời gian bão đổ bộ; căn cứ tình hình bão, mưa lũ chủ động cho học sinh nghỉ học, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên.
7. Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh, hàng hóa thiết yếu, nhất là ở các khu vực có nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa lũ.
8. Vận hành, điều tiết nước trong các hồ chứa, nhất là các hồ chứa nhỏ để đón đợt mưa lũ mới theo nguyên tắc đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân vùng hạ du và an toàn đập, hồ chứa, tuyệt đối không chủ quan, tích trữ nước, khi lũ lên lại xả nước gây lũ chồng lũ vùng hạ du; phân công cụ thể, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa đã đầy nước, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý các sự cố, có phương án chủ động sơ tán dân cư ở hạ lưu để đảm bảo an toàn khi có tình huống xảy ra; triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, nhất là các điểm xung yếu.
9. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò, khu vực đường bị ngập, đã, đang và có nguy cơ xảy ra sạt lở; tổ chức kiểm soát, điều tiết giao thông, hạn chế phương tiện đi vào vùng bão đổ bộ.
10. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để xử lý các tình huống khẩn cấp và ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.
11. Đài Khí tượng thuỷ văn Quảng Bình tiếp tục theo dõi diễn biến của cơn bão số 13, dự báo và cung cấp thông tin cho lãnh đạo tỉnh để chỉ đạo và phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình, Báo Quảng Bình và các phương tiện thông tin đại chúng khác để thông tin kịp thời diễn biến của bão số 13 để nhân dân biết, chủ động phòng, tránh.
12. Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân, chính quyền cơ sở biết, chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ.
13. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai các biện pháp cụ thể ứng phó với bão, mưa lũ.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương thực hiện./.