(QBĐT) - Bên cạnh công tác bảo vệ, phát triển rừng, thời gian qua, lực lượng Kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách của các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác quản lý, bảo tồn động vật hoang dã.
![]() |
Đặc biệt, các lực lượng luôn có mặt tại các khu rừng có đa dạng sinh học cao, như: Khe Nước Trong (thuộc lâm phận Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu); khu vực giáp biên giới Việt-Lào và vùng đệm của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng để ngăn chặn tình trạng săn, bắt bẫy, mua bán và vận chuyển động vật rừng trái phép. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng tích cực phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng phương án bảo tồn loài Vọoc gáy trắng tại các xã Thạch Hóa, Đồng Hóa, Thuận Hóa (huyện Tuyên Hóa).
Bên cạnh đó, công tác quản lý, kiểm tra cơ sở gây nuôi sinh sản động vật rừng cũng được Chi cục Kiểm lâm tỉnh chú trọng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 60 cơ sở gây nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật rừng đã được cấp giấy chứng nhận, trong đó có 35 cơ sở nuôi động vật rừng thông thường.
Ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm đang tiến hành cấp mã số cho các cơ sở nuôi động vật rừng quý hiếm theo phụ lục II, III Công ước CITES theo quy định. Đồng thời, đơn vị hướng dẫn các Hạt Kiểm lâm quản lý các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ, hủy giấy phép cũ và cấp mã số cơ sở gây nuôi động vật nguy cấp quý hiếm thuộc phụ lục II, III CITES và phối hợp Văn phòng CITES Việt Nam cấp mã số cho các loài động vật thuộc danh mục I CITES.. Hương Trà