(QBĐT) - Với mục tiêu gắn kết các thành viên, hỗ trợ, giúp đỡ nhau để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi (NCT), thời gian qua, công tác nhân rộng mô hình câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau (LTHTGN) đang được triển khai tích cực ở Quảng Bình. Tuy nhiên, trong quá trình thành lập, các CLB vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Điểm tựa của NCT
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 108.468 hội viên Hội NCT. Việc chăm sóc và phát huy vai trò NCT, đặc biệt là hướng tới giúp đỡ NCT nghèo, cận nghèo khó khăn tại cộng đồng là một trong những mục tiêu quan trọng của Đảng, Nhà nước. Nhằm thực hiện tốt mục tiêu đó, cũng như góp phần thực hiện chỉ tiêu trong Chương trình hành động quốc gia về NCT thông qua cách tiếp cận LTHTGN dựa vào cộng đồng, tháng 7-2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2546/QĐ-UBND phê duyệt đề án "Nhân rộng mô hình CLB LTHTGN tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2017-2020". Đến nay, từ 95 CLB thành lập với sự hỗ trợ của dự án VIE022 "Thúc đẩy quyền của NCT thiệt thòi ở Việt Nam", toàn tỉnh đã nhân rộng thêm 60 CLB.
Thời gian qua, huyện Quảng Ninh là địa phương thực hiện tốt mô hình này. Đến nay, toàn huyện đã nhân rộng 46 CLB LTHTGN, trong đó có 31 CLB có quỹ sinh kế từ 80 đến 112 triệu đồng, hầu hết các CLB thực hiện tốt 8 nội dung đề ra gồm: tăng thu nhập, chăm sóc sức khỏe, tình nguyện viên chăm sóc tại nhà, tự giúp nhau và hỗ trợ cộng đồng, bảo vệ quyền và lợi ích, nâng cao nhận thức, chăm sóc đời sống tinh thần thông qua phong trào văn hóa, văn nghệ và kinh phí hoạt động.
Đặc biệt, ngoài các hoạt động cho hội viên vay vốn sản xuất tăng thu nhập, chăm sóc sức khỏe…, hoạt động tự giúp nhau, phát huy tinh thần tương thân, tương ái đã được các CLB chú trọng, thể hiện qua các việc làm cụ thể, như: giúp việc nhà, thăm hỏi các thành viên bị ốm đau, neo đơn, không nơi nương tựa… Ngoài ra, các CLB còn kêu gọi quyên góp nhiều phần quà có giá trị giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị thiệt hại nặng sau thiên tai, lũ lụt...
![]() |
Từ khi thành lập đến nay, các hội viên CLB đã duy trì đều đặn lịch sinh hoạt định kỳ hàng tháng về khám sức khỏe, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục dưỡng sinh... Đặc biệt, điểm nổi bật của CLB là tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ vốn, giúp hội viên nghèo, khó khăn phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Để đạt được mục tiêu, năm 2020, ban điều hành đề án “Nhân rộng mô hình CLB LTHTGN tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2017-2020” sẽ tiếp tục nhân rộng thêm 30 CLB trên toàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 185 CLB.
Còn lắm khó khăn...
Thời gian qua, đề án đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của chính quyền địa phương, các cấp hội NCT. Các CLB mới thành lập nhưng đã đi vào nền nếp, sinh hoạt ổn định và nhiều nội dung đề ra của CLB đã được phát huy hiệu quả… Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, vướng mắc, như: thiếu quỹ sinh kế, khó thu hút tình nguyện viên trẻ tham gia, thiếu cơ sở vật chất để sinh hoạt CLB...
![]() |
Đối với hai huyện miền núi Tuyên Hóa và Minh Hóa, hoạt động mô hình càng khó khăn hơn. Theo ông Trần Đức Vân, Trưởng ban đại diện Hội NCT huyện Tuyên Hóa cho biết, nếu thực hiện đầy đủ 8 nội dung của mô hình, thì đây là mô hình hay và là điểm tựa cho NCT. Tuy nhiên, khi thành lập, nguồn kinh phí ban đầu không có, các CLB phải tự vận động quyên góp, các hội viên trẻ tuổi không muốn tham gia vì họ đã tham gia quá nhiều hội, như: Hội LHPN, Hội Nông dân...
Theo ông Vân, vì không có quỹ sinh kế nên CLB khó giúp được các hộ nghèo, hộ khó khăn vay vốn để phát triển sinh kế, tăng thu nhập. Tuy được UBND huyện Tuyên Hóa cho nguồn vốn ban đầu 5 triệu/CLB nhưng số vốn này chỉ đủ cho từ 1 đến 2 hội viên vay vốn mà thôi. Bên cạnh đó, khi thành lập, điều kiện vật chất trang bị ban đầu theo yêu cầu đề ra của CLB ,như: đồng phục, cân đo sức khỏe, máy đo huyết áp, loa máy phục vụ hoạt động văn hóa văn nghệ khi sinh hoạt CLB chưa có, nên hiệu quả hoạt động của CLB chưa cao.
Theo ông Đinh Minh Thử, Trưởng ban đại diện Hội NCT tỉnh, do điều kiện kinh tế của tỉnh còn khó khăn nên việc hỗ trợ nguồn quỹ sinh kế ban đầu cho CLB chưa có, chủ yếu là dựa vào nguồn xã hội hóa của CLB. Theo hướng dẫn, để thành lập CLB LTHTGN cần phải huy động được số vốn quỹ tối thiểu là 20 triệu đồng phục vụ cho hoạt động hỗ trợ vay vốn tăng thu nhập. Đối với 1 CLB quy mô cấp thôn thì đây là một số tiền không hề nhỏ, không phải địa phương nào cũng huy động được.
Mặt khác, CLB LTHTGN vẫn là một mô hình khá mới nên nhiều NCT, cũng như người dân chưa thực sự hiểu được ý nghĩa, vai trò của CLB. Bên cạnh đó, sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền tại một số địa phương đối với hoạt động NCT còn hạn chế nên chưa phát huy được hiệu quả của mô hình.
Trong giai đoạn hiện nay, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, NCT là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, thì việc quan tâm chăm sóc NCT càng trở nên cấp thiết hơn, vì vậy, chính quyền, đoàn thể và xã hội cần tăng cường bảo vệ, chăm lo NCT chu đáo hơn. Mặt khác, cần sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ các ban, ngành liên quan để các CLB LTHTGN hoạt động hiệu quả, thiết thực hơn theo phương châm NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích.
Thanh Hoa
.