(QBĐT) - Lựa chọn chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em” với các thông điệp truyền thông ý nghĩa, như: “Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động”, “Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”, “Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em”, “An toàn cho con, hạnh phúc cho cha mẹ”; “Hãy gọi 111 để bảo vệ trẻ em”…, Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 góp phần lan tỏa, vận động các tổ chức, gia đình và cộng đồng cùng tích cực vào cuộc.
Quảng Bình hiện có trên 243.800 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm tỷ lệ 27,2% dân số), trong đó, trẻ em nữ khoảng 116.300 em và trẻ em nam hơn 127.500 em. Trong những năm gần đây, quyền trẻ em, công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em ngày càng được quan tâm. Tuy vậy, đâu đó vẫn còn các em nhỏ đang phải sống mất an toàn và thiếu lành mạnh. Các em vẫn phải đối diện với nhiều nguy cơ, hiểm họa, như: bạo lực gia đình, bạo lực xã hội, xâm hại trẻ em...
Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), từ năm 2015 đến năm 2019, toàn tỉnh có 65 trẻ em bị xâm hại (trong đó, 27 em bị bạo lực, 32 em bị xâm hại tình dục...). Đáng chú ý, những năm gần đây, số vụ và số trẻ em bị xâm hại tình dục có xu hướng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng.
Giai đoạn 2011-2015, tình trạng xâm hại trẻ em chủ yếu tập trung ở hình thức gây thương tích và xâm hại tình dục, đối tượng xâm hại là người quen, hàng xóm của trẻ em. Đến năm 2016-2019, xuất hiện tội phạm giết người (2 vụ); giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ (3 vụ); có vụ xâm hại tình dục do chính người ruột thịt, thân thích của trẻ gây ra (1 vụ cha hiếp dâm con gái).
![]() |
Một số vụ xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện, nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục có cả những em bé còn ít tuổi. Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em đa phần là người ruột thịt, người thân thích, giáo viên, cán bộ, nhân viên tại các cơ sở giáo dục và đối tượng là người có trách nhiệm chăm sóc, khám, chữa bệnh, người quen của trẻ em… Các hành vi xâm hại trẻ em chủ yếu xảy ra ở các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, nông thôn, ở địa bàn các huyện, như: Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Bố Trạch, Minh Hóa…
Ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trước hết, công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn chưa hiệu quả. Nhận thức và kỹ năng của cha mẹ, các thành viên trong gia đình, giáo viên, người dân trong cộng đồng và chính bản thân trẻ em về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đúng, chưa đầy đủ.
Cụ thể, nhiều em chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục; các em khi bị xâm hại tình dục đa phần đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti, nên không dám chia sẻ, không dám tố giác kẻ phạm tội. Cha mẹ của các em cũng chưa hướng dẫn những kiến thức cơ bản cho các em để chủ động phòng tránh xâm hại tình dục hoặc vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên không tố giác kẻ phạm tội.
Cùng với đó, một bộ phận các gia đình tập trung cho làm ăn kinh tế quá mức dẫn đến tình trạng sao nhãng, bỏ mặc trẻ em, đó là mầm mống cho việc nảy sinh các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Ở khía cạnh khác, nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cha mẹ ly hôn, ly thân hay mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống và bị bạo lực, xâm hại tình dục. Đáng chú ý, môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến trẻ em bị bạo lực, xâm hại, như: ấn phẩm, trò chơi, thông tin trên mạng internet, phim ảnh ngoài luồng có tính chất bạo lực, khiêu dâm...
Hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em vẫn còn khoảng trống. Mặc dù đã có quy định về quy trình, trách nhiệm, thẩm quyền đánh giá nguy cơ và quản lý trường hợp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục nhưng chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, thiếu quy định cụ thể đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác và phối hợp xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại…
Trước thực tế vẫn còn những hành vi gây tổn hại, vi phạm quyền trẻ em, trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em đang được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. Theo ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc sở LĐ-TB-XH, Tháng hành động vì trẻ em năm nay diễn ra trong bối cảnh Quốc hội vừa tổ chức giám sát cấp cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg, ngày 26-5-2020 về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em…
Bởi vậy, việc đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật và thực hiện chính sách pháp luật, trong đó, xử lý nghiêm minh, hiệu quả tất cả các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em; đồng thời, cần có chế tài đối với các cơ quan, đơn vị chưa hoặc không làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình đối với công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Chương, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cho rằng, cần đổi mới căn bản công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em; pháp luật về xử lý hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và hướng dẫn cách sử dụng Tổng đài Quốc gia bảo về trẻ em (số 111)… để trẻ sớm biết cách phòng ngừa, "đề kháng" với những tác động không tốt từ bên ngoài.
Đồng thời, cần hỗ trợ giáo viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em tiếp cận các dịch vụ về y tế, pháp lý bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, nhất là trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trang bị kỹ năng phòng ngừa, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, như: trách nhiệm phát hiện, thông tin, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em…
Song song với đó, công tác phòng ngừa được quan tâm sẽ góp phần ngăn chặn nguy cơ trẻ em bị xâm hại. Đó là, thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng nhất là những đối tượng có tiền án, tiền sự về tội phạm xâm hại trẻ em; quản lý, giáo dục, giúp đỡ trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và tăng cường các biện pháp quản lý, giáo dục cộng đồng, giáo dục cá biệt đối với trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật, phòng ngừa nguy cơ trẻ em tái vi phạm; các ngành chức năng phối hợp kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh (dịch vụ internet, nhà nghỉ, quán karaoke, khách sạn…) nhằm chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi vi phạm liên quan đến trẻ em và người chưa thành niên...
Bà Trương Thị Thanh Hoa, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội và chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB-XH) chia sẻ, bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em không thể trông chờ vào trách nhiệm và nỗ lực của một cấp, ngành mà cần có sự thực hiện trách nhiệm cụ thể và sự phối hợp đồng bộ của các tổ chức chính trị-xã hội, gia đình, nhà trường và mỗi người dân.
Vì vậy, để các hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em gắn với các chương trình hành động Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 thiết thực, ý nghĩa ,cá nhân, tổ chức, các cấp chính quyền địa phương, gia đình, cộng đồng cần chung tay quan tâm và thực hiện tiếp nhận, quản lý, giám sát trẻ em và tổ chức cho trẻ em một mùa hè an toàn, giảm đuối nước, giảm thiểu các vụ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bóc lột...
Thùy Lâm