(QBĐT) - Trong những năm gần đây, trên địa bàn cả nước cũng như ở Quảng Bình đã xảy ra rất nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn xã hội. Vậy để bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC), nhất là đối với các chợ và trung tâm thương mại vào dịp cuối năm (thường tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy cao) cần tập trung thực hiện các biện pháp nào?
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, trong trong vòng 5 năm qua (từ 2014 đến nay), toàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ cháy chợ gây thiệt hại gần 30 tỷ đồng. Điển hình như vụ cháy xảy ra vào rạng sáng ngày 2-1-2015 tại chợ Ba Đồn gây cháy 22 ki-ốt của 18 hộ kinh doanh thiệt hại hơn 26 tỷ đồng.
![]() |
Tiếp đó là vụ cháy xảy ra ngày 12-9-2015 tại chợ Hoàn Lão gây cháy 4 ki-ốt, thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng. Hay như vụ cháy xảy ra ngày 19-12-2015 tại chợ Troóc gây cháy 8 ki-ốt, thiệt hại hơn 1,6 tỷ đồng...
Qua điều tra và phân tích nguyên nhân từ các vụ cháy lớn tại các chợ cho thấy: Có trên 80% vụ cháy xảy ra ban đêm và ngoài giờ hoạt động của chợ; 47% do hệ thống điện và sử dụng thiết bị tiêu thụ điện không bảo đảm an toàn PCCC; 7% do hàn cắt kim loại và trên 33% do sử dụng lửa trần, thắp hương thờ cúng trong chợ.
Ngoài sự thiếu ý thức, kiến thức PCCC của người dân, người kinh doanh buôn bán trong chợ, thì điều đáng nói là nhiều cơ quan chủ quan, ban quản lý chợ… chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC, thiếu sự quan tâm hoặc coi nhẹ công tác PCCC, thậm chí cố tình vi phạm quy định PCCC.
Cũng qua công tác kiểm tra mới đây của lực lượng PCCC cho thấy, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có trên 161 chợ đang hoạt động. Trong đó có 134 chợ thuộc khu vực nông thôn, chiếm 83% (gồm 25 chợ hạng II và 109 chợ hạng III).
Về quy mô, cơ sở vật chất, kiến trúc công trình: có 46 chợ kiên cố, 25 chợ bán kiến cố, còn lại 63 chợ cóc, chợ tạm. Đây được xác định là một trong những loại hình cơ sở được xếp loại đặc biệt nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ cao về xảy ra cháy nổ.
Trên cơ sở kiểm tra này, để bảo đảm an toàn PCCC, nhất là vào dịp cuối năm sắp tới, khi hàng hóa thường được tiểu thương tập kết, tích trữ, bày bán với số lượng nhiều và tăng cao đột biến, theo ông Hoàng Việt Thân, Phó Trưởng phòng PCCC-Cứu nạn cứu hộ, các chợ và trung tâm thương mại cần nghiêm túc thực hiện các quy định về an toàn PCCC- Cứu nạn cứu hộ, trong đó cần tập trung thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC cụ thể sau:
Mỗi hộ kinh doanh chỉ trưng bày hàng mẫu và hàng bán trong một ngày với số lượng tối thiểu; không để hàng hóa lấn chiếm khoảng cách giữa các lô, sạp hàng đã quy định; không để hàng hóa tràn lan, lấn chiếm lối đi lại trong khu vực chợ. Cần niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ. Trường hợp cần thiết sử dụng lửa, nguồn nhiệt, phải bố trí khu vực riêng biệt và có các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC.
Tách riêng biệt hệ thống điện phục vụ kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng bảo vệ, hệ thống điện phục vụ cho công tác chữa cháy; lắp đặt thiết bị bảo vệ (áp-tô-mát) cho toàn bộ hệ thống điện, cho từng tầng, từng nhánh, từng ngành hàng riêng biệt.
Lưu ý để hàng hóa dễ cháy cách bóng điện, bảng điện tối thiểu 0,5 m. Không sử dụng bàn là điện, bếp điện, lò sấy, lò sưởi và sử dụng quạt phải có lồng bảo hiểm.
Đặc biệt, tuyệt đối không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất đặc biệt nguy hiểm cháy như pháo nổ, xăng, dầu, cồn, ga và hóa chất dễ cháy khác ở trong nhà chợ; không đun nấu, thắp đèn, nến, hương thờ cúng và đốt vàng mã trong chợ và trung tâm thương mại.
![]() |
Nên bố trí dãy hàng, ngành hàng không cháy hoặc khó cháy xen kẽ giữa các ngành hàng, dãy hàng dễ cháy. Cùng với đó, lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy vách tường, chữa cháy tự động theo quy định. Không làm thêm mái che, mái vẩy cũng như không bố trí quầy sạp, bãi để xe và không để vật tư, hàng hóa trong khoảng cách ngăn cháy giữa các khối nhà của khu vực chợ với các khu vực lân cận.
Để chủ động và kịp thời xử lý các tình huống cháy nổ có thể xảy ra, cần thành lập đội PCCC cơ sở có đủ lực lượng để tổ chức thường trực, tuần tra phát hiện cháy và thường xuyên tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, hướng dẫn thoát nạn và cứu người cho lực lượng này.
Trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy phục vụ việc thoát nạn, cứu người phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy. Xây dựng và tổ chức diễn tập phương án chữa cháy định kỳ, đặc biệt là phương án chữa cháy huy động nhiều lực lượng để cứu người, tài sản trong tình huống xẩy ra cháy phức tạp nhất.
Trong trường hợp phát hiện có cháy xảy ra, cần tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số máy 114, cho Công an nơi gần nhất, đồng thời tổ chức lực lượng phương tiện bằng mọi cách ngăn chặn cháy lan, chữa cháy và cứu người, cứu tài sản.
Thành Quảng