(QBĐT) - Trong bối cảnh cả nước căng mình phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thì ở bên trong các cơ sở cách ly tập trung, cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng (CB CS BĐBP) -những "chốt chặn" thầm lặng-vẫn đêm ngày ân cần, tận tâm phục vụ người dân có liên quan đến dịch bệnh. Gần nửa tháng sống trong khu cách ly, những công dân gọi đây là quãng thời gian “bình an ở tâm bão”.
1 người phục vụ... 7 người!
Âm thầm và lặng lẽ, "nội bất xuất, ngoại bất nhập", đó là quy định bắt buộc của những khu cách ly tập trung giữa cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cơ sở cách ly tập trung tại trụ sở cũ của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh có 153 công dân của các tỉnh Bắc Trung Bộ, trở về từ các nước trong khu vực đang được cách ly. Qua hơn 14 ngày thực hiện nhiệm vụ ở đây, những CB, CSBĐBP tỉnh bảo rằng họ chỉ có một niềm mong mỏi là làm sao cho người dân đến cách ly được bảo đảm an toàn và không có người nào bị lây nhiễm dịch bệnh. Còn với bản thân, họ dường như đã quên đi những mỏi mệt và cả những hiểm nguy có thể xảy ra, sẵn sàng phục vụ nhân dân, sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao phó.
![]() |
Nhẩm tính, chỉ với 23 CB, CS BĐBP và 153 công dân trong khu cách ly, bình quân mỗi CB, CS phục vụ khoảng 7 công dân. Từ chuyện ăn uống, kiểm tra y tế, đến công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng, tất tật đều do một tay CB, CS biên phòng ở đây thực hiện. Từ 4 giờ sáng, các CB, CS đội hậu cần đã thức dậy để chuẩn bị nấu ăn bữa sáng. Đến khoảng 7 giờ, cơm, nước sẽ được họ trao đến tận các cửa phòng cách ly. Chỉ tính riêng thời gian chia cơm, thức ăn vào các hộp khẩu phần và đưa cơm đã mất hơn 1 giờ đồng hồ. Sau thời gian đó, họ mới có thời gian ăn cơm.
Ăn xong, mọi người tiếp tục quay lại thu hồi, dọn dẹp. 9 giờ sáng, họ lại bắt tay vào việc chuẩn bị cho bữa trưa. Công việc quay vòng như thế, suốt cả ngày, chỉ khi nào xong việc, họ mới có thời gian nghỉ ngơi. Việc chợ búa mua các thực phẩm, đồ dùng thiết yếu đã có một CB ở bên ngoài phụ trách. Thượng úy Nguyễn Văn Năm, phụ trách khu cách ly tại trụ sở cũ Bộ Chỉ huy của BĐBP tỉnh cho hay: “Công việc dù không nặng nhọc, nhưng anh em chúng tôi phải luôn chân, luôn tay. Cả ngày tiếp xúc với thức ăn, đến bữa, có những CB, CS trong đội hậu cần gần như chẳng ăn uống được gì cả!”.
Thượng úy Nguyễn Văn Năm cho biết: “Ở đây còn có 6 cháu nhỏ theo bố mẹ vào cách ly, trong đó, có 2 cháu 1 tuổi, cháu lớn nhất 4 tuổi. Vì các cháu còn nhỏ, ban đầu khi chưa có Chỉ thị 16 về cách ly toàn xã hội của Thủ tướng Chính phủ, anh em phải mua cháo dinh dưỡng từ bên ngoài, nhưng từ ngày 1-4, anh em phải tự nấu cho các cháu. Thực phẩm, cách chế biến, khẩu vị ăn uống của các cháu như thế nào, chúng tôi phải hỏi mẹ các cháu để làm. May sao, anh em đều đã có con nhỏ. Và may sao, các cháu không chê cháo của các chú bộ đội nấu!”.
"Bình an ở tâm bão"
Ngày 4-4 vừa qua, 153 công dân trong khu cách ly tại trụ sở cũ Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã hoàn thành 14 ngày cách ly. Thế nhưng, vì có một số trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm, nên tất cả những công dân này phải tiếp tục ở lại cách ly. Tận dụng những ngày cuối cùng, 6 cô gái trẻ cùng nhau viết vội một bức “tâm thư”. Gần 6 trang giấy vở xé vội kín đặc những tâm tư, tình cảm và lòng biết ơn họ muốn chia sẻ với CB, CS BĐBP trong những ngày ở đây.
Trần Thị Thu Hiền (SN 1994) ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, một trong 6 cô gái ấy kể, học xong THPT, Hiền cùng em gái sớm xa gia đình sang đất nước Thái Lan tìm việc làm. Đợt Tết vừa rồi, hai chị em Hiền có về quê ăn Tết. Vừa sang Thái Lan được ít ngày thì dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, hầu hết lao động Việt Nam sang làm ăn ở đó phải tìm cách về quê tránh dịch.
![]() |
Hiền vẫn nhớ như in cái cảm giác hoang mang, lo lắng khi những chuyến xe đưa lao động về nước bị “chặn” lại ở ngay Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, để kiểm tra sức khỏe và đưa về các khu cách ly tập trung. Trên đường đưa đi cách ly, Hiền lo mình và hàng trăm con người trên những chuyến xe ấy sẽ phải ăn ở, ngủ nghỉ và sinh hoạt như thế nào. Về đến khu cách ly tập trung của BĐBP tỉnh, nỗi lo càng nhân lên gấp bội khi có thông tin trên chuyến xe với mình từ Thái Lan về có bệnh nhân bị nhiễm Covid-19. Thế nhưng, dường như hiểu được tâm trạng của những người được đưa đi cách ly như Hiền, các CB, CS đã luôn động viên, an ủi... cho đến khi Hiền biết được người đó có kết quả âm tính.
Ngỡ ngàng vì sự ân cần, chu đáo, sự chăm sóc tận tình, sự động viên của BĐBP, Hiền cho biết, đó cũng chính động lực để những người bị cách ly như mình có thêm niềm tin để thực hiện nghiêm túc việc cách ly. Bức thư có đoạn: “Sáng sớm, cũng như đêm khuya, lúc những người cách ly như Hiền còn nằm ngủ, thì cũng là lúc các chú (bộ đội-PV) thức dậy để chuẩn bị thức ăn, thức uống, đồ dùng cho chúng con. Suốt 14 ngày qua, không phải riêng con-chắc ai cũng xúc động trước sự chăm sóc nhiệt tình, ân cần, sự động viên của các chú bộ đội. Các chú rất thân thiện, cởi mở. Ấn tượng nhất với chúng con là được sống trong không gian gọn gàng, sạch sẽ. Đồ dùng sinh hoạt được cung cấp đầy đủ. Hàng ngày, chúng con được quan tâm, bảo đảm 3 bữa ăn, thay nhau mỗi món, đo nhiệt độ 2 lần trên ngày, được chơi thể thao...”. Và họ gọi thời gian sống ở khu cách ly là những ngày “bình an ở tâm bão”.
Thượng úy Nguyễn Văn Năm chia sẻ: “Nhận được bức thư của 6 cô gái trẻ, chúng tôi vô cùng bất ngờ. Bất ngờ vì tình cảm của các em đã dành cho chúng tôi. Với CB, CS chúng tôi, đó chính là sự ghi nhận, là phần thưởng cho những nỗ lực trong thời gian qua!”.
Dương Công Hợp