(QBĐT) - Đối với huyện miền núi khó khăn như Tuyên Hóa, việc xác định tiềm năng, thế mạnh và chọn lựa một giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế-xã hội không phải là điều dễ dàng. Thế nhưng, những năm qua, địa phương này đã trở thành một điểm sáng trong giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.
“Chìa khóa vàng” thoát nghèo
Gần 10 năm trước, vợ chồng ông Phạm Văn Hồng ở thôn Đồng Giang, xã Đồng Hóa (huyện Tuyên Hóa) không nghĩ rằng rồi sẽ có một ngày gia đình mình thoát được nghèo. Ông Hồng cho biết, Đồng Hóa vốn là địa phương đất chật, người đông. Đất sản xuất đã ít, lại cằn cỗi, nhỏ lẻ, manh mún vì bị chia cắt bởi những ngọn núi đá vôi. Nếu chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, thì làm sao đủ ăn. Trong khi đó, ông bà có đến 8 người con đang tuổi ăn tuổi lớn.
Thời điểm đó, vợ chồng ông phải thuê, mướn thêm ruộng. Có năm diện tích làm ruộng của gia đình ông lên đến một mẫu. Đó là những năm tháng vợ chồng ông phải làm quần quật không kể ngày đêm. Thấy bố mẹ vất vả quá, năm 2011, người con trai thứ 3 liền xin bố mẹ đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) để phụ giúp nuôi các em.
Diện mạo nông thôn Tuyên Hóa ngày càng khởi sắc.
Nghe con xin đi XKLĐ, ông bà thương con lắm, nhưng lại nghĩ, nếu ở nhà, chắc cuộc sống của con sau này cũng chỉ quẩn quanh với ruộng đồng và làm “thợ đụng”, mưu sinh qua ngày... Nghĩ vậy, cuối cùng ông bà đồng ý và vay mượn tiền cho con theo bạn đi Đài Loan XKLĐ. Từ đó, đều đặn hàng tháng, người con trai thứ 3 này gửi tiền về cho ông bà từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng.
Theo bước anh trai đi trước, khi huyện Tuyên Hóa có chủ trương khuyến khích người dân XKLĐ có thời hạn ở nước người, lần lượt những người con của ông Hồng cũng quyết tâm xin bố mẹ XKLĐ. Hiện tại, gia đình ông Hồng có tất cả 4 người con (gồm: 2 người con đẻ, con dâu, con rể) đang đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.
Chủ tịch UBND xã Đồng Hóa Nguyễn Tiến Nam cho biết, với nhiều người dân xã Đồng Hóa, việc tìm kiếm việc làm hay sinh kế để mưu sinh tại địa phương là rất khó. Khi việc làm không có, lao động dôi dư, thì câu chuyện XKLĐ trở thành “chìa khóa vàng” để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững. Từ khi Đề án XKLĐ được ban hành, chính quyền địa phương đã rốt ráo vào cuộc triển khai thực hiện. Qua 5 năm thực hiện, đến nay, toàn xã có trên 280 lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nguồn thu từ lực lượng lao động này đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo cho người dân trên địa bàn.
Chuyển hướng phát triển kinh tế
Không chỉ chủ trương khuyến khích XKLĐ đã mở lối thoát nghèo bền vững cho người dân, mà trong thời gian vừa qua, Tuyên Hóa đã đề ra những chính sách, chủ trương phù hợp, sát thực tiễn, tạo điều kiện cho người dân có thêm nhiều sự lựa chọn trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Mỗi năm, gia đình anh Đặng Đình Long ở thôn Kinh Châu, xã Châu Hóa làm đến 1 mẫu ruộng (do thuê, mướn lại ruộng), nuôi 2 lồng cá trên sông Gianh, lại sẵn có nghề đánh cá trong tay. Thế nhưng hễ đến mùa nông nhàn, vợ chồng anh vẫn phải đi phụ thợ hồ hoặc đi đập đá thuê cho các mỏ khai thác đá ở gần đó để kiếm thêm thu nhập.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân Tuyên Hóa.
Nói vậy, thế nhưng thời điểm đó, gia đình anh cũng đã chú trọng việc chăn nuôi bò. Trong chuồng nhà anh luôn nuôi từ 1 đến 2 con bò để vừa tận dụng nguồn phụ phẩm từ làm ruộng, vừa tăng thêm thu nhập. Năm 2010, khi giá trị kinh tế của việc chăn nuôi bò lai rất cao, vợ chồng anh mới thôi hẳn đi làm thuê, mà tập trung đầu tư công sức vào chăn nuôi bò lai. Gia đình anh Long cũng là một trong những hộ chăn nuôi bò lai đầu tiên ở xã Châu Hóa.
Từ đó đến nay, gia đình anh luôn duy trì đều đặn 4 con. Để chủ động nguồn thức ăn nuôi bò, anh Long cũng đã chuyển đổi 3 sào đất ruộng màu, ruộng lúa không hiệu quả sang trồng cỏ. Anh Long cho biết, từ khi tập trung chăn nuôi bò lai, đều đặn mỗi năm anh bán 2 con. Năm nay, anh đã bán 2 con bò lai (7 tháng tuổi) với giá hơn 32 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập không nhỏ hàng năm đối với gia đình anh.
Ông Lê Nam Giang, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết, câu chuyện tìm "lời giải" thoát nghèo cho người dân được lãnh đạo địa phương đặt ra khá sớm và rất trăn trở. Tuy nhiên, không phải lời giải nào cũng phù hợp, trong điều kiện Tuyên Hóa là huyện miền núi, diện tích tự nhiên lớn nhưng đất sản xuất ít và bị chia cắt bởi nhiều địa hình, cùng với đó là giao thông, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ. Vì vậy, khả năng thu hút đầu tư còn hạn chế, đặc biệt là thiếu những dự án đầu tư lớn mang tính động lực cho phát triển.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, huyện đã xác định được con đường đi bằng cách bắt đầu từ điểm xuất phát thực tế của địa phương mình. Đó là làm sao giải quyết việc làm, đào tạo nghề và tạo sinh kế cho người dân. Bởi, đó chính là nền tảng cơ bản, là con đường duy nhất cho người dân thoát nghèo một cách bền vững.
Cùng với việc dồn lực thực hiện đồng bộ các biện pháp trên cơ sở khai thác tiềm năng thế mạnh, việc ban hành các đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và XKLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đề án phát triển chăn nuôi đàn bò lai chính là “lời giải” cho những vấn đề nói trên.
Nhờ đó, từ năm 2015 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm của Tuyên Hóa giảm 5,56%. Nếu như năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chiếm đến 31,77%, thì đến năm 2019 con số này chỉ còn 9,51% (giảm 22,26% so với năm 2015). Thu nhập bình quân đầu người từ chỗ chỉ đạt hơn 18 triệu đồng/người (năm 2015), dự ước năm 2020 đạt 38 triệu đồng/người.
Những kết quả đáng phấn khởi trong công tác giảm nghèo trong thời gian qua đã góp phần cải thiện đời sống của nhân dân, nhất là các đối tượng người nghèo và cận nghèo, đồng thời, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, qua đó, làm thay đổi rõ rệt diện mạo khu vực nông thôn và miền núi trên địa bàn.
Đó là nền tảng và là đòn bẩy để Tuyên Hóa tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp giảm nghèo cho giai đoạn tiếp theo. Thời gian tới, cùng với việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, Tuyên Hóa tiếp tục xác định mục tiêu giảm nghèo đóng vai trò then chốt nhằm góp phần xóa bỏ khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa huyện nhà với các vùng, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.
(QBĐT) - Trong vòng 4 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Quảng Bình giảm từ 14,42% (năm 2016) xuống còn 4,98% (cuối năm 2019); giảm 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 50% trở lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề mỗi năm tăng từ 2-2,5%...
(QBĐT) - Nhiệm kỳ 2015-2020, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Bình đã đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn, nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 9, tại Bình Châu (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; đảo Lý Sơn gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; đảo Cồn Cỏ gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên đã có mưa to với lượng mưa phổ biến 70-150mm.