(QBĐT) - Trong những ngày hè nắng như đổ lửa mà được ngụp lặn trong dòng nước mát lành thì quả là thú vị. Không chỉ làm vơi bớt cái nóng, dòng sông còn là nơi tập bơi… miễn phí cho giới trẻ. Nhưng để có được dòng sông trong lành đâu dễ. Và, tắm sông, nước sông không chỉ là chuyện riêng của dòng sông nào…
Cái quán cà phê này có “mặt tiền” là một đoạn sông Kiến Giang ( KG), huyện Lệ Thủy, mà trên đó là một thế giới của những người đang tận hưởng cái thú “trời cho” trong ngày hè- tắm sông. Vậy nên bên ly cà phê chuyện cứ chảy dài theo dòng sông. Có lẽ không phải bàn cãi, trong những ngày hè nắng cháy da này dòng sông là nơi giải nhiệt “tuyệt hảo”. Nhưng tắm sông mát nhất vào lúc nào?
Câu trả lời còn tùy thuộc vào sở thích của mỗi người, nhưng với tôi, tắm sông tuyệt vời nhất là lúc 8-9 giờ sáng các ngày hè. Vâng, lúc ấy, nước sông mát lạnh, trong lành nhất, ánh nắng mặt trời không quá gay gắt. Nhưng thói quen khá phổ biến của nhiều người vẫn là tắm sông vào cuối buổi chiều sau một ngày làm việc, học tập, khi mặt trời đã dịu nắng.
Cái chuyện “tắm sông” đã gợi tôi tìm lại “ngày xưa” trên dòng KG vốn gắn bó với tôi suốt năm tháng tuổi trẻ. Lúc này, nắng chiều đã dịu, ông mặt trời sau cả chục tiếng đồng hồ “thổi lửa” xuống xóm làng đã khuất dần sau những cây lộc vừng, phượng vĩ cổ thụ dọc bờ sông. Trên các bến sông không khí vừa huyên náo vừa vui mắt. Người tắm sông với đủ lứa tuổi, người lên, kẻ xuống, người ra giữa dòng, người ngồi trong cạn... cùng tận hưởng dòng nước mát mẻ. Dòng sông như sặc sỡ hơn bởi đủ các sắc màu của áo phao.
![]() |
Thời gian quả đã làm thay đổi bao nhiêu thứ, kể cả việc bình dị như tắm sông. Vài chục năm về trước, khi chúng tôi còn trẻ con, gần như 100% trẻ ở ven sông đều biết bơi từ lúc rất nhỏ. Cũng dễ hiểu, khi mọi việc liên quan đến vệ sinh thân thể đều nhờ cả vào dòng sông, từ tắm gội, đến giặt giũ… Bơi lội giỏi như một cách “ứng xử” với tự nhiên của bọn trẻ chúng tôi.
Những ngày hè nếu rỗi việc là chúng tôi có mặt ở bến sông với đủ trò chơi trên mặt nước. Thời ấy cũng chẳng có một thứ “phao” nào hỗ trợ chúng tôi… Nhưng kể từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi giếng khơi đã khá phổ biến ở vùng giữa Lệ Thủy thì việc tắm sông cũng ít dần và có thể coi là “gián đoạn” một thời gian khá dài.
Cùng với đó là tỷ lệ biết bơi cũng giảm trong giới trẻ. Rồi một nếp nghĩ được hình thành một cách khá tự nhiên trong bối cảnh cơm gạo, áo tiền đang trĩu nặng trên vai từng ông bố, bà mẹ: không biết bơi cũng chả sao(!)… Chính điều này làm thiệt thòi cho trẻ so với các thế hệ trước chăng? Bởi biết bơi cũng là một thứ “vắc- xin” trong cuộc đời mỗi người khi phải đối mặt với biết bao tai ương về sông nước.
Theo ông Trần Văn Lai ở Phan Xá, xã Xuân Thủy, việc tắm sông phát triển trở lại những năm gần đây và trong mùa hè này thì được coi là bùng phát mạnh mẽ nhất. Lý giải điều này, ông Lai cho rằng, một phần quan trọng là chất lượng nước sông trong nhiều năm gần đây khá tốt, mùa hè năm nay lại quá nóng bức. Quả là thú vị khi được ngụp lặn trong dòng nước mát lành những ngày nắng “chảy mỡ” này.
Nhìn những đứa trẻ bơi lặn như “rái cá” trên sông, chắc hẳn ai là bố, là mẹ mà con chưa biết bơi không khỏi chạnh lòng. Ông Lai còn cho biết: “Chiều nào cũng về sông tắm, mấy bữa nay còn phải tập bơi cho cháu nội ở Đồng Hới lên chơi. Cũng kỳ công lắm việc tập bơi cho bọn trẻ”. Vậy xem ra tắm sông không chỉ là giải nhiệt trong ngày hè mà còn là nơi tập bơi miễn phí cho trẻ em ở thôn quê. Nơi mà bể bơi nhân tạo phục vụ cho tập bơi của trẻ là thứ xa xỉ, thậm chí là không thể.
Nhưng ở một góc nhìn khác, ông Đỗ Quỹ Dũng ở Xuân Giang, thị trấn Kiến Giang nói: “Hiện tại nước sông tắm được, nhưng cũng phải dè chừng, nếu bảo vệ môi trường không tốt ngay ở vùng giữa và kể cả ở thượng nguồn thì nguy cơ nước sông ô nhiễm, không ai dám nhúng chân chứ nói gì đến tắm”.
Có lẽ, điều ông Dũng nói không cường điệu chút nào, bởi tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nước sông là rất lớn. Một chợ đầu mối nhiều “sắc màu” ở ngay chỗ đẹp nhất của dòng sông-chợ Tréo cùng nhiều chợ ven sông khác. Hàng loạt nhà ở của người dân ven sông, họ xả thải về đâu? Và cả trăm nghìn hoạt động liên quan đến dòng sông dẫn đến ô nhiễm vẫn thường trực…
Năm trước tôi đã có chuyến ngược dòng KG lên miền tây Lệ Thủy. Ngay ở vực An Sinh, dòng sông KG đón nhận từ hai nhánh sông, không khó để nhận thấy màu sắc của hai dòng chảy. Từ nhánh Rào Con nước có màu không được trong lắm, còn nhánh Rào Mệ trong veo. Hai dòng chảy này nhập lại và cùng xuôi về KG nơi những đứa trẻ đang vẫy vùng cũng chỉ trong thời gian ngắn, tính bằng giờ…
Không khó để lý giải cho hai màu đó. Rào Con bé nhỏ hơn nhưng nó chảy qua vùng dân cư với những hoạt động sôi động trong sản xuất, chăn nuôi nên dòng chảy khó có sự trong lành. Rào Mệ-nguồn nước chính cho KG nước trong bởi bắt nguồn từ những cánh rừng nguyên sinh, trên đó chưa có một cơ sở sản xuất kinh doanh lớn nào hoạt động.
Nhưng đó là hiện tại, còn nay mai?
Cuộc sống đang chuyển động từng ngày. Sẽ có những cơ sở sản xuất, kinh doanh, du lịch xuất hiện ở thượng nguồn. Vấn đề đặt ra là cơ quan chức năng của địa phương phải tinh nhạy sớm nhận biết để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn những điều liên quan đến môi trường, đến chất lượng nước của dòng KG ngay từ đầu.
Dòng KG đã và đang là “bầu sữa” cho những cánh đồng phía nam tỉnh. Trong những ngày nắng cháy da, nó là nơi giải nhiệt thú vị cho cư dân đôi bờ và cả bao nhiều điều ý nghĩa khác còn chưa nói hết về dòng sông này. Nó là báu vật của một vùng đất.
Văn Hoàng