(QBĐT) - Trên địa bàn TP. Đồng Hới có gần 30km quốc lộ; 59km tỉnh lộ và trên 457km đường đô thị, liên xã. Đề án xã hội hóa đường giao thông quy mô nhỏ giai đoạn 2015- 2018 và giai đoạn 2016-2020 đã làm thay đổi khá toàn diện bộ mặt giao thông nội thị thành phố. Tuy nhiên, song song với quá trình đầu tư làm mới, duy tu... đường giao thông đã xuất hiện hàng loạt tuyến đường bị xuống cấp nghiêm trọng… trở thành những con đường “hành dân”!
Con đường “lầy lội”!
Đó là câu cửa miệng, hay lời ta thán của cư dân thành phố khi tham gia giao thông trên đường Lê Lợi.
Tuyến đường Lê Lợi, một trong những trục giao thông huyết mạch nối từ đông sang tây TP. Đồng Hới. Hàng ngày, trên tuyến đường này có hàng ngàn lượt người, phương tiện lưu thông qua lại rất đông đúc. Thế nhưng nhiều đoạn trên đường Lê Lợi đang bị xuống cấp khá nghiêm trọng.
![]() |
Căn nguyên của thực trạng trên, theo như tìm hiểu của phóng viên, xuất phát từ việc thi công san lấp mặt bằng các khu hạ tầng kỹ thuật dân cư, đô thị mới tại phường Đức Ninh Đông và xã Đức Ninh dọc theo đường Lê Lợi.
Bắt gặp chúng tôi đang ghi hình những vũng nước, ổ gà, ổ voi và những chiếc xe tải "khủng" ngược xuôi chở đất, cát, vật liệu xây dựng phục vụ cho công tác san lấp mặt bằng, chị Lê Châu Cúc, chủ hộ kinh doanh mặt tiền đường Lê Lợi bức xúc: “Các nhà báo thấy đó, nhiều xe tải "khủng" chở đất cát chạy ầm ầm như thế thì đường không hư hỏng, không tan nát, không xuống cấp mới lạ!”.
Chị Cúc cho biết thêm: “Dân chẳng biết kêu ai, chỉ bằng cách chụp ảnh đăng lên mạng xã hội kêu khổ. Thời gian vừa rồi nhờ nhiều cơ quan báo chí phản ánh mạnh, nên thấy người, phương tiện chở sạn tới san lấp mấy ổ gà, ổ voi và các vũng nước. Làm qua loa, đại khái lắm.
Tuy nhiên, do không có hệ thống thoát nước nên mỗi khi mưa, tuyến đường này lại bị ngập sâu, ngày nắng thì bụi bay mù mịt. Tiếp đó, vì thi công theo kiểu "vá víu" không cẩn thận nên đá sạn chẳng chịu bám vào mặt đường, tạo nên những "chiếc bẫy" rất nguy hiểm cho người, phương tiện lưu thông”.
Bản thân chị Cúc từng chứng kiến hai vụ tai nạn khá nghiêm trọng trên đường Lê Lợi. Đơn cử như tối 10-12, trong lúc tham gia ăn mừng chiến thắng của Đội tuyển bóng đá nam Việt Nam đoạt Huy chương vàng tại Sea Games 30, một thanh niên khi chạy xe máy trên đường Lê Lợi đoạn phía trước Bệnh viện đa khoa TP.Đồng Hới vấp phải "ổ voi", bị té ngã, chấn thương nặng.
![]() |
Thêm bao nhiêu con đường tiếp tục “hành dân”
Đường Hà Văn Quan nối từ đường Hữu Nghị chạy qua trước Trường trung cấp Y tế Quảng Bình rồi… đâm vào ngõ cụt. Trong nhiều năm liền, hàng trăm ý kiến cử tri hai phường Nam Lý, Bắc Lý chất vấn lãnh đạo TP. Đồng Hới về hướng kết nối đường Hà Văn Quan với đường Nguyễn Công Hoan phía bên kia đường tàu, nhưng xem ra vẫn chẳng có giải pháp khả thi. Vị trí nơi đường Hà Văn Quan đâm vào ngõ cụt trở thành chỗ tập kết rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng.
Vì đường Hà Văn Quan chưa thông nên lưu lượng người, phương tiện dồn ứ về phía đường Tôn Thất Tùng. Tình trạng tắc đường xảy ra như cơm bữa trên tuyến đường này. Đặc biệt vào giờ cao điểm cán bộ, công chức đi làm; học sinh ở 3 trường Mầm non Nam Lý, Tiểu học số 1 Nam Lý, THCS số 1 Nam Lý đến trường và khi điểm giao cắt giữa đường Tôn Thất Tùng với đường sắt hạ chắn thì người, phương tiện dồn ứ lại, chật cứng.
Đường Tố Hữu bắt đầu từ trước trụ sở Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh xuôi về phía đường Trần Hưng Đạo, chiều dài chưa đầy 1 km. Từ lâu, đường Tố Hữu trở thành nỗi thống khổ của người dân khi mặt đường xuất hiện hàng loạt ổ voi, ổ gà.
Vào mùa mưa, hai bên đường Tố Hữu đều bị ngập nước. Nhiều hộ gia đình kinh doanh, buôn bán dọc đường Tố Hữu bức xúc: “Là tuyến phố chính, mật độ người, phương tiện lưu thông đông đúc nhưng bị xuống cấp nhiều năm vẫn chưa thấy khắc phục, sửa chữa”.
Từ đường Tố Hữu, chúng tôi qua tuyến phố Trần Hưng Đạo để đến đường Tôn Đức Thắng. Trước khi đấu nối với đường Hà Huy Tập lên phía phường Đồng Sơn, đường Tôn Đức Thắng có một đoạn nhoặt phải với chiều dài chừng 300m bị hư hỏng nặng nề.
![]() |
Một số hộ dân phản ảnh: “Chỉ một đoạn đường ngắn thôi, nhưng khổ lắm, mùa mưa thì lầy lội, ứ đọng nước, mùa hè nhà chẳng bao giờ dám mở cửa vì bụi. Mong tỉnh, thành phố có biện pháp khắc phục, sửa chữa”. Kiến nghị, đề xuất thiết thực như vậy, nhưng đến nay thì khoảng 300m đường Tôn Đức Thắng đó vẫn chung số phận “biết rồi… nói mãi”.
Đường Đặng Thái Thân ở TDP 10, phường Bắc Lý là một trong những con đường “hành dân” tiêu biểu ở TP. Đồng Hới. Ở đoạn giáp với đường Nguyễn Công Hoan gần Trường mầm non Bắc Lý, rất nhiều năm, mặt đường Đặng Thái Thân nát tan… nát đến độ “không thể nát” hơn. Anh Trần Kế Bảo, nhà giáp mặt đường cho hay: “Nói mãi, bà con cũng chán, đường vẫn bị xuống cấp, hư hỏng trầm trọng hơn. Mùa nắng cũng như mùa mưa, mặt đường luôn ngập nước, đầy ổ voi, ổ gà. Cực không kể xiết!”.
Trước tình hình đường Đặng Thái Thân hư hỏng nặng, ông Trương Tiến Huê, nhóm trưởng nhóm dân phố 1,TDP 10, phường Bắc Lý đứng ra vận động các “Nhóm liên gia” 1, 2, 3 cùng chung đường Đặng Thái Thân góp kinh phí để tự sửa chữa.
“Khoảng trên 20 hộ gia đình, đóng góp kinh phí 30 triệu đồng và 30 ngày công đổ đá, vá đường. Năm hết, Tết đến không thể trông chờ kinh phí của thành phố được nữa. Bây giờ thì mặt đường Đặng Thái Thân cơ bản khắc phục được hư hỏng. Bà con ai cũng phấn khởi”.
Đề án xã hội hóa đường giao thông quy mô nhỏ giai đoạn II (2016-2020) trên địa bàn TP.Đồng Hới sắp sửa hết thời gian. Đã đến lúc bộ mặt hệ thống giao thông thành phố cần phải được quan tâm đúng mức, đúng tầm trong đầu tư mới cũng như công tác duy tu, bảo dưỡng.
Nhóm PV. Bạn đọc