Trắng tay sau lũ

  • 08:10, 25/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau trận “lũ kép” lịch sử, hàng chục nghìn hộ dân tỉnh ta đang rơi vào cảnh trắng tay. Nhà cửa của bà con tan hoang, nhiều tài sản có giá trị bị cuốn trôi theo lũ…
Anh Phạm Viết Cảnh, ở đội 3, thôn Lộc Thượng, xã An Thủy buồn bã bên những bao lúa của mình đang lên mầm
Anh Phạm Viết Cảnh, ở đội 3, thôn Lộc Thượng, xã An Thủy buồn bã bên những bao lúa của mình đang lên mầm
Những ngày qua, đi đến nơi đâu của vùng lũ, chúng tôi cũng không khỏi xót xa khi chứng kiến khung cảnh nhiều làng mạc xác xơ, những ngôi nhà tan hoang do lũ càn quét. Cơn đại hồng thủy đã làm chết 15 người, 93  người bị thương; hơn 180 thôn, bản bị chia cắt, hơn 100 nghìn nhà dân bị ngập và hư hỏng; hàng trăm trường học, trạm y tế, thiết bị dạy học, y tế bị ngập lụt, hư hỏng và cuốn trôi, nhiều thiệt hại khác vẫn chưa thể thống kê hết.
Huyện Lệ Thủy là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nhất trong cơn lũ lịch sử vừa qua.
 
Ông Lê Vĩnh Thế, Bí thư Huyện Lệ Thủy cho biết: “Trận “lũ kép” đã nhấn chìm hàng chục ngàn hộ dân nơi đây, nhiều gia đình nước lũ ngập tới nóc. Con số thiệt hại vẫn chưa thống kê hết, nhưng chắc chắn là rất lớn”. Hiện tại, nước lũ cơ bản đã rút khỏi nhà dân. Gần như toàn bộ tài sản của bà con vùng lũ như: đồ điện tử, xe máy, xe ô tô cùng các sản phẩm nông nghiệp bị nhấn chìm, hư hỏng hoặc bị cuốn trôi. 
Trận lũ lịch sử đã gây thiệt hại rất lớn cho huyện Lệ Thủy
Trận lũ lịch sử đã gây thiệt hại rất lớn cho huyện Lệ Thủy
Ông Phan Thanh Lương, Phó Chủ tịch UBND xã An Thủy cho hay: “Trận này đã nhấn chìm toàn bộ nhà dân trong xã, có nhà bị ngập sâu 3-5m, hàng chục nhà bị hư hỏng, sụp đổ, rất nhiều tài sản của bà con bị hư hỏng và cuốn trôi theo dòng nước lũ”. Qua thống kê sơ bộ, tổng giá trị thiệt hại của xã An Thủy khoảng 20 tỷ đồng. Thiệt hại nặng nhất là hàng chục nhà dân bị sập, khoảng 300 tấn thóc bị lũ nhấn chìm, khoảng 20 nghìn con gia súc và gia cầm bị chết, cuốn trôi.
 
Anh Phạm Viết Cảnh, ở đội 3, thôn Lộc Thượng, xã An Thủy xót xa: “Trắng tay thật rồi chú ơi, gần 4 tấn lúa nhà tôi đã bị lũ ngâm cả”. Ngay khi lũ rút, anh Cảnh đã tranh thủ trời nắng để phơi lại những bao lúa còn lại nhằm vớt vát chút ít. Số còn lại không phơi kịp giờ đã nẩy mầm và bốc mùi hôi. Hy vọng có ai đến mua lại về sấy để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm khoảng yến 10 nghìn đồng tôi cũng bán”.  
 
Tại địa bàn thị xã Ba Đồn, các cấp chính quyền và người dân đang tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt. Mặc dù chưa có thống kê thiệt hại cụ thể do lũ gây ra nhưng với con số gần 26.000 ngôi nhà bị ngập nước, chiếm hơn 97% nhà trong toàn thị xã phần nào phản ánh được những thiệt hại người dân gánh chịu. Theo người dân Ba Đồn, đây là trận lũ khủng khiếp nhất trong vòng mấy chục năm trở lại đây. Những cư dân các xã vùng Nam vốn đã quen với cảnh lũ dâng ngập nhà hàng năm cũng bất lực trong trận lũ lịch sử năm nay.
 
Nhớ lại thời điểm lũ dâng, ông Hoàng Văn Sơn, xóm 2, thôn Minh Tiến, xã Quảng Minh vẫn chưa hết sợ hãi. Ông kể: “Mưa to, gió lớn nên cả nhà chen chúc nhau trên con thuyền được neo vào cái cây trước sân. May mà còn giữ được tính mạng, còn tài sản gần như trôi hết”. Mấy chục năm, ông Sơn nếm trải nhiều trận lũ lớn nhỏ nhưng chưa bao giờ cảm thấy bất lực đến như vậy. Qua một đêm nơm nớp lo sợ, cuối cùng lũ cũng rút nhưng căn nhà che mưa nắng của mấy cha con (vợ ông mất sớm, một mình nuôi 6 người con) bị nước lũ đánh sập mất tường nhà.  
Căn nhà của ông Hoàng Văn Sơn, thôn Minh Tiến, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn bị lũ đánh sập
Căn nhà của ông Hoàng Văn Sơn, thôn Minh Tiến, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn bị lũ đánh sập
Các nhà dân ở phường Quảng Long, Quảng Thọ, Quảng Thuận sát bờ sông Gianh đều ngập trên 2m, cuốn trôi, hủy hoại nhiều tài sản. Nhà chị Nguyễn Thu Nga ở phường Quảng Thuận nằm gần cửa sông Gianh. Chồng mất sớm, một mình chị gồng gánh nuôi 3 con nhỏ. Tài sản lớn nhất của gia đình là 2 con trâu đều bị lũ cuốn ra biển. Lũ rút, chị thẩn thờ bên cái chuồng trâu sập xệ, trống không và không biết bắt đầu lại từ đâu.
 
Chị Nga nói trong nước mắt: “Lũ lên quá nhanh và chảy rất xiết, 3 mẹ con lo chạy lũ không kịp thì lấy đâu thời gian đi cứu trâu. Mẹ con thoát được lũ nhưng toàn bộ vật dụng trong nhà cùng 2 con trâu làm vốn cũng đều bị lũ cuốn trôi. Không biết lấy gì nuôi các con đây nữa, sách vở của các cháu bị ngâm nước lũ mấy ngày giờ rách nát cả”…
Người dân huyện Quảng Ninh chở từng xe lúa nảy mầm đi phơi để làm thức ăn chăn nuôi
Người dân huyện Quảng Ninh chở từng xe lúa nảy mầm đi phơi để làm thức ăn chăn nuôi
Đến thời điểm này, lũ trên địa bàn huyện Quảng Ninh cơ bản đã rút nhưng để lại thiệt hại rất lớn cho người dân. Ông Nguyễn Tiến Hinh, thôn Thượng Hậu, xã Võ Ninh kể lại: “Đợt lũ vừa rồi thực sự là khủng khiếp. Trâu bò, lợn gà, tài sản trong nhà bị hư hỏng và bị cuốn theo nước lũ. Hàng trăm tấn lúa của bà con trong thôn chưa kịp bán giờ đã nảy mầm, khó khăn chồng chất. Những ngày đi sơ tán, chúng tôi được chính quyền quan tâm lo cho cơm nước. Giờ tranh thủ nắng lên chúng tôi về dọn dẹp lại nhà cửa”. Nhà ông Hinh còn hơn 6 tấn thóc nhưng chưa kịp bán thì đã bị lũ nhấn chìm, gần như bị hư hỏng hoàn toàn. Không chỉ nhà ông Hinh mà hầu hết người dân làm ruộng trong huyện đều chịu cảnh tương tự. 
Huyện Quảng Ninh đang huy động tối đa lực lượng để khắc phục hậu quả lũ lụt
Huyện Quảng Ninh đang huy động tối đa lực lượng để khắc phục hậu quả lũ lụt
Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: Trước mắt, chính quyền địa phương sẽ thực hiện hỗ trợ cho người dân nguồn lương thực, giống cây, phân bón để ổn định cuộc sống trước mắt. Nhưng về lâu dài, huyện sẽ đề xuất lên cấp trên nâng cấp hệ thống đường sá cao hơn, xây dựng nhiều công trình tránh lũ để đảm bảo an toàn, giảm thiệt hại cho người dân…
 
X. Vương - X. Phú - Th. Hải
 

tin liên quan

Bão số 9 tiến vào đất liền, biển động mạnh
Bão số 9 tiến vào đất liền, biển động mạnh

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 4 giờ ngày 25-10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị khoảng 330 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão.

Dọn lũ, nhanh chóng ổn định cuộc sống
Dọn lũ, nhanh chóng ổn định cuộc sống

(QBĐT)- Sau 7 ngày bị ngâm, ngập lụt... người dân thị trấn Kiến Giang lại đối mặt với một thách thức mới về môi sinh, môi trường

Người Bru - Vân Kiều cuống cuồng thu hoạch sắn "chạy bão"
Người Bru - Vân Kiều cuống cuồng thu hoạch sắn "chạy bão"

(QBĐT) - Chưa kịp khắc phục xong những thiệt hại do đợt lũ lụt gây ra, nhiều người dân ở bản Khe Ngát, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch lại phải cuống cuồng huy động tổng lực để thu hoạch sắn "chạy bão" hòng vớt vát được những tài sản giá trị còn sót lại sau lũ lụt...