(QBĐT) - Trong những năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi ở tỉnh ta đã có bước phát triển mạnh ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm. Đạt được những kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ thú y, đặc biệt là ở cấp xã. Tuy nhiên, thực tế công tác thú y cơ sở vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi.
Hiện nay, toàn tỉnh có 462 người hoạt động trong hệ thống thú y cấp xã ở 159 xã, phường, thị trấn; trong đó Trưởng ban thú y xã có 154 người, thú y viên có 308 người. Bình quân mỗi xã, phường, thị trấn có 2-3 cán bộ thú y. Thực tế cho thấy, mạng lưới này hoạt động rất hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh và hướng dẫn người dân cách chăm sóc đàn gia súc, gia cầm.
Mặc dù hoạt động rất tích cực, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của ngành chăn nuôi tỉnh ta song hoạt động của mạng lưới nhân viên thú y cấp xã hiện vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn.
Theo quy định, nhân viên thú y cấp xã được giao 11 nhiệm vụ ở cơ sở, nhiều nhất trong 5 loại cán bộ theo dõi mảng nông nghiệp ở cấp xã (bảo vệ thực vật, thú y, thủy lợi, khuyến nông, công chức Kiểm lâm).
![]() |
Tuy nhiên, với lượng công việc nhiều, trách nhiệm cao, nhưng chính sách hỗ trợ đối với nhân viên thú y còn quá ít ỏi. Hiện nay chỉ có các Trưởng ban thú y xã thì mới được nhận mức phụ cấp hệ số 1 tức (1.390.000 đồng/người/tháng), không có bảo hiểm y tế hay bảo hiểm xã hội. Với mức phụ cấp này chỉ đủ để nhân viên thú y cấp xã trang trải một phần cuộc sống nhưng so với trách nhiệm và khối lượng công việc họ phải làm là chưa thỏa đáng.
Bên cạnh đó, thú y viên thậm chí còn không có phụ cấp mà chỉ được trả công khi địa phương huy động trong các đợt tiêm phòng vắc-xin chính vụ, dập dịch… nên không có sự ràng buộc về trách nhiệm.
Ông Dương Công Nghiếc, Trưởng ban thú y xã Tân Thủy (Lệ Thủy) cho biết: "Tôi làm công việc này hơn 50 năm nay. Có công việc gì liên quan đến chăn nuôi là lãnh đạo xã, bà con nông dân đều gọi. Trong những năm gần đây, chăn nuôi trên địa bàn xã ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, người dân chưa chú trọng đến công tác thú y. Mỗi năm chúng tôi phải triển khai ít nhất 2 đợt tiêm phòng, 3 đợt khử trùng tiêu độc. Nghề thú y là nghề độc hại vì thường xuyên tiếp xúc với chất thải động vật, môi trường nuôi nhốt, chăn thả ô nhiễm, lại nguy hiểm vì đối diện với vật nuôi hung hãn mỗi khi tiêm phòng, chữa trị bệnh. Thế nhưng, phụ cấp ít, chúng tôi phải chăn nuôi thêm để có thêm thu nhập".
Cũng giống như ông Nghiếc, hơn 10 năm trong nghề, ngoài việc tiêm phòng, khử độc, ông Hà Văn Thụ, Trưởng ban thú y xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) còn phải tổng hợp số liệu, làm báo cáo theo yêu cầu của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện; rà soát số lượng đàn gia súc, gia cầm; tham gia các lớp tập huấn, tiêm phòng…
Công việc nhiều, vất vả nhưng mức lương chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng, chỉ đủ tiền xăng xe. Vì vậy, ông rất mong tỉnh có một cơ chế, chính sách hỗ trợ để những nhân viên thú y có thể bám trụ với nghề và hoàn thành tốt hơn công việc đảm nhiệm.
![]() |
"Hiện nay, nhờ mạng lưới thú y cơ sở mà hoạt động thú y của tỉnh đã phát huy tốt hiệu quả trong công tác phòng chống dịch và thông tin thống kê số lượng đàn gia súc, gia cầm. Có thể nói, đây là lực lượng nòng cốt cho việc triển khai có hiệu quả các hoạt động về chăn nuôi thú y trên địa bàn, vì vậy, cần có cơ chế chính sách phù hợp", ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh cho biết.
Làm việc trong môi trường có nhiều nguy hiểm, nhưng chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng, những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có không ít nhân viên thú y cấp xã xin nghỉ việc để chuyển sang làm công việc khác. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tiêm phòng, giám sát dịch bệnh tại địa phương.
Thiết nghĩ, để tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động thú y cấp xã, cần có thêm chính sách đãi ngộ nhằm bảo đảm quyền, lợi ích và điều kiện vật chất cho cán bộ thú y cấp xã hoạt động ngày càng có hiệu quả.
Phạm Hà