(QBĐT) - Nhằm giúp chị em phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, những năm qua, Hội LHPN huyện Bố Trạch đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) đã góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm mới và nâng cao vị thế cho phụ nữ nông thôn. Từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sau khi tham gia vào tổ hợp tác, HTX, các hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện đã có cơ hội tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh và cải thiện thu nhập.
Tính đến nay, toàn huyện đã thành lập được 17 mô hình tổ hợp tác và HTX do phụ nữ làm chủ với gần 250 thành viên tham gia. Các ngành, nghề hoạt động chủ yếu gồm: làm nón lá, trồng nấm, trồng và sản xuất các sản phẩm từ cây dược liệu, trồng rau sạch, chế biến hải sản, nuôi gà thả vườn... Trung bình mỗi tổ hợp tác, HTX đã tạo việc làm cho 10-20 lao động nữ ở vùng nông thôn và tạo thu nhập ổn định từ 3-5 triệu đồng/ người/tháng.
Sau khi thành lập tổ hợp tác, sản phẩm các ngành nghề sản xuất được tăng lên về số lượng và chất lượng, chị em cũng đã có điều kiện trao đổi kinh nghiệm sản xuất chăn nuôi, trồng trọt và chế biến nông sản. Nhiều chị em phụ nữ từ khó khăn đã vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống gia đình ngày càng ổn định hơn.
Được thành lập năm 2018, tổ hợp tác nuôi gà thả vườn của phụ nữ thôn 3, xã Mỹ Trạch được đánh giá là mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân. Tham gia tổ hợp tác, hội viên có nhu cầu được cung cấp giống bảo đảm chất lượng, sạch bệnh; đồng thời, được hướng dẫn các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi gà, đặc biệt không sử dụng chất cấm.
Chị Nguyễn Thị Huề, tổ trưởng tổ hợp tác nuôi gà thả vườn thôn 3, xã Mỹ Trạch cho biết: “Trước đây, do chăn nuôi theo phương pháp truyền thống nên chị em phải mất 7-8 tháng mới bán được 1 lứa và thu nhập chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của gia đình. Bây giờ, các hộ chỉ nuôi khoảng 4 tháng là đàn gà đã đạt trọng lượng hơn 1,5kg/con, giá xuất bán bình quân 80.000-90.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi lứa 100 con thu lãi từ 5-7 triệu đồng. Một số thành viên chăn nuôi bảo đảm kỹ thuật và chăm sóc tốt có thể thu lãi gần 10 triệu đồng/lứa. Nếu chăn nuôi theo hình thức gối lứa, mỗi năm, các hộ có thể nuôi được 3-4 lứa”.
![]() |
Hiện, tổ hợp tác nuôi gà thả vườn thôn 3 đã có 15 thành viên. Với nguồn thu nhập ổn định, tổ hợp tác tạo được uy tín với các thành viên và cho thấy, đây là hướng phát triển kinh tế hiệu quả cho phụ nữ. Thời gian tới, tổ hợp tác sẽ tăng cường thêm hội viên cũng như tìm thêm đầu ra cho sản phẩm để hội viên phụ nữ xã Mỹ Trạch có cơ hội mở rộng sản xuất, góp phần tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ.
Mô hình HTX sản xuất cây dược liệu sạch của phụ nữ Cự Nẫm cũng là một điển hình phát triển kinh tế hiệu quả của địa phương. Phát huy lợi thế về đất đai và thực hiện chuyển đổi từ một số loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng dược liệu, nhiều người dân đã trồng các loại cây, như: cà gai leo, lạc tiên, đinh lăng… với quy mô lớn.
Ban đầu, khi mới thành lập, tổ hợp tác chỉ có 5 thành viên. Với những lợi ích thiết thực, như: hỗ trợ giống, kỹ thuật gieo trồng, sơ chế, chế biến thành phẩm, số hộ tham gia ngày một tăng. Đến tháng 9-2018, HTX dược liệu Cự Nẫm ra đời. Từ số vốn ban đầu không nhiều, đến nay, HTX đã có nguồn vốn trên 2 tỷ đồng; cơ sở vật chất, như: máy móc thiết bị và nhà xưởng, ngày càng hiện đại hóa. Quan trọng hơn, HTX đã giải quyết việc làm cho 30 lao động thường xuyên và 25 lao động thời vụ ở địa phương với mức thu nhập ổn định từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng.
Chị Nguyễn Thị Giang, chủ nhiệm HTX dược liệu Cự Nẫm cho biết, việc mở rộng quy mô sản xuất, cũng như tăng số lượng thành viên là nhằm duy trì và phát triển HTX. Đây là cơ sở để chị em phụ nữ nâng cao tay nghề và chất lượng sản phẩm của mình, đồng thời, tạo việc làm và góp phần vào chương trình mục tiêu phát triển kinh tế của xã.
Để các tổ hợp tác và HTX phát triển một cách đồng đều, hiệu quả, Hội LHPN huyện đã có chính sách hỗ trợ bằng các hình thức, như: vốn, máy móc, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm và tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt...
Chị Nguyễn Thị Bé, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Bố Trạch khẳng định: "Thời gian tới, Hội sẽ phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho chị em, nhất là với các tổ hợp tác, đồng thời sẽ tạo điều kiện cho chị em vay vốn ưu đãi qua kênh của Hội để đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, tổ hợp tác của mình".
Mô hình tổ hợp tác và HTX nghề nghiệp của phụ nữ là hướng đi hiệu quả trong mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương. Ngoài việc tăng thu nhập và tạo thêm việc làm cho chị em phụ nữ ở nông thôn, mô hình phát triển kinh tế tập thể này còn thắt chặt tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống của chị em phụ nữ, qua đó chung tay xây dựng quê hương ngày một phát triển.
Hồng Thắm
Đài TT-TH Bố Trạch