(QBĐT) - Bằng những bước đi đúng đắn, những năm qua, Quảng Bình đã tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư hoàn thiện các kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc, cảnh quan được thực hiện nghiêm túc. Hệ thống hạ tầng các đô thị; hệ thống giao thông từng bước được đầu tư nâng cấp, mở rộng... Diện mạo của tỉnh từ khu vực đô thị cho đến những làng quê đều có sự khởi sắc, phù hợp với xu hướng hội nhập và phát triển của địa phương.
Không ngừng kết nối mạng lưới giao thông
Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải (GTVT) chia sẻ: Công tác quản lý nhà nước về GTVT những năm qua đã được tăng cường và ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Thể hiện rõ qua hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT trên địa bàn tiếp tục được củng cố và phát triển; nhiều dự án lớn, quan trọng, có ý nghĩa chiến lược tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng phát huy tốt hiệu quả.
Điển hình như: Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Quảng Bình; dự án cải tạo và nâng cấp đường tỉnh 565, cầu Nhật Lệ 2, đường từ thị trấn Hoàn Lão đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, đường nối Khu Công nghiệp Hòn La với Khu Công nghiệp xi măng tập trung Tiến-Châu-Văn Hóa, hệ thống đường Hồ Chí Minh nhánh Đông...
Đầu tư, mở rộng Cảng Hòn La điểm nhấn trong quy hoạch phát triển hệ thống GTVT góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế-xã hội.
Đáng chú ý, các loại hình giao thông được kết nối liên hoàn, hệ thống giao thông nông thôn được nâng cấp hoàn thiện. Mạng lưới giao thông được xác định là huyết mạch của nền kinh tế - xã hội, do đó, việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông được tỉnh quan tâm. Trong 5 năm qua ngành đã quản lý kinh phí đầu tư hơn 4.058 tỷ đồng và đã đầu tư xây dựng, nâng cấp được 126 km đường bộ, xây dựng mới được 36 cầu...
Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông được chú trọng. Hoạt động vận tải phát triển cả số lượng và chất lượng với chất lượng dịch vụ vận tải ngày càng được nâng cao hơn. Hệ thống cảng biển, đường thủy nội địa tiếp tục được đầu tư mở rộng, phát triển; Cảng hàng không Đồng Hới cũng đang lập quy hoạch chi tiết và chuẩn bị đầu tư mở rộng, nâng cấp.
Hiện hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông đang được triển khai đúng tiến độ, góp phần kết nối vùng và mở rộng đô thị phía Nam thành phố Đồng Hới. Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (Dự án LRAMP) gồm 11 tuyến đường/55km và 22 cầu dân sinh đang được triển khai thực hiện; 3 cầu yếu trên Quốc lộ 12A, Quốc lộ 15 và 10 cầu treo dân sinh đang hoàn thành việc xây dựng thay thế... sẽ góp phần vào việc phát triển ngày càng đồng bộ hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh.
Khởi sắc quy hoạch, phát triển đô thị
Xác định công tác lập quy hoạch và phát triển đô thị là điểm nhấn, góp phần làm thay đổi diện mạo của các địa phương trong tỉnh, các năm qua, Sở Xây dựng đã tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch vùng liên huyện, quy hoạch chung các đô thị, khu chức năng đặc thù trên địa bàn tỉnh.
Cầu Nhật Lệ 2 điểm nhấn trong việc quy hoạch cảnh quan thị đô thị và phát triển giao thông.
Trong đó nổi bật là các đồ án quy hoạch quan trọng như: Quy hoạch xây dựng vùng ven biển huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy đến năm 2030; Quy hoạch chung đô thị Dinh Mười và vùng phụ cận, huyện Quảng Ninh đến năm 2040; Quy hoạch chung Khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao giải trí và dân cư tại xã Hải Ninh, xã Hồng Thủy (Lệ Thủy); Điều chỉnh cục bộ một số khu vực Quy hoạch chung thành phố Đồng Hới đến 2025, tầm nhìn 2035; Quy hoạch phân khu đô thị du lịch Phong Nha.
Ngoài ra, sở còn phối hợp rà soát điều chỉnh các quy hoạch chung đô thị, khu chức năng (Kiến Giang, Hoàn Lão, Đồng Lê, Quy Đạt, Phong Nha, khu Kinh tế Hòn La...); Quy hoạch, thiết kết một số khu vực và các tuyến đường quan trọng tại thành phố Đồng Hới...
Cùng đó, việc hoàn thành tốt các đồ án quy hoạch chi tiết phục vụ cho các dự án đầu tư phát triển đô thị đã giúp cho các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới, khu nhà ở thương mại, hạ tầng kỹ thuật khu dân cư sớm được triển khai, góp phần mở rộng không gian đô thị; các khu dân cư, khu chức năng cũng đã được chỉnh trang, góp phần thay đổi cảnh quan, kiến trúc các khu đô thị.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Nhờ thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch và phát triển đô thị nên hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đô thị, nông thôn, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư. Qua đó, đã từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là thành phố Đồng Hới được đầu tư, chỉnh trang tương đối hoàn chỉnh... Nhờ đó. đến nay tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh ta đạt 30%. Hệ thống trường học, trạm y tế và các công trình hạ tầng xã hội khác được đầu tư theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hóa; hạ tầng dịch vụ bưu chính, viễn thông, phát thanh-truyền hình, công nghệ thông tin được chú trọng đầu tư, nâng cấp...
Hướng đến tương lai
Để thực hiện sứ mệnh cao cả của mình trên chặng đường phát triển mới của tỉnh nhà thời gian tới, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành GTVT và ngành Xây dựng đang tập trung vào việc lập, tổ chức thực hiện và quản lý tốt các quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới... bảo đảm tính hiện đại, đồng bộ, kết nối.
Đi liền với đó là việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông bảo đảm đồng bộ theo hướng hiện đại. Ưu tiên đầu tư các công trình, như: Nâng cấp Cảng hàng không Đồng Hới, cảng Hòn La, Quốc lộ 12A, Quốc lộ 9B; xây dựng cầu Nhật Lệ 3, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh; xây dựng một số cầu, đường có tính chất kết nối liên vùng; nâng cấp các tuyến đường thủy, các tuyến đường liên xã; hệ thống bến xe; kiên cố hóa các tuyến đường giao thông nông thôn vùng khó khăn, cồn bãi. Quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Đặc biệt, chú trọng xây dựng, chỉnh trang các đô thị phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 33%. Tiếp tục quy hoạch và xây dựng hạ tầng thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn, thị trấn Hoàn Lão, thị trấn Kiến Giang và thị trấn Phong Nha mở rộng; nghiên cứu điều chỉnh mở rộng thành phố Đồng Hới và xây dựng trung tâm huyện Quảng Trạch cơ bản đủ điều kiện công nhận đô thị loại V; hình thành đô thị Dinh Mười; thành lập một số thị trấn đủ tiêu chuẩn như Hòn La..., tất cả nhằm góp phần tạo nên một diện mạo mới, khang trang, hiện đại và văn minh hơn cho Quảng Bình trong hành trình phát triển.
(QBĐT) - Đối với huyện miền núi khó khăn như Tuyên Hóa, việc xác định tiềm năng, thế mạnh và chọn lựa một giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế-xã hội không phải là điều dễ dàng. Thế nhưng, những năm qua, địa phương này đã trở thành một điểm sáng trong giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.
(QBĐT) - Trong vòng 4 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Quảng Bình giảm từ 14,42% (năm 2016) xuống còn 4,98% (cuối năm 2019); giảm 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 50% trở lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề mỗi năm tăng từ 2-2,5%...
(QBĐT) - Nhiệm kỳ 2015-2020, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Bình đã đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn, nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.