Vang mãi ký ức hào hùng

  • 08:04, 29/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đã 45 năm qua đi, nhưng trong tâm trí của những người lính “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” năm xưa, ký ức về những năm tháng vẻ vang, tự hào của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn như nguyên vẹn.
 
Trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp đến thăm cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Thạnh, phường Quảng Thọ (TX.Ba Đồn), người trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Qua lời kể của ông, cuộc chiến tranh hào hùng giành độc lập dân tộc được tái hiện lại như một bức tranh sống động, rõ nét. Từ hơn 17 tuổi ông đã tham gia dân quân du kích địa phương. Năm 1972, ông nhập ngũ và thuộc quân số của Tiểu đoàn 53 (bộ đội chủ lực của tỉnh). Sau đó, Tiểu đoàn 53 được nhập vào Sư đoàn Sông Lam (Nghệ Tĩnh) để chuẩn bị lực lượng hành quân vào miền Nam.
 
Ông Thạnh thuộc quân số Trung đoàn 266, Sư đoàn Sông Lam đóng tại vùng Tây Nam Quảng Bình. Tháng 12-1974, đơn vị ông được lệnh tiến công thần tốc vào giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. “Tất cả đều biết đây là một hành trình dài và nguy hiểm. Nhưng không ai chùn bước”, ông nhớ lại. Để tránh sự phát hiện của địch, ông và đồng đội hành quân xuyên rừng suốt hàng tháng trời từ ngã ba Đông Dương, đi qua đất Lào rồi vòng về cửa ngõ phía Đông của Sài Gòn tại Xuân Lộc (Đồng Nai).
 
Đây chính là cánh cửa mở thẳng vào Sài Gòn nên địch tổ chức hệ thống phòng thủ kiên cố nhất. Đơn vị ông Thạnh được lệnh phối hợp cùng một số đơn vị khác phá vỡ hệ thống phòng thủ để mở toang cánh cửa này. Đúng như dự đoán ban đầu của chiến dịch, những người lính đã phải trải qua một trận chiến vô cùng ác liệt. “Bom đạn liên tục nổ suốt ngày đêm. Các đơn vị pháo binh mở màn chiến dịch. Sau đó, đơn vị bộ binh như chúng tôi mới vào trận. Phải mất đến khoảng 10 ngày liên tục phòng tuyến quan trọng này của địch mới được phá”, ông Thạnh kể.
 CCB Trần Văn Thạnh, phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn (bên phải) và đồng đội ôn lại kỷ niệm khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
CCB Trần Văn Thạnh, phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn (bên phải) và đồng đội ôn lại kỷ niệm khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
Cũng trong trận chiến này, khi quân ta sắp phá thành công các cứ điểm thì ông Thạnh bị trúng đạn và bị thương ở gần đầu gối. Ông được đồng đội băng bó rồi cáng lui phía sau chữa trị vết thương. Thêm vài ngày thì cánh cửa quan trọng nhất phía Đông Sài Gòn bị phá vỡ. Quân ta tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn và chính thức giải phóng miền Nam vào ngày 30-4. Sau đó, đơn vị ông Thạnh được phân công nhiệm vụ ở lại Sài Gòn thêm gần hai năm làm nhiệm vụ quân quản, sắp xếp hướng dẫn xây dựng chính quyền. Ông Thạnh nói tuy không thể có mặt cùng đồng đội trong ngày 30-4, nhưng ông vẫn tự hào vì mình đã đóng góp xương máu cho ngày thống nhất đất nước.
 
“Dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, tôi cũng không quên thời gian cùng đồng đội chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Mỗi người lính như tôi khi được trở về với quê hương, gia đình đều thấy mình thật may mắn và muốn dốc hết tâm sức để xây dựng quê hương.”, CCB Trần Văn Thạnh tâm sự.
 
45 năm qua, ký ức về những trận chiến đấu ác liệt với kẻ thù, về ngày chiến thắng vẫn còn đó, vẹn nguyên trong trái tim CCB Lê Thanh Tịnh, phường Ba Đồn (TX. Ba Đồn). Ông Tịnh kể, học xong cấp 3, ông nhập ngũ thuộc quân số của Sư đoàn Sông Lam. Tháng 12-1974, ông vào xã Dương Thủy (Lệ Thủy) học thông tin thuộc Tiểu đoàn 18. Đầu năm 1975, ông là lính thông tin của Trung đoàn 270, Sư đoàn Sông Lam. Đây cũng là thời gian đơn vị nhận lệnh hành quân dọc biên giới Lào theo đường Tây Trường Sơn rồi xuống Bình Phước để tiến vào giải phóng miền Nam.
 
Tuy không làm nhiệm vụ cầm súng chiến đấu trực tiếp với quân địch, nhưng nhiệm vụ của ông Tịnh cũng quan trọng không kém trong mỗi trận đánh. Thời điểm này, ông Tịnh thuộc tiểu đội vô tuyến sóng cực ngắn. Một đại đội thường có 1-2 máy sóng cực ngắn. Những người này sẽ làm nhiệm vụ kết nối các đơn vị bộ binh với chỉ huy chiến dịch. Có sự kết nối này thường xuyên thì các đơn vị mới thống nhất thời điểm và phương án tác chiến trên chiến trường.
 
Sau trận chiến “vòng ngoài” tại Đồng Xoài (Bình Phước), ông Tịnh tiếp tục cùng đồng đội tham gia trận chiến La Ngà rồi đến trận đánh quan trọng vào “cánh cửa thép” Xuân Lộc. Ở trận La Ngà, đơn vị ông Tịnh hiệp đồng đánh một cao điểm của địch. Đây là trận đánh ăn sâu vào ký ức ông Tịnh nhất. Thời điểm được các đơn vị thống nhất là 4 giờ sáng sẽ nổ súng tấn công. Nhưng bất ngờ sương mù bao phủ các cứ điểm của địch. Pháo binh của quân ta không thể xác định vị trí chính xác để pháo kích. Phương án tác chiến phải thay đổi ngay trên chiến trường. “Khi đó đơn vị bộ binh đã vào quá gần. Thông tin không thể gọi về sở chỉ huy vì sẽ bị lộ. Tôi phải dùng hơi thổi vào máy liên lạc mang sau lưng để làm ám hiệu. Sau đó chỉ huy tác chiến mới báo có thay đổi vì bất ngờ trời phủ sương mù.”, ông Tịnh nhớ lại.
 
Trong câu chuyện của mình, người chiến sỹ năm xưa luôn bộc lộ lý tưởng sống cao đẹp. Với ông, được góp mặt trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là một vinh dự, một niềm tự hào. Sau chiến dịch Hồ Chí Minh, ông tiếp tục tham gia chiến dịch biên giới Tây Nam. “Khi ra chiến trường, những người lính như chúng tôi chỉ có một suy nghĩ: quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ Quốc chứ không kể sống chết nữa.”, ông Tịnh chia sẻ.
 
Sau đó, ông tham gia học tập trong môi trường quân đội và có hơn 30 năm làm cán bộ trường sỹ quan quân đội, hiện tại ông đang làm Phó Chủ tịch Hội CCB thị xã Ba Đồn. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào hay trở về với cuộc sống thời bình, ông Tịnh vẫn tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” để xây dựng quê hương, tích cực tham gia xây dựng chính quyền tại địa phương, giáo dục con cháu trở thành người có ích cho xã hội.
 
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước ngày càng đổi mới, vươn mình lớn mạnh cùng thời gian nhưng đại thắng mùa xuân năm 1975 vẫn mãi là niềm tự hào trong ký ức của mỗi người dân, đặc biệt là với những người đã trực tiếp cầm súng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trong thời bình, họ lại tiếp tục trở thành những tấm gương sáng về ý chí, nghị lực cho lớp lớp thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.
 
Lan Chi
 

tin liên quan

Trận đánh mở màn chiến dịch
Trận đánh mở màn chiến dịch

(QBĐT) - Sau 10 ngày hành quân vất vả, ngày 2-3-1975, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 đã đến vị trí tập kết ở tây Thừa Thiên để cùng với các đơn vị tập trung lực lượng chuẩn bị cho trận đánh mở màn Chiến dịch tổng tấn công nổi dậy mùa Xuân 1975, phá vỡ hệ thống phòng ngự của địch ở dãy điểm cao 560, 520, 494, dãy Kim Sắc, tiến xuống đánh cắt tuyến đường huyết mạch của địch ở Lương Điền (huyện Phú Lộc), làm bàn đạp tiến công đánh chiếm chia cắt quốc lộ 1 và giải phóng Huế, Đà Nẵng.    

Trao xe lăn cho người khuyết tật, người có công
Trao xe lăn cho người khuyết tật, người có công

(QBĐT) - Ngày 29-4, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh phối hợp với tổ chức Trả lại tuổi thơ (Hoa Kỳ) trao xe lăn cho người khuyết tật, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm, tặng quà cho công nhân
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm, tặng quà cho công nhân

(QBĐT) - Chiều ngày 28-4, đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đến thăm, tặng quà cho công nhân tại các doanh nghiệp nhân ngày Quốc tế lao động 1-5.