(QBĐT) - Tỉnh ta có bờ biển dài 116,04 km từ Đèo Ngang (giáp Hà Tĩnh) đến Hạ Cờ (Quảng Trị). Địa hình hẹp về bề ngang, bị chia cắt bởi 5 con sông lớn: Nhật Lệ, Dinh, Lý Hòa, Gianh và Roòn. Các con sông có độ dốc cao, xuất phát từ núi rừng Trường Sơn đổ ra biển. Chính đặc thù này ảnh hưởng nhiều đến vấn đề môi trường, môi sinh khu vực dân cư sát biển. Ngoài rác thải dân sinh, hàng năm vào mùa lụt bão, một lượng rác khổng lồ theo 5 cửa sông dồn ra biển… Các làng biển luôn ẩn chứa nỗi lo về rác.
Bài I: Sống chung với rác
Như một thói quen cố hữu, cứ vào buổi sáng sớm, ông Nguyễn Thanh Thuyên, Trưởng thôn Tân Định, xã Hải Ninh (Quảng Ninh) lại đảo một vòng về phía biển. Sau những đợt mưa tháng 10, biển Hải Ninh lại ngập trong rác. Ông bảo: “Vấn nạn rác thải vượt ngoài khả năng của dân trong thôn nên năm nào cũng vậy, xã Hải Ninh phải cậy nhờ đến sức mạnh toàn dân, kể cả lực lượng đoàn viên thanh niên huyện Quảng Ninh để thu gom rác thải, trả lại sự trong sạch cho môi trường biển”.
Con đường nhỏ từ thôn Tân Định chạy xuống bãi tắm Hải Ninh mùa này khá vắng khách. Chúng tôi theo chân ông Trưởng thôn Tân Định đi dọc bãi tắm. Thực sự “mục kích sở thị” tình trạng rác theo sóng biển đánh vào tràn đầy mặt bờ cát, kéo dài thành một vệt xám xịt mới hiểu hết nỗi lo của bà con thôn Tân Định cũng như người dân xã biển Hải Ninh.
Ngoài rác thải tự nhiên từ biển tràn vào, rác thải sinh hoạt từ hệ thống nhà hàng, quán nhậu tại bãi tắm Hải Ninh cũng là vấn đề nhức nhối, góp phần gây nên cảnh ô nhiễm. Không có hệ thống thùng đựng rác thu gom, rác thải được chủ hàng quán tập kết vứt ra hai bên con đường nhỏ, mùi bốc lên nồng nặc.
|
Chủ tịch UBND xã Hải Ninh Phạm Văn Liệu cho biết: “Rất nhiều lần UBND xã đề nghị chủ cơ sở kinh doanh tại bãi tắm nghiêm túc chấp hành vấn đề thu gom rác, vệ sinh môi trường nhưng họ vẫn chưa thực hiện. Bên cạnh đó, ở khu vực bãi tắm chưa quy hoạch được khu vực tập kết rác, không có thùng đựng rác chuyên dụng nên họ vứt rác ra dọc hai bên con đường nhỏ sát biển. Trong thời gian tới, UBND xã kiên quyết yêu cầu các chủ kinh doanh phải có phương án thu gom rác, đóng góp kinh phí cùng với người dân thôn Tân Định hợp đồng với Ban quản lý các công trình công cộng huyện Quảng Ninh vận chuyển rác về địa điểm tập kết đúng theo quy định”.
Ngược ra phía bắc đến làng biển Lý Hòa, xã Hải Trạch (Bố Trạch), tình trạng ô nhiễm rác thải cũng đến mức đáng báo động. Chợ Lý Hòa nằm ngay bên sông Lý Hòa, giữa trung tâm xã Hải Trạch, rác thải hàng ngày từ chợ vứt trực tiếp xuống sông Lý Hòa. Bờ sông phía xã Hải Trạch vì thế chịu cảnh ô nhiễm nặng.
Nhà ông Phan Văn Hùng trở mặt ra bờ biển, ngày ngày ông chứng kiến cảnh nhiều người dân vô tư vứt rác ra biển. Thêm một nghịch lý khác là UBND xã Hải Trạch lại đồng ý cho người dân trong xã tập kết rác thải xây dựng ngay tại khu vực sát sông Lý Hòa, sát ngay bờ kè chắn sóng. Theo tốc độ đô thị hóa “chóng mặt” ở làng biển Lý Hòa, bãi tập kết rác xây dựng ngày càng lớn dần lên, lan xuống tận bờ biển, bờ sông Lý Hòa.
Ông Phan Văn Hùng cho biết: “Nhiều lần dân chúng tôi kiến nghị với UBND xã, nhưng tình trạng xả rác sinh hoạt, tập kết rác xây dựng vẫn chưa được xử lý. Dân số xã Hải Trạch hơn 2.000 hộ, nhưng mới chỉ có khoảng 1.500 hộ đóng phí thu gom rác thải sinh hoạt, 500 hộ dân còn lại vứt rác đi đâu?”, ông Hùng đặt câu hỏi.
|
Xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) có vị trí vừa ven sông vừa ven biển, tiếp giáp với cửa sông Roòn. Tổng diện tích toàn xã 152 ha, dân số trên 2.300 hộ, gần 8.700 nhân khẩu sinh sống tại 9 thôn. Kinh tế xã Cảnh Dương chủ yếu khai thác, đánh bắt, chế biến hải sản và các loại hình kinh doanh, dịch vụ khác. Toàn xã có trên 700 phương tiện đánh bắt hải sản, chiếm 70% là phương tiện đánh bắt xa bờ, trong đó, khoảng 200 tàu đánh bắt ở vùng biển xa. Trên địa bàn xã có chợ Cảnh Dương, trung tâm thương mại của người dân vùng Roòn. Hàng trăm cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, công ty… bước đầu tách khỏi khu dân cư, tập trung tại làng nghề và khu vực ven sông. Tại những khu vực này, mức độ ô nhiễm rác cũng đến ngưỡng cảnh báo.
Ông Trương Đình Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Cảnh Dương nhận xét: “Quy mô dân cư, kinh tế phát triển nhưng đất đai thì không “đẻ” được. Đất chật, người đông phát sinh rất nhiều vấn đề về môi sinh, môi trường, ô nhiễm rác thải là điều không thể tránh khỏi. Ngoài lượng rác thải từ khu vực sản xuất, khai thác và chế biến, còn có một lượng rác tự nhiên từ biển dạt vào theo các đợt thủy triều. Đặc biệt vào mùa mưa lũ, bão tố, mức độ gia tăng các loại rác, nhất là khu vực ven biển, ven sông trở nên nghiêm trọng…”
Hải Ninh, Hải Trạch, Cảnh Dương chỉ là 3 địa phương ven biển trong hàng trăm làng biển khác ở tỉnh ta đang từng ngày chịu chung tình trạng ô nhiễm rác thải. Đối mặt với nỗi lo về rác, chính quyền và người dân làng biển đang vận dụng nhiều cách làm hay để khắc phục ô nhiễm rác thải, bảo vệ môi trường biển, môi trường sống của mình.
Ngô Thanh Long
Bài 2: “Tuyên chiến” với rác thải.