Cần biện pháp quyết liệt, triệt để!

  • 12:10, 08/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiện nay, trên địa bàn TP. Đồng Hới, tình trạng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang, ăn xin hoặc bị lợi dụng, ép buộc lang thang, ăn xin tại các điểm du lịch, chợ, tuyến đường, quán ăn rất phổ biến. Thực trạng này gây nguy cơ mất an toàn giao thông, ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội và mỹ quan đô thị. Các địa phương và ngành chức năng cần có giải pháp quyết liệt, triệt để thay vì quẩn quanh, thiếu hiệu quả như hiện nay.
 
Hàng ngày, tại ngã tư đường Trần Quang Khải giao nhau với Hữu Nghị, người tham gia giao thông thường xuyên bắt gặp hình ảnh của ông cụ có dáng người nhỏ, khoảng tầm 65-70 tuổi chống gậy đứng ngay cột đèn báo hiệu giao thông. Chỉ cần đèn đỏ vừa bật, người này liền đi xuống dưới lòng đường, chìa tay xin tiền người đi đường, thậm chí, có thời điểm bất chấp nguy hiểm, len lỏi trong dòng xe đông đúc, tiến sát và gõ cửa các xe ô tô để xin tiền.
 
Ngoài đối tượng ăn xin trên, theo ghi nhận của chúng tôi, khu vực chợ Đồng Hới tập trung khá nhiều người ăn xin với cách thức khác nhau. Đó là 1 người nhìn bình thường dẫn theo những người tàn tật (hoặc giả tàn tật), như: bị khèo chân tay, bị thiểu năng…, đi thành “cặp đôi” đẩy loa thùng hát rong xin tiền khách đi chợ. Có trường hợp, người già, phụ nữ trẻ bồng thêm cả trẻ nhỏ để cầu mong sự thương cảm của khách.
  Tại ngã tư đường Trần Quang Khải giao với Hữu Nghị (TP. Đồng Hới), 1 ông cụ khoảng tầm 65-70 tuổi thường xuyên đứng xin tiền.
Tại ngã tư đường Trần Quang Khải giao với Hữu Nghị (TP. Đồng Hới), 1 ông cụ khoảng tầm 65-70 tuổi thường xuyên đứng xin tiền.
“Ngón nghề” quen thuộc của hầu hết các đối tượng là nằm, ngồi vật vã nhằm đánh vào lòng thương của những người hảo tâm. Đội quân “ăn xin” như trên rất đa dạng, nhưng chủ yếu là trẻ em, người già, phụ nữ, người tàn tật (hoặc giả tàn tật)… Trong khoảng 1 tiếng đồng hồ từ 7h30-8h30 sáng, ngồi ở giữa chợ, chúng tôi có thể đếm được không dưới 5 đối tượng đi xin tiền bằng hình thức trên.
 
Bên cạnh đó, trên địa bàn TP. Đồng Hới còn xuất hiện những người ăn xin giả dạng làm bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo đi xin tiền. Họ thường không ở tại một địa điểm mà di chuyển khắp các tuyến đường trong thành phố. Hầu hết những người ăn xin qua tiếp xúc đều lấy lý do gia cảnh nghèo, con cái bệnh tật hoặc già yếu, mất sức lao động để mọi người rủ lòng thương.
 
Qua trao đổi, ông Nguyễn Hữu Đắc, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP.Đồng Hới cho biết, để gìn giữ nét đẹp và hình ảnh cho thành phố, thời gian qua, chính quyền thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và các xã, phường thực hiện tốt việc quản lý địa bàn, không để các đối tượng lang thang, cơ nhỡ ăn xin gây phiền hà đến người dân và du khách, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, mỹ quan và phát triển du lịch thành phố.
 
Tuy nhiên, việc chấm dứt hẳn tình trạng này vẫn còn là câu chuyện dài, cần sự phối hợp, chung tay của nhiều phía. Bởi, nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại này là do tâm lý “lá lành đùm lá rách”, sẵn sàng giúp đỡ những người “sa cơ, lỡ vận”, người già, trẻ nhỏ, người tàn tật… khiến các đối tượng xem đó như một nghề kiếm tiền.
 
Mặt khác, theo ông Nguyễn Hữu Thuyết, Chủ tịch UBND phường Đồng Hải (TP. Đồng Hới), nhiều năm qua, phường triển khai rất quyết liệt, từ theo dõi đến tổ chức ra quân tập trung xử lý những người lang thang, ăn xin. Nhưng thực tế cho thấy, các đối tượng nhiều thành phần từ người già cho đến thanh niên, trẻ em, đa phần đến từ địa phương khác, thường xuyên di chuyển nên việc xử lý họ không dễ dàng.
Đối tượng ăn xin ngồi bệt giữa các lối đi để xin tiền tại chợ Đồng Hới.
Đối tượng ăn xin ngồi bệt giữa các lối đi để xin tiền tại chợ Đồng Hới.
Hơn nữa, các hình thức ăn xin ngày càng biến tướng, có nhiều chiêu trò để che mắt chính quyền khiến công tác quản lý, tập trung người lang thang, ăn xin gặp không ít khó khăn. Đơn cử, người lang thang, ăn xin khi thấy lực lượng chức năng lại bỏ đi, khi lực lượng chức năng đi thì quay lại.
 
Điều đáng nói, lâu nay, chính quyền sở tại nếu bắt được những đối tượng đang “hành nghề” cũng chỉ tuyên truyền, vận động, thuyết phục người lang thang, ăn xin để họ tự nguyện trở về gia đình, địa phương. Trường hợp nếu chưa xác định được nơi cư trú của đối tượng do không có giấy tờ tùy thân, nhất là các đối tượng mắc bệnh tâm thần, phường sẽ làm thủ tục chuyển về Trung tâm Bảo trợ xã hội và Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh để có hướng xử lý tiếp. Tuy nhiên, thủ tục để đưa các đối tượng đến các nơi này cũng gặp nhiều bất cập, vướng mắc nên cuối cùng chính quyền đành phải để các đối tượng đi…
 
Rõ ràng, việc ngăn chặn trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang, ăn xin của các địa phương đang quanh quẩn “tập trung-trả về gia đình-tái ăn xin". Do đó, nhằm giải quyết triệt để nạn lang thang, ăn xin, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có giải pháp căn cơ, vừa mang tính xã hội vừa có tính kỷ cương răn đe, chứ không chỉ có đẩy đuổi như hiện nay.
 
Ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh, cho rằng, để tăng cường các biện pháp phòng, chống tình trạng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang, ăn xin hoặc bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc lang thang, ăn xin, góp phần bảo đảm an toàn trật tự và an sinh xã hội trên địa bàn, trước hết, chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác truyền thông năng cao nhận thức, hành động của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và cộng đồng trong việc quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ vật chất, tinh thần đối với trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không nơi nương tựa nhằm không để tình trạng người lang thang, ăn xin hoặc bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc lang thang, ăn xin.
 
Cùng với đó, các địa phương và lực lượng chức năng trên địa bàn TP. Đồng Hới chú trọng công tác quản lý về trật tự trị an, nhất là việc kiểm tra, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, tạm trú đối với những đối tượng từ nơi khác đến cư trú trên địa bàn; đồng thời, xử lý nghiêm các nhà nghỉ, nhà trọ cho tạm trú, lưu trú mà không có giấy tờ tùy thân, không khai báo tạm trú, lưu trú theo quy định nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và có biện pháp phối hợp giải quyết không để phát sinh tình trạng người lang thang, ăn xin hoặc bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc lang thang, ăn xin.
 
Đáng lưu ý, khi tổ chức tập trung các đối tượng, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị liên quan để làm đồng bộ, quyết liệt, tránh “bắt cóc bỏ dĩa”. Sau khi đưa đối tượng trở về gia đình, cộng đồng, chính quyền địa phương nơi đối tượng cư trú, cũng cần có giải pháp và chính sách trợ giúp xã hội phù hợp; đồng thời, yêu cầu gia đình, người thân có cam kết không để tái diễn tình trạng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang, ăn xin trên đường phố, nơi công cộng.
 
“Một trong những biện pháp để giải quyết triệt để tình trạng trên là cần sự chung tay, phối hợp của nhiều ngành chức năng. Trong đó, Công an tỉnh, Sở LĐ-TB-XH và các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm các vụ việc có dấu hiệu lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc, trục lợi trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang, ăn xin. Qua đó, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về bảo vệ trẻ em, bảo đảm quyền của các đối tượng yếu thế và pháp luật về trợ giúp xã hội. Đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương khi để tái diễn tình trạng người lang thang, ăn xin hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em, người khuyết tật, cao tuổi cũng cần được xem xét, xử lý trách nhiệm…”, ông Trịnh Đình Dương nhấn mạnh.
 
Thùy Lâm
 

tin liên quan

Cấp cứu nạn nhân bị điện giật qua cơn nguy kịch
Cấp cứu nạn nhân bị điện giật qua cơn nguy kịch

(QBĐT) - Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo vừa cấp cứu thành công một nạn nhân bị điện giật qua cơn nguy kịch. Hiện bệnh nhân đã được chuyển lên bệnh viện tuyến trên để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Thị xã Ba Đồn: Hơn 4.000 học sinh nghỉ học trong sáng nay
Thị xã Ba Đồn: Hơn 4.000 học sinh nghỉ học trong sáng nay

(QBĐT) - Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa to và nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập lụt ở một số điểm trường ở vùng Nam, TX. Ba Đồn. Các trường đã chủ động cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn.

Thời tiết ngày 8-10: Nhiều khu vực trên biển mưa dông mạnh, Trung Bộ mưa lớn diện rộng
Thời tiết ngày 8-10: Nhiều khu vực trên biển mưa dông mạnh, Trung Bộ mưa lớn diện rộng

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên từ nay đến ngày 10-10 ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250-550mm, có nơi trên 600mm; ở các tỉnh Nam Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm.