(QBĐT) - Nằm ở thượng nguồn sông Long Đại, xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) cũng chính là nơi đầu nguồn gánh chịu những hậu quả nặng nề trước khi cơn lũ ào về tàn phá vùng đồng bằng…
Bám sát phương châm “4 tại chỗ”
Qua những đoạn đường sạt lở vừa được thông tuyến sau những ngày lũ rút, gặp chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Nguyễn Văn Nhì chân tình chia sẻ: xã Trường Sơn nằm phía thượng nguồn sông Long Đại, bởi vậy mà không mùa lũ nào địa phương này không phải gánh chịu những cuồng nộ của thiên nhiên trước khi ào về tàn phá các địa phương vùng trũng, đồng bằng.
Với người dân xã Trường Sơn, 2 trận lũ liên tiếp trong tháng 10 năm nay thực sự là “lịch sử” bởi mực nước ngập sâu khiến nhiều thôn, bản trên địa bàn xã như: Tân Sơn, Cây Sú, Trung Sơn, Sắt, Ploang, Rìn Rìn, Dốc Mây, Hôi Rấy, Nước Đắng… bị cô lập; 123 nhà dân bị ngập sâu trong nước, hàng chục ha hoa màu bị hư hại. Các tuyến đường vào bản Trung Sơn, đường vào bản Sắt, Ploang, Rìn Rìn bị hư hỏng nặng gây chia cắt.
Riêng tại bản Sắt, địa hình trũng khiến nhiều nhà dân nơi đây vẫn ngập sâu trong nước dù đợt mưa lũ đã chấm dứt từ nhiều ngày trước; kéo theo đó là nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Muôn, Trưởng bản Sắt, xã Trường Sơn cho chia sẻ: bản có 34 hộ với 152 khẩu. Các đợt mưa lớn lâu ngày kèm nước lũ dâng cao gây sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn bản, trong đó có 3 điểm sạt lở lớn kéo dài 700m rất nguy hiểm cho người dân.
![]() |
Bám sát phương châm “4 tại chỗ”, ngay thời điểm đỉnh lũ, chính quyền xã Trường Sơn đã thành lập đoàn trực tiếp vào bản Sắt đưa các phương tiện phao cứu sinh, phao bè, áo phao, cấp 75m bạt để giúp các hộ di dời đến nơi an toàn.
Riêng đối với tình trạng sạt lở nghiêm trọng, trên cơ sở bám sát sự chỉ đạo kịp thời của tỉnh, huyện, xã Trường Sơn phối hợp với Đồn Biên phòng Làng Mô khẩn trương dựng thêm các nhà bạt, lán trại và thực hiện công tác di dời dân.
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Hoàng Xuân Tân, Bí thư huyện ủy Quảng Ninh cho biết: quan điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Ninh là phải gấp rút, khẩn trương di dời toàn bộ các hộ dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở; bảo đảm an toàn tính mạng và các điều kiện lương thực thực phẩm, nước uống và các điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Thượng tá Lê Đình Huân, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Làng Mô cho biết: trên tinh thần chỉ đạo chung, Đồn Biên phòng Làng Mô đã chủ động phối hợp với địa phương hỗ trợ người dân tại các thôn, bản ứng phó, khắc phục hậu quả lũ lụt.
Đặc biệt, trước những nguy cơ tiềm ẩn từ tình trạng sạt lở đất, Đồn Biên phòng Làng Mô đã phối hợp với chính quyền địa phương với lực lượng huy động trên 50 người khẩn trương dựng các nhà bạt, lán trại cho người dân bản Sắt; vận động tuyên truyền, hỗ trợ vận chuyển lương thực, đồ dùng sinh hoạt để bà con yên tâm di dời đến khu vực an toàn.
![]() |
Cùng với công tác khẩn trương di dời, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng cho người dân, công tác bảo đảm đời sống cho người dân xã Trường Sơn cũng đã được quan tâm thực hiện. Thời điểm đỉnh lũ, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, UBND xã Trường Sơn đã phân bổ 5kg gạo/hộ và các loại ruốc, cá khô nhằm hỗ trợ khẩn cấp cho người dân.
Xã cũng đã khẩn trương bố trí 3 chiếc đò kết hợp với các bè phao giúp người dân đi lại trong nội vùng bản Sắt; huy động máy móc khắc phục, sửa chữa các điểm sạt lở trên địa bàn xã để thông đường; phân bổ kịp thời 10 tấn gạo từ nguồn hỗ trợ của tỉnh và thực hiện tốt công tác điều tiết các nguồn hàng cứu trợ.
Đến nay, ngoài các nguồn phân bổ của tỉnh, huyện, xã Trường Sơn đã tiếp nhận 115 đoàn cứu trợ với tổng cộng 24.500 suất quà nhu yếu phẩm trị giá 9,3 tỉ đồng và 1,7 tỉ đồng tiền mặt phân bổ đến tận tay người dân tại các thôn bản nhằm bảo đảm ổn định đời sống người dân sau lũ.
Bền vững trong di dời và ổn định dân cư
Với mong muốn đưa miền núi gần hơn với đồng bằng, huyện Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đầu tư các công trình thiết yếu tại địa bàn 2 xã miền núi. Riêng tại xã Trường Sơn, các công trình như đường vào bản Sắt, dự án định canh định cư bản Chân Trộng, khai hoang đất sản xuất ở bản Sắt, Trung Sơn, Ploang và các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung... được triển khai đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện để địa phương thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người nghèo, cận nghèo.
![]() |
Tuy nhiên, với đặc điểm địa hình chia cắt, điều kiện đi lại khó khăn, xã Trường Sơn rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, chính quyền nhằm cải thiện điều kiện phúc lợi cho người dân. Chia sẻ về những định hướng lâu dài cho người dân xã Trường Sơn, đồng chí Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: đối với tình trạng sạt lở tại bản Sắt, tỉnh, huyện đã chỉ đạo địa phương phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện kịp thời, nhanh chóng và quyết liệt.
Tính đến chiều 2-11, tổng cộng 23 lán trại đã được dựng lên với 100% người dân trong vùng nguy cơ sạt lở tại bản Sắt đã được di dời đến nơi an toàn. UBND huyện Quảng Ninh cũng đã hỗ trợ 34 hộ dân ở bản Sắt, mỗi hộ 1 triệu đồng.
![]() |
Tuy nhiên, với điều kiện địa hình như một “lòng chảo”, người dân bản Sắt rất cần sự điều chỉnh để có nơi định cư lâu dài. Cũng chính vì lẽ đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo sát sao và tính đến phương án xây dựng khu tái định cư cho người dân tại bản Sắt, xã Trường Sơn.
Ngay trong chiều 3-11, đồng chí Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh đã tiến hành khảo sát thực tế tại bản Sắt và chỉ đạo địa phương khẩn trương lập quy hoạch di dời dân đến khu vực xóm ông Hiếu (nguyên Trưởng bản). Đây là nơi bằng phẳng, có diện tích khoảng 3 ha và hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi lũ cũng như các nguy cơ sạt lở. Từ khu vực mới này, người dân bản Sắt vừa hoàn toàn yên tâm để định cư lâu dài, vừa dễ dàng sản xuất lúa nước, trồng rừng, bảo đảm an ninh lương thực.
Tin vui với người dân xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh là UBND tỉnh Quảng Bình đã có quyết định phân bổ 9 tỷ đồng làm đường bê tông dài 6km từ đường Hồ Chí Minh vào bản Sắt. Về lâu dài là kế hoạch đầu tư các tuyến đường khác trên địa bàn xã Trường Sơn như bê tông từ đường Hồ Chí Minh vào bản Ploang, Rìn Rìn; đường từ bản Khe Cát về bản Hôi Rấy, Nước Đắng… để các bản ở xa không còn bị cô lập; để vùng thượng nguồn Trường Sơn không còn bị chia cắt mỗi mùa lũ dữ ào về…
Thanh Hải