(QBĐT) - Là công nhân lao động trực tiếp, với công việc chính là cạo mủ nhựa thông, nhưng anh Võ Xuân Quỳnh (SN 1972), công nhân Lâm trường Rừng thông Bố Trạch, Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại, luôn cần cù tìm ra những cách sản xuất mới mang lại năng suất, sản lượng nhựa cao. Với sáng kiến của mình, hàng năm, anh luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu của lâm trường giao.
Trong ngôi nhà 2 tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi của mình, anh Võ Xuân Quỳnh vui mừng, tự hào giới thiệu, cơ ngơi này là thành quả của 27 năm cần cù, phấn đấu lao động, sản xuất của vợ chồng anh chị. Anh kể, năm 1992, vợ chồng anh chị vào làm công nhân cho Lâm trường Rừng thông Bố Trạch.
Cuộc sống công nhân của vợ chồng anh lúc đó rất khó khăn do sản lượng khai thác nhựa thông đạt thấp. Chưa có kinh nghiệm nên hàng năm, việc phải đạt kế hoạch lâm trường giao trở thành áp lực lớn với anh. Tuy nhiên, với sự cần cù, chịu khó, sau nhiều năm, anh đã trở thành một công nhân giỏi của lâm trường.
Ghi nhớ lời Bác Hồ dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, trong quá trình lao động, anh đã luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và suy nghĩ ra những sáng kiến làm tăng năng suất cho sản phẩm. Nói về sáng kiến của mình, anh cho biết: Sáng kiến xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn sau nhiều năm làm nghề công nhân cạo mủ của anh.
![]() |
Trước đây, anh và những công nhân khai thác nhựa thông đều có thói quen đi cạo mủ vào ban ngày, từ sáng đến chiều và tối thì về nghỉ ngơi. Tuy nhiên, sau nhiều năm gắn bó với công việc này, anh Võ Xuân Quỳnh đã thay đổi suy nghĩ và cách thức khai thác nhựa thông.
Anh Quỳnh cho hay: “Cây thông cho nhựa nhiều nhất vào mùa xuân, mùa hạ rồi đến mùa thu và mùa đông. Do vậy, bản thân tôi nghĩ phải phân bổ chu kỳ khai thác sao cho phù hợp. Vào mùa hè nhiệt độ cao, thời tiết khô hanh và có gió Lào nên việc khai thác vào ban đêm thì sản lượng nhựa sẽ nhiều hơn.
Ngược lại, về mùa thu và mùa đông nhiệt thấp, độ ẩm cao thì tôi nghĩ phải chuyển sang khai thác vào buổi sáng sớm để nhựa chảy vào ban ngày sẽ cho hiệu quả cao, còn chiều tối và ban đêm trời lạnh, nếu nhựa chảy ra sẽ bị khô cứng ngay trên mặt máng trước khi chảy vào bát. Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật này mà vợ chồng tôi năm nào cũng đạt và vượt sản lượng kế hoạch lâm trường giao”.
Theo anh Quỳnh chia sẻ, trung bình mỗi năm, Lâm trường Rừng thông Bố Trạch giao sản lượng khai thác nhựa thông cho mỗi công nhân là 30 tấn, tuy nhiên, nhờ tính cần cù và áp dụng cách khai thác ở trên, năm nào anh cũng khai thác được 32 tấn, vượt kế hoạch giao 2 tấn. Đặc biệt trong năm 2020 này, mặc dù mới hơn 6 tháng đầu năm, nhưng sản lượng nhựa anh khai thác đã đạt hơn 80% kế hoạch lâm trường giao.
Thấy sản lượng khai thác nhựa thông của anh tăng cao, các công nhân trong lâm trường cũng đã áp dụng cách làm này. Tại các hội nghị tổng kết của lâm trường, anh Võ Xuân Quỳnh đều truyền đạt lại kinh nghiệm cho những công nhân khác học tập. Nhờ đó, nhiều công nhân cũng đã đạt sản lượng kế hoạch của lâm trường giao.
Hưởng ứng phong trào “Nhận đất khoán rừng, trồng rừng kinh tế’, “Phát triển kinh tế hộ” của lâm trường, ngoài việc nhận khai thác 8ha rừng thông, anh Võ Xuân Quỳnh còn nhận trồng và chăm sóc 13ha rừng trồng nguyên liệu. Trung bình thu nhập mỗi năm của anh khoảng trên 210 triệu đồng, trong đó, thu nhập từ khai thác nhựa thông là gần 100 triệu đồng/năm, thu nhập từ trồng rừng kinh tế 115 triệu đồng/năm.
Với tinh thần trách nhiệm cao với công việc từ năm 2015 đến năm 2020, anh Võ Xuân Quỳnh đã được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất; Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tặng giấy khen trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; LĐLĐ tỉnh và Tổng LĐLĐ tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” và xây dựng tổ chức công đoàn. Nhiều năm liền anh được công nhận chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và giấy khen của lâm trường, của công ty.
Đ.N