Phía sau những nỗi đau

  • 08:11, 23/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chiến tranh đã đi qua, nhưng hậu quả nó gây ra vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống, trong đó có nỗi đau da cam/dioxin. Những di chứng mà các nạn nhân chất độc da cam gánh chịu không phải ngày một, ngày hai mà dai dẳng qua nhiều thế hệ. Phía sau nỗi đau đó là những người vợ, người mẹ, người cha lặng thầm trong xót xa để chăm sóc chồng, con... 
 
Gặp họ, trò chuyện với họ-những người vợ, người mẹ, người cha đang nuôi dưỡng, chăm sóc người thân là nạn nhân chất độc da cam mới có thể hiểu hết những vất vả, gian nan, khổ đau mà họ đã trải qua. Mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều éo le, day dứt về tinh thần, chưa một ngày được hưởng hạnh phúc đúng nghĩa.
 
40 năm lấy chồng thì chừng ấy năm bà Trần Thị Hiên ở thôn Thuận Vinh, xã Thuận Đức (TP. Đồng Hới) phải chịu bao vất vả, cực nhọc, nén nỗi đau vào trong vì con. Hơn 20 tuổi, bà lấy chồng, cũng là bạn chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, ông Đinh Minh Trị. Lấy nhau được một năm thì họ sinh đứa con đầu lòng nhưng bị ốm rồi mất. Khi sinh người con thứ 2 là chị Đinh Thị Hồng, ông bà tràn đầy hy vọng nhưng số phận một lần nữa không mỉm cười với họ bởi khi chị Hồng 2 tuổi vẫn không biết đi, tay chân không phát triển, đầu to ra. Thương con, ông bà đem Hồng đi chữa trị khắp nơi nhưng các bác sỹ đều lắc đầu khi biết ông bà từng sống và chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị trong giai đoạn Mỹ rải chất độc da cam/dioxin. 
 Sự cảm thông, sẻ chia của cộng đồng là động lực giúp các nạn nhân chất độc da cam/dioxin vững tin hơn trên chặng đường phía trước.
Sự cảm thông, sẻ chia của cộng đồng là động lực giúp các nạn nhân chất độc da cam/dioxin vững tin hơn trên chặng đường phía trước.
Nén nước mắt vào trong, bà cố gắng chăm con, chăm chồng. Những lúc nhìn con gái líu lưỡi muốn nói nhưng chỉ phát ra những âm thanh ú ớ, lòng bà lại quặn thắt. Những khi trái gió, trở trời, cả chồng, cả con cùng đổ bệnh, mình bà lại tất tả ngược xuôi để chăm chồng, con. Bà tâm sự, chị Đinh Thị Hồng đã tròn 37 tuổi nhưng chưa một ngày bà dám đi ra khỏi nhà khi con không có ai túc trực bên cạnh. Trải qua biết bao nỗi vất vả, nhưng bà luôn xác định mình phải là chỗ dựa cho cả gia đình, cố gắng vượt qua mọi khó khăn để chăm lo cho những người thân yêu, chỉ buồn là nuôi con ngần ấy  năm mà chưa một lần được nghe con gọi tiếng mẹ, tiếng cha.
 
Theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1964, chàng thanh niên Đặng Văn Hịnh (SN 1937) ở thôn 4, xã Nghĩa Ninh (TP. Đồng Hới) lên đường nhập ngũ vào tiểu đoàn 45, Tỉnh đội Quảng Bình, tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Năm 1973, trong một trận đánh, ông bị thương nặng, sau đó được xuất ngũ trở về địa phương. Vốn là bệnh binh mang trong mình nhiều bệnh tật, vợ lại mất do bị bom đánh trúng, một mình ông nuôi 3 người con mà đứa lớn nhất mới có 6 tuổi. Được sự động viên của tổ chức, đoàn thể, ông lập gia đình để có người chăm sóc con cho ông tiện bề công tác, lúc ấy ông là Xã đội trưởng xã Nghĩa Ninh. Thế nhưng, khi cậu con trai thứ 3 của người vợ sau vừa tròn 4 tháng tuổi, vợ ông lại qua đời, một mình ông phải nuôi 6 người con, trong đó 3 người con trai sau triền miên đau ốm, trí tuệ không phát triển như người bình thường do nhiễm chất độc da cam (3 người con đầu được sinh ra trong khoảng thời gian ông chưa bị nhiễm chất độc da cam).
 
Một mình chăm 6 đứa con, ông đối diện với vô vàn nỗi đau và sự vất vả, cực nhọc. Có những lúc, trong căn nhà trống huơ, trống hoác, người cha lại ôm các con dời chỗ này qua chỗ khác để trú mưa. Hơn 32 năm nay, ông vừa làm cha, vừa làm mẹ để chăm sóc các con, bao gian truân vất vả cứ nối tiếp từng ngày. Cả cuộc đời vì con, ông chưa bao giờ có phút nghỉ ngơi trọn vẹn, động lực để ông vượt qua mọi khó khăn chính là tình yêu vô hạn đối với những đứa con mang nỗi đau da cam. Ở tuổi 83, mắt ông đã mờ, tai không còn nghe rõ nhưng ông vẫn phải gắng sống để nuôi các con được ngày nào hay ngày nấy.
 
Câu chuyện về nỗi đau chất độc da cam luôn ẩn chứa những phận người bi thương, những câu chuyện của họ cứ nối dài thêm nỗi đau khốn cùng. Tuy nhiên, ở đó cũng dấy lên những tấm gương sáng về đức hy sinh thầm lặng của những người mẹ, người cha, người vợ đã dành hết sức lực, tình thương để chăm sóc chồng, con. Với họ, sự cảm thông, sẻ chia của cộng đồng là động lực để giúp họ vững tin hơn trên chặng đường phía trước.
 
Phạm Hà

tin liên quan

Tổ chức ngày hội truyền thông "Phòng tránh tai nạn bom mìn" tại cộng đồng
Tổ chức ngày hội truyền thông "Phòng tránh tai nạn bom mìn" tại cộng đồng

(QBĐT) - Thực hiện thỏa thuận giữa Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình với Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), Hội Chữ thập đỏ tỉnh vừa tổ chức ngày hội truyền thông với chủ đề "Phòng tránh tai nạn bom mìn".

Tặng bò giống cho hộ nghèo: Hiệu quả tích cực
Tặng bò giống cho hộ nghèo: Hiệu quả tích cực

(QBĐT) - Thời gian qua, nhằm giúp các đối tượng khó khăn giảm nghèo nhanh và bền vững, Ủy ban MTTQVN huyện Lệ Thủy đã vận động nhiều nguồn quỹ khác nhau hỗ trợ bà con phát triển sản xuất. Đặc biệt, việc tặng bò giống cho hộ nghèo đã góp phần quan trọng giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Cao tốc Bắc-Nam có hơn 30 nhà đầu tư trong nước tham gia dự tuyển
Cao tốc Bắc-Nam có hơn 30 nhà đầu tư trong nước tham gia dự tuyển
Theo lộ trình dự kiến, công tác sơ tuyển nhà đầu tư của 8 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam sẽ hoàn thành trong tháng 2-2020. Sau đó, các Ban quản lý dự án sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.