Hành trình giảm nghèo còn lắm gian truân

  • 08:10, 31/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2020 được xem là năm quan trọng nhằm tổng kết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và Chương trình hành động số 05-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, những thách thức trong thời gian qua đã làm cho hành trình giảm nghèo còn lắm gian truân…
 
Ngay từ đầu năm 2020, tỉnh đã đưa ra chỉ tiêu phấn đầu giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,2% và hộ cận nghèo 2% so với năm 2019 và đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 3,78% (cuối năm 2019 là 4,98%) hoặc thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của cả nước. Trên cơ sở đó và tình hình thực tế của các địa phương, tỉnh đã phân bổ chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo các huyện, thị xã, thành phố.
  Trong bối cảnh thiên tai khắc nghiệt, người già, người neo đơn, đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ nghèo, cận nghèo… cần được quan tâm hỗ trợ.
Trong bối cảnh thiên tai khắc nghiệt, người già, người neo đơn, đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ nghèo, cận nghèo… cần được quan tâm hỗ trợ.
Cụ thể, các huyện Lệ Thủy giảm 0,9% hộ nghèo, 0,5% hộ cận nghèo; Quảng Ninh và Bố Trạch giảm 0,7% hộ nghèo và 08-0,9% hộ cận nghèo; Quảng Trạch giảm 1,2% hộ cận nghèo, 2% hộ cận nghèo; Tuyên Hóa giảm 2,7% hộ nghèo, 4% hộ cận nghèo; Minh Hóa giảm 5,5% hộ nghèo, 12% hộ cận nghèo; TX. Ba Đồn giảm 0,5% hộ nghèo, 1,5% hộ cận nghèo; TP. Đồng Hới giảm 0,08% hộ nghèo, 0,1% hộ cận nghèo. Tổng kinh phí thực hiện công tác giảm nghèo trong năm 2020 được Trung ương hỗ trợ trên 146,7 tỷ đồng và huy động các nguồn xã hội hóa.
 
Theo ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội (LĐ-TB-XH), để thực hiện chương trình giảm nghèo hiệu quả, các huyện, thị xã, thành phố giao chỉ tiêu cho các xã, phường. Các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể và lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của từng cơ sở, gắn với các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực. Từ đó, nhiều địa phương đã chủ động, tích cực hơn trong công tác giảm nghèo.
 
Nổi bật, các địa phương tập trung các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo theo hướng tập trung phù hợp; đồng thời, gắn công tác hỗ trợ vốn tín dụng với việc đào tạo, tập huấn hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, lâm… phù hợp với nhu cầu, khả năng của người nghèo. Đối với những địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh triển khai các dự án, chính sách giảm nghèo, như: chương trình 30a, 135, hỗ trợ các xã ngoài chương trình 30a và 135…
 
Cùng đó, Ban chỉ đạo giảm nghèo các địa phương đã phân công các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tiếp nhận, sử dụng hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để chủ động phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, tuyên truyền, vận động người dân ở các xã có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, nhất là các nước có mức thu nhập cao, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...
 
Để giảm nghèo bền vững, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự chung tay của cả cộng đồng, thì sự nỗ lực vươn lên của chính những người nghèo là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, chưa bao giờ người lao động (NLĐ) nói chung và người nghèo nói riêng phải đối mặt với những khó khăn chồng chất như hiện tại. Đại dịch Covid-19 vừa tạm lắng xuống nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng thì thiên tai tiếp tục “hoành hành” làm ngưng trệ hoàn toàn hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân. Tác động của thiên tai, dịch bệnh đã khiến “cuộc chiến” giảm nghèo bền vững của người dân cam go hơn bao giờ hết.
  Hoạt động cứu trợ của các tổ chức, cá nhân góp phần giúp người dân vùng lũ nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Hoạt động cứu trợ của các tổ chức, cá nhân góp phần giúp người dân vùng lũ nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Nhìn nhận từ thực tế trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay, hàng nghìn NLĐ, trong đó, nhiều lao động trong các hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm: mất việc làm, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, bình thường, số NLĐ đến làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp năm sau cao hơn năm trước khoảng 8-10%, do số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp gia tăng.
 
Tuy nhiên, năm nay ảnh hưởng của dịch Covid-19, số người đến đăng ký thất nghiệp tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện, có trên 3.500 hồ sơ của NLĐ thất nghiệp đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Riêng 9 tháng năm 2020, Sở LĐ-TB-XH tỉnh đã ban hành trên 3.000 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2019) và tư vấn giới thiệu việc làm cho gần 3.300 NLĐ thất nghiệp.
 
Đặc biệt, đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt trong tháng 10-2020 đã, đang tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động kinh tế-xã hội, thiết chế hạ tầng ở tất cả các tuyến từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi trên địa bàn tỉnh ta. Cụ thể, mưa lũ lịch sử nhấn chìm trên 110.700 nhà dân, trong đó, hơn 250 nhà dân bị hư hại hoàn toàn; hàng nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hại; hơn 6.000 gia súc, gần 40.000 gia cầm bị trôi, chết; hàng chục km các tuyến đê, kè đường giao thông bị hư hỏng, sạt lở… Có thể nói, sau trận “lũ kép”, hàng chục nghìn hộ dân tỉnh ta đang rơi vào cảnh khốn khó khi mà nhà cửa tan hoang, nhiều tài sản có giá trị bị cuốn trôi.
 
Trong bối cảnh thiên tai khắc nghiệt, người già, người neo đơn, không có sức lao động, đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ nghèo, hộ cận nghèo… chính là những đối tượng yếu thế, dễ bị tác động và tổn thương nhiều nhất. Chị Nguyễn Thị Lương, thôn Tây, xã Võ Ninh (Quảng Ninh) xót xa chia sẻ: “Lũ về quá nhanh, trong chớp mắt đã ngập tới cổ. Gia đình chỉ kịp chạy thoát thân còn đâu bỏ lại hết toàn bộ tài sản gây dựng bấy lâu, bao gồm: thóc, lúa, lợn, gà ngập sâu trong biển nước. Không biết tới đây, gia đình tôi sẽ sống bằng gì?".
 
Rõ ràng, tác động của đại dịch Covid-19 không chỉ làm giảm đáng kể thu nhập của các hộ gia đình, mà còn làm cho tình trạng gia tăng hộ nghèo tạm thời về thu nhập. Đến thiên tai mưa lũ, người nghèo càng bị tác động nghiêm trọng. Một số hộ vừa thoát nghèo thì nay có nguy cơ tái nghèo do bị thất nghiệp và trắng tay sau lũ. Mặc dù, Chính phủ đã có Nghị quyết số 42 ban hành gói hỗ trợ cho các nhóm lao động chịu ảnh hưởng dịch bệnh, trong đó, có người nghèo nhưng số tiền đó chỉ bù đắp để giúp họ có thể duy trì cuộc sống tối thiểu.
 
Những ngày qua, hàng trăm đoàn cứu trợ trên mọi miền Tổ quốc đã về với người dân vùng lũ trên địa bàn tỉnh. Những chuyến hàng cứu trợ mang theo số lượng lớn nhu yếu phẩm, như: mì tôm, lương khô, bánh chưng, cơm hộp, nước sạch... để hỗ trợ, giúp đỡ người dân. Tuy nhiên, thời điểm "nước sôi lửa bỏng" đã qua, lúc này, lo lắng của người dân chính là việc ổn định cuộc sống và phương kế sinh nhai lâu dài.
 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trịnh Đình Dương cho biết, cùng với ứng cứu, cứu trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ, Sở LĐ-TB-XH đang đẩy mạnh việc phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thống kê số hộ nghèo, hộ cận nghèo bị thiệt hại. Trên cơ sở đó, đơn vị tham mưu với UBND tỉnh triển khai các nhóm giải pháp hỗ trợ giảm nghèo về vấn đề sinh kế phù hợp, thiết thực và hiệu quả hơn…
 
Thùy Lâm
 

tin liên quan

Hướng về người dân vùng lũ
Hướng về người dân vùng lũ

(QBĐT) - Trong hai ngày 30 và 31-10, các đơn vị, nhà hảo tâm ở khắp nơi trên cả nước đã đến chia sẻ khó khăn, hỗ trợ người dân vùng lũ khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Sẻ chia với người dân vùng lũ
Sẻ chia với người dân vùng lũ

(QBĐT) - Nhằm kịp thời chia sẻ với những khó khăn, mất mát mà người dân vùng lũ phải gánh chịu trong đợt mưa lũ vừa qua, LĐLĐ và công đoàn (CĐ) các cấp tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho người dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Tình người ấm áp giữa bão lũ miền Trung
Tình người ấm áp giữa bão lũ miền Trung

Giữa bão lũ khắc nghiệt, tình người ấm áp giữa cộng đồng miền Trung vẫn được duy trì mạnh mẽ. Chung tay tiếp lửa cho tinh thần đó, Huda đã gửi tặng 5.000 phần quà cho đồng bào tại 5 tỉnh bị thiệt hại nặng nề: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.