Nhà tan theo lũ!

  • 08:11, 03/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trận lũ lịch sử vừa qua đã làm hàng trăm nhà dân ở huyện Lệ Thủy bị hư hỏng, trong đó có những hộ mất nhà vì lũ đánh sập hoặc cuốn trôi. Vì vậy, mặc dù hiện tại lũ đã rút, nhưng vẫn còn nhiều hộ không thể trở về vì không còn nhà để ở.
 
Qua thống kê sơ bộ, cơn lũ lịch sử vừa qua, toàn huyện Lệ Thủy có 162 nhà bị sập, hư hỏng. Trong đó có 115 nhà bị thiệt hại nặng, một số nhà dân ở các xã Hồng Thủy, Lộc Thủy, Phong Thủy, An Thủy bị lũ đánh sập hoàn toàn. Các nhà bị sập, hư hỏng chủ yếu là nhà cấp 4.
 
Bà Nguyễn Thị Hiên, một người dân ở thôn Mốc Thượng 1, xã Hồng Thủy kể: “Thấy lũ to quá nên tôi đóng cửa nhà lại rồi nhờ đò chở đi ở nhờ nhà người quen. Khi lũ rút, tôi quay về thì thấy nhà mình sập hoàn toàn, toàn bộ tài sản trong nhà cũng bị cuốn trôi hết”.  
Nhà bà Nguyên Thị Hiên, ở thôn Mốc Thượng 1, xã Hồng Thủy chỉ còn lại đống đổ nát.
Nhà bà Nguyên Thị Hiên, ở thôn Mốc Thượng 1, xã Hồng Thủy chỉ còn lại đống đổ nát.
Bà Hiên thuộc diện hộ nghèo, năm nay đã hơn 60 tuổi và không có chồng, con. Hàng ngày, cuộc sống của bà chủ yếu là trồng rau, nuôi gà. Năm 2018, bà được Nhà nước hỗ trợ xây cho căn nhà cấp bốn rộng chừng 60m để có chỗ trú mưa, trú nắng khi tuổi già. Nhưng ngờ đâu, sau cơn lũ, nhà cửa và bao tài sản dành dụm của người phụ nữ này đã bị cuốn theo dòng nước. Những ngày qua, bà phải đi ở nhờ nhà người quen và sống bằng nguồn cứu trợ của các tổ chức từ thiện.
 
Xã Hồng Thủy là một trong những địa phương có nhiều nhà dân bị thiệt hại trong cơn lũ vừa qua. Toàn xã có 27 nhà dân bị sập. Trong đó có 12 hộ bị sập, hư hỏng trên 70%, 9 hộ thiệt hại từ 50-70%, 2 hộ bị thiệt hại từ 30-50% và 4 hộ bị thiệt hại dưới 30%. Các nhà bị sập, hư hỏng tập trung ở thôn Mốc Thượng 1 với 16 hộ có nhà bị thiệt hại.
 
Ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy cho biết: “Trước mắt, xã đã huy động lực lượng đến động viên, dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa cho những hộ có nhà bị hư hỏng; đồng thời, vận động những hộ xung quanh giúp đỡ, tạo điều kiện cho các hộ có nhà sập tá túc nhờ. Khi có những đoàn cứu trợ về, xã cũng ưu tiên, phân bổ quà cho những gia đình có nhà bị hư hỏng, sập nhiều hơn”.
 
Xã Phong Thủy là nơi thấp trũng của huyện Lệ Thủy. Trong trận lũ lịch sử vừa qua, 100% nhà dân trong xã bị ngập sâu. Có những nhà bị ngập từ 3-5m. Đặc biệt, những nhà dân phía ruộng bị ngập sâu và sóng đánh mạnh nên hư hỏng nặng.
 
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Phong Thủy cho hay: “Trong đợt lũ vừa qua, toàn xã có 12 nhà bị thiệt hại từ 70-100%, trong đó có những nhà gần như bị sập, đổ hoàn toàn. Để giúp bà con vượt qua khó khăn, chúng tôi đã đến những gia đình bị thiệt hại nặng thăm hỏi, động viên, thống kê thiệt hại để báo cáo lên huyện; đồng thời vận động bà con lối xóm cùng quan tâm, chia sẻ chỗ ăn, ở trước mắt. Về lâu dài, xã sẽ vận động lực lượng, kêu gọi các nguồn hỗ trợ để sửa chữa, xây lại nhà mới cho những hộ có nhà bị sập, hư hỏng nặng." 
Nhiều nhà dân ở huyện Lệ Thủy bị hư hỏng nặng sau cơn lũ lịch sử không thể tiếp tục ở được.
Nhiều nhà dân ở huyện Lệ Thủy bị hư hỏng nặng sau cơn lũ lịch sử không thể tiếp tục ở được.
Đến thăm ngôi nhà ông Nguyễn Cao Mát và bà Nguyễn Thị Điểu, ở đội 7, thôn Đại Phong, xã Phong Thủy, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến ngôi nhà của ông bà gần như tan hoang sau cơn lũ. Nghe người lạ đến, ông bà hối hả chạy từ nhà hàng xóm trở về.
 
Bà Điểu gạt nước mắt nói: “Hai vợ chồng tôi tích cóp đến 60 tuổi mới xây dựng được căn nhà để tá túc tuổi già. Vậy mà chỉ sau cơn lũ, chúng tôi gần như mất trắng. Nhà thì hỏng hết, lúa và tài sản trong nhà đều bị lũ cuốn trôi”. Hiện, cả ngôi nhà lớn lẫn nhà bếp của ông Mát, bà Điểu bị đổ nhiều mảng tường, nứt toác nhiều nơi, cửa cũng đã bị cuốn trôi theo dòng nước, không thể ở vì có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
 
Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: Trận lũ lịch sử vừa qua làm cho huyện thiệt hại hết sức nặng nề, trong đó có hàng trăm nhà dân bị sập và hư hỏng nặng. Để giúp đỡ bà con, huyện cũng đã đến những gia đình có nhà sập để thăm hỏi, động viên; đồng thời, huy động lực lượng vệ sinh nhà cửa, thu nhặt lại đồ đạc, hỗ trợ lương thực, thực phẩm trước mắt. Về lâu dài, huyện cũng định hướng cho các nhà hảo tâm trực tiếp đến thăm, trao quà cho các gia đình có nhà bị sập, vận dụng các nguồn hỗ trợ và huy động lực lượng giúp bà con tu sửa, làm lại nhà ở…
Xuân Vương

tin liên quan

Một địa chỉ cần sự giúp đỡ của cộng đồng
Một địa chỉ cần sự giúp đỡ của cộng đồng

(QBĐT) - Trong chuyến hành trình cứu trợ người dân sau lũ tại huyện Lệ Thủy, chúng tôi được biết đến gia cảnh đáng thương của một gia đình có công với cách mạng, cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Đó là gia cảnh bà Dương Thị Thi, thôn Bắc Thái, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy.

Hướng về đồng bào vùng lũ Quảng Bình
Hướng về đồng bào vùng lũ Quảng Bình
(QBĐT) - Những ngày qua, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hướng về người dân vùng lũ nhằm giúp người dân sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. 
Đoàn Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam làm việc tại Quảng Bình
Đoàn Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam làm việc tại Quảng Bình

(QBĐT) - Ngày 3-11, đoàn công tác Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam do đồng chí Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình về tình hình khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn. Làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.