(QBĐT) - Một người lính quê Phú Thọ yêu và cưới một cô gái Quảng Bình, sau đó có một con gái. Ông vào chiến trường thì bị thương, rồi được đưa ra lại miền Bắc chữa trị và thất lạc vợ con từ đó. Sau 48 năm, người lính già vẫn không nguôi nhớ về phần máu mủ của mình trên đất Quảng Bình...
Tìm vợ con sau 48 năm
Ngôi nhà hiện tại của cựu chiến binh Nguyễn Minh Khoa nằm ở đội 6, xóm Tràng, xã Lệ Mỹ (Phù Ninh, Phú Thọ). Ông Khoa sống cùng vợ là bà Đào Thị Hòa, 65 tuổi. Hai người cưới nhau từ năm 1974 và có bốn người con. Người con cả sinh năm 1975 sống cùng bố mẹ tên Nguyễn Thái Học.
Bà Hòa vốn là người nông dân chân lấm tay bùn. Bà không rành về máy móc công nghệ nhưng mấy tháng rồi bà cứ hóng chuyện qua chiếc điện thoại của anh Học. Anh Học làm nghề thợ xây. Công việc của anh sáng đi tối về nhưng dạo này anh thường dành thời gian cùng mẹ lên mạng bằng điện thoại. “Mỗi cuộc gọi hoặc tin nhắn đến là thêm một niềm hy vọng. Ông ấy cũng mong lắm. Cứ giục mấy mẹ con liên lạc về những đơn vị quân sự ở Quảng Bình nhờ tìm.”, bà Hòa nói.
Những ngày qua, bà Hòa và anh Học thường xuyên lên mạng để cập nhật thông tin tìm kiếm vợ con cũ của ông Khoa.
Anh Học nói anh mới được bố kể về vợ con cũ của ông thời chiến tại Quảng Bình vài năm trước. Qua lời kể của bố, anh cảm nhận được mong mỏi cuối đời của ông. Đầu tháng 1-2020, anh đã quyết định đăng ảnh bố mình lên mạng xã hội. Kèm theo ảnh là những thông tin bố anh còn nhớ được về người vợ và gia đình vợ cũ. Ông còn nhớ rõ tên con gái mà mình đặt là Nguyễn Thị Hải, sinh năm 1970.
Hy vọng tìm thấy vợ con cũ của ông Khoa có lúc đã lóe lên. Khoảng một tuần sau khi những thông tin về vợ con của ông Khoa được đăng lên mạng, một số người từ Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế đã liên lạc về gia đình ông. Những thông tin ban đầu về gia đình người vợ cũ đã có người xác nhận. Tuy nhiên, khi liên lạc lại thì hiện những người của gia đình này đã không còn ở quê cũ. Mấy mẹ con bà Hòa lại tiếp tục tìm kiếm và hy vọng.
“Bố cũng thất lạc vợ con gần nửa thế kỷ rồi. Chừng ấy thời gian không tin tức chắc ông cũng chất chứa nhiều tâm sự. Ước nguyện cuối đời của nhiều người đôi khi chỉ đơn giản là được gặp lại máu mủ của mình như thế.”, anh Học nói.
Vợ con mới giúp tìm tung tích vợ con cũ
Không những anh Học mà cả bà Hòa và ba người con còn lại của ông Khoa đều ủng hộ việc tìm lại vợ con cũ cho bố. Anh Học cho hay ban đầu ông Khoa vẫn chưa tin. Nhưng sau đó anh thấy ông vui.
Chân dung ông Khoa
Dù gần nửa thế ky trôi qua nhưng ông Khoa vẫn chưa bao giờ quên mấy năm ngắn ngủi bên gia đình cũ. Bom đạn chiến tranh đã khiến gia đình ông ly tán. Năm 1967, ông được lệnh lên đường vào chiến trường, đơn vị ông đóng quân bên bờ sông Kiến Giang, thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Năm đó, ông quen một cô gái xứ Lệ tên Tâm, ở gần nơi đơn vị đóng quân. Sau hai năm, gia đình và đơn vị tổ chức kết hôn cho 2 người. Thêm một năm nữa thì thì hai người có một đứa con. Ông lấy họ mình và đặt tên con là Nguyễn Thị Hải. Người vợ cũ tên Tâm của ông có một người chị gái thời điểm đó làm y sỹ tên Tơ và một người em trai tên Sự. Đến năm 1972, ông được lệnh theo đơn vị vào chiến trường Trị Thiên. Đó là lúc bom đạn ác liệt nhất. Ông Khoa bị thương nặng và được đưa ra Bắc điều trị.
Ông Khoa tâm sự với người vợ hiện tại rằng, sau khi được đưa ra miền Bắc không dám tìm lại vợ con cũ. Phần vì trước đó khi ở chiến trường Trị Thiên ông có nghe tin nơi quê vợ bị bom đạn cày xới tan nát, phần vì bản thân chỉ là một phế binh không muốn trở thành gánh nặng. Ông nói 48 năm qua, ông đã nhiều lần muốn đi tìm nhưng không thực hiện được vì thế. Đến tận những năm tháng cuối đời khi tóc đã bạc ông mới chia sẻ với những đứa con. May mắn là các con cũng ủng hộ bố.
Năm nay, ông Khoa đã qua tuổi 82. Bom đạn trong trận chiến ở chiến trường Trị Thiên năm 1972 đã khiến ông mất hẳn một bên chân. Nhưng điều khiến ông thấy mất nhiều hơn trong cuộc chiến này không phải là một phần cơ thể, mà đó là một gia đình.
Bà Hòa nói mấy mẹ con bà cũng suy nghĩ rất nhiều khi quyết định đi tìm vợ con cũ cho ông Khoa. Bà biết có thể người vợ cũ của chồng cũng có gia đình riêng như ông. Khi mấy mẹ con bà Hòa đăng thông tin lên mạng tìm, cũng có nhiều người khuyên nên để mọi chuyện lắng xuống như vốn có để tránh làm xáo trộn cuộc sống hiện tại của cả hai gia đình. Nhưng bà vẫn quyết định đi tìm vì bà nghĩ hai bên đều đã sống qua chiến tranh bom đạn, giờ đến đoạn xế chiều, nên đủ để hiểu giá trị lớn nhất của cuộc đời. Bà nói những người của thế hệ trước như vợ chồng ông bà cũng như người vợ cũ của ông Khoa cũng sẽ đến lúc rời khỏi cuộc đời. Những thứ còn lại trên đời là tình thân và máu mủ. Nếu có được điều tốt đẹp nhất là anh em ruột tìm được nhau thì mới là trọn vẹn.
“Cũng là do chiến tranh bom đạn chứ không phải vì lòng người cách trở. Nên mấy mẹ con đều ý thức được việc phải tìm lại vợ con cũ giúp ông ấy. Máu mủ là điều không thể chối từ.”, bà Hòa nói.
(QBĐT) - Ngày cuối tuần, bà T. đi chợ ghé hàng áo quần để mua vài bộ cho thằng cháu nội mới chào đời. Đang lựa đồ, bỗng nghe giọng nói lớn của chị bán hàng quầy bên:
(QBĐT) - Nhân kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế 8-5, ngày 8-5, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh đã phối hợp với Honda ô tô Quảng Bình-Đồng Hới khánh thành nhà Chữ thập đỏ cho gia đình bà Phạm Thị Hồng ở thôn Đông Dương, xã Quảng Phương (Quảng Trạch).
(QBĐT) - Ngày 8-5, Chi cục Thuế huyện Bố Trạch đã ban hành Công văn số 278/TB-CCT về việc tạm dừng công việc đối với công chức Đ.Đ.Th, công tác tại đội thuế số 2 do đã sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông và có thái độ không chuẩn mực khi làm việc với cơ quan chức năng, vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.