(QBĐT) - Để bảo vệ đàn gia súc trong mưa lũ, người dân xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa đã xây dựng những khu chuồng trại trên núi đá vôi, mỗi khi có lũ về là đưa trâu, bò lên đây tránh trú. Cách làm này ít tốn kém nhưng bảo đảm an toàn cho đàn gia súc trong mưa lũ.
Chị Lê Thị Mỳ ở thôn Lạc Sơn, xã Châu Hóa chăn nuôi 3 con bò nhưng phải làm đến hai cái chuồng, một cái ngay tại vườn nhà, còn một cái làm trên núi đá vôi cách nhà khoảng 500m. Cứ hễ có mưa to, nước sông Gianh bắt đầu dâng là chị Mỳ cho bò lên núi. Thức ăn của bò cũng được chị Mỳ mang lên cất sẵn trên gác, đủ cho 3 con bò ăn trong vòng 3 đến 4 ngày.
Chị Lê Thị Mỳ cho biết, ở đây ai cũng nuôi trâu, bò, ngoài những gia đình có điều kiện để xây chuồng có hai gác thì ai cũng phải xây thêm một cái chuồng nhỏ trên núi để trâu, bò có chỗ tránh lũ.
![]() |
Chênh vênh trên sườn núi đã vôi, những khu chuồng trại được người dân xây dựng san sát. Do địa hình dốc, mặt bằng không có nên mỗi chuồng trại chỉ được xây dựng trên diện tích khoảng 4-6m2. Nhà nào nuôi nhiều trâu, bò thì phải xây từ 2 đến 3 cái chuồng.
Theo ông Phan Thanh Hường, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Hóa thì do địa hình thấp trũng, thường phải hứng chịu những trận lũ lớn nên người dân ở đây đã chủ động phương án phòng tránh lũ chu đáo cho đàn gia súc, gia cầm. Ngoài xây dựng chuồng trại trên núi đá, người dân trên địa bàn xã còn xây những khu chuồng lớn, có gác cao để trâu, bò, lợn, gà trú ẩn khi có lũ lớn. Bên cạnh đó, người dân cũng chủ động kết bè, mảng để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm khỏi bị nước cuốn trôi.
Xã Châu Hóa có tổng đàn gia súc trên 2.000 con, gia cầm trên 55.000 con. Nhờ chủ động các phương án phòng, chống nên nhiều năm qua, mặc dù phải hứng chụi những đợt lũ lớn nhưng hầu hết đàn gia súc, gia cầm của xã luôn được bảo đảm an toàn. Đây cũng là cách làm hay mà nhiều địa phương cần học hỏi.
Văn Tư